TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:18

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT:  NIỀM TIN VÀO CÔNG LÝ

Thưa cùng Quý vị!

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có nêu: “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chức năng giám sát; của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Tố cáo năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Niềm tin vào công lý” giúp người đọc có thêm những thông tin về nội dung, thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018.

I. Nhân vật:

- Ông Ngọc: người tố cáo

- Anh Nam: công chức tiếp công dân.

II. Nội dung tiểu phẩm:

Tại phòng Tiếp công dân của huyện: Nam đang ngồi đọc tập tài liệu thì thấy có tiếng gõ cửa.

Nam: Ai đó, mời vào!

Ông Ngọc: Chào anh! Anh cho tôi hỏi, tôi muốn gửi đơn tố cáo thì tôi phải gặp ai và gửi ở đâu?

 Nam: Vâng, cháu chào bác! Cháu mời bác vào trong phòng đã, có chuyện gì bác, cháu ta cùng nhau trao đổi ạ!

Rót chén trà nóng mời khách, anh Nam nói:

- Cháu xin tự giới thiệu: Cháu tên là Trần Thành Nam - Thanh tra viên - được phân công nhiệm vụ tiếp công dân. Bác có thể giới thiệu cho cháu biết tên, tuổi và bác tới từ đâu không ạ?

Ông Ngọc (nhấp ngụm trà, từ tốn nói): Vâng, cảm ơn anh! Tôi tên là Ngọc,  tên đầy đủ là Nguyễn Đức Ngọc, năm nay cũng gần 70 tuổi. Nhà tôi ở tại xã X, huyện Y, từ nhà tôi lên đây cũng tầm 10km đấy. Được cái trời thương nên tôi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, tự đi lại được chứ chưa đến nỗi phải nhờ con, nhờ cháu anh ạ! Tôi đến đây gặp cơ quan chức năng để tố cáo một vụ việc.

Nam: Theo quy định pháp luật, mời bác xuất trình giấy tờ tùy thân của bác cho cháu xem với ạ!

Ông Ngọc (lấy từ trong túi ra): Vâng, gửi anh thẻ căn cước công dân của tôi đây!

 Nam (với tay lấy cuốn Sổ tiếp công dân trên giá sách đặt ngay ngắn trên bàn làm việc cùng cây bút ghi chép và quay sang nói): Bác có thể cho cháu xem đơn tố cáo  và trình bày cụ thể hơn được không ạ?

Ông Ngọc (lấy trong túi ra cho anh Nam một lá đơn rồi nói): Người mà tôi muốn tố cáo là cô N.T.A - công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện. Trong đợt tuyển dụng công chức đầu năm, cô ấy đã nhận của tôi 100 triệu và hứa sẽ lo cho con trai tôi một suất biên chế tại Ủy ban nhân dân huyện.

Ông Ngọc (nghỉ một lát lấy hơi, ông nói tiếp): Cô ấy nhận tiền và hứa hẹn với gia đình tôi chắc chắn con trai tôi sẽ có tên trong Quyết định tuyển dụng công chức của huyện. Cô ấy còn nói là thành viên trong Hội đồng tuyển dụng, rồi người trông thi, người chấm thi đều là chỗ quen biết hết. Ấy vậy mà thi cử đã xong xuôi, Uỷ ban nhân dân huyện đã công bố kết quả và Quyết định tuyển dụng nhưng gia đình tôi chẳng thấy tên thằng con trai tôi đâu cả.

Nam: Thế bác đã gặp gỡ trực tiếp hay gọi điện cho cô ấy chưa?

Ông Ngọc: Thời gian đầu, tôi gọi điện, cô ấy vẫn bảo tôi cứ yên tâm. Cô ấy còn hứa hẹn giúp tôi làm phúc tra, phúc khảo gì đấy nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu. Gần đây, tôi nhắn tin thì cô ấy không thấy trả lời, gọi điện thì bị chặn số không liên lạc được. Tôi tìm đến nhà nhiều lần cô ấy cũng không có nhà anh ạ. Anh xem, nhà tôi hai vợ chồng già, dành dụm cả đời mới được trăm triệu để dưỡng già. Nghe lời cô ấy nói ngon ngọt, tôi đem gửi hết cho cô ấy với hi vọng giúp cho thằng con trai một công việc ổn định. Nào ngờ, việc chẳng thấy đâu mà tiền cũng chẳng lấy được.

Đợi ông Ngọc dừng lời, Nam liền hỏi:

  • Thế khi đưa tiền cho cô A, bác có giấy tờ gì không?

Ông Ngọc (thở dài, nói tiếp): Cơ bản cũng tại tôi cả tin quá anh ạ. Cô ấy là người cùng xã, biết nhau cả mà. Mọi người đều bảo nhà cô ấy có thế lực, quen biết rộng, trước đây cũng nhiều người nhờ cô ấy lắm. Cô ấy khẳng định chắc chắn sẽ giúp được con tôi thi đỗ công chức rồi đi làm luôn. Việc giúp con tôi trong tầm tay của cô ấy. Nghĩ cô ấy nói thật nên khi đưa tiền tôi cũng đến nhà đưa trực tiếp, không ký nhận giấy tờ gì cả.

 Thấy bác Ngọc buồn bã, Nam động viên:

- Bác cứ yên tâm, nếu cô A sai phạm đã có pháp luật giải quyết. Cháu nhận đơn của bác và đã xem đơn, nội dung cũng đầy đủ rồi. Cháu gửi bác Phiếu nhận đơn. Có tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của bác đây rồi. Khi nào cần cung cấp thêm thông tin, cháu sẽ điện cho bác ạ! Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh nội dung tố cáo và giải quyết đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

Ông Ngọc (cầm tờ phiếu nhận đơn, cảm ơn Nam, nhưng vẫn tần ngần. Như nhớ ra điều gì ông liền hỏi): Nhưng anh ơi, tôi sợ tôi tố cáo xong, cô ấy gây khó dễ cho gia đình tôi thì sao vì gia đình cô ấy nghe bảo cũng có thế lực lắm. Mà anh đừng vội nói với ai tôi lên đây tố cáo nhé. Tôi muốn giữ kín mọi chuyện cho đến khi cơ quan chức năng giải quyết xong anh ạ.

Nam (mỉm cười trấn an ông Ngọc rồi nói): Bác cứ yên tâm! Tại khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 quy định cụ thể quyền của người tố cáo, cháu đọc cho bác nghe nhé:

Người tố cáo có các quyền sau:

Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;

Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

Rút tố cáo;

Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Thưa bác, như vậy, việc bảo đảm thông tin của người tố cáo đã được pháp luật quy định rất rõ ràng, cụ thể rồi, bác cứ yên tâm ạ! Ngoài ra, pháp luật còn quy định về việc bảo vệ người tố cáo đó bác.

Ông Ngọc: Anh có thể nói rõ hơn cho tôi nghe điều đó được không?

Nam: Bác ạ, tại Điều 47 của Luật Tố cáo năm 2018 có quy định: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Ông Ngọc: Vậy giả sử tôi là người tố cáo được pháp luật bảo vệ thì tôi có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Nam: Nếu bác là người được cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thì bác có các quyền sau đây: Được biết về các biện pháp bảo vệ; Được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ; Đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; Từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.

Song song với các quyền, người được bảo vệ có các nghĩa vụ: Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; Giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; Thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ...

Ông Ngọc: Trước lúc tôi đi đến đây, bà nhà tôi cứ can ngăn. Bà ấy còn bảo tôi: Nhà người ta có quyền lực, đừng dại mà tố cáo, tiền không lấy lại được mà có khi còn rước họa vào thân... Nhưng sau khi nghe anh hướng dẫn chi tiết như vậy, tôi thấy yên tâm hẳn rồi.

Rồi quay sang Nam, ông nói tiếp:

- Vậy là pháp luật sẽ luôn bảo vệ lẽ phải anh nhỉ! Nhiều người biết chuyện cứ khuyên tôi không kiện cáo gì cả, coi như “của đi thay người”, nhưng tôi thấy không cam lòng. Tôi nghĩ vẫn phải có niềm tin vào pháp luật, vào công lý, người vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý chứ không thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật được đúng không anh”. Chẳng có câu “luật bất vị thân đấy” phải không anh?

Thấy ông Ngọc cởi mở tâm sự, Nam trò chuyện:

- Bây giờ xã hội phức tạp, không ít người hay hứa hẹn xin việc cho người này, người khác. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin nhiều về những việc tương tự như này rồi đấy bác ạ.

Nghe anh Nam nói, ông Ngọc thấy mình vội vàng và cả tin quá. Thi cử thì phải dựa vào năng lực của bản thân mỗi người, đâu phải trông cậy vào những lời hứa bâng quơ được. Ông quay sang Nam chép miệng:

- Cũng tại chúng tôi ít đọc, ít nghe thông tin nên không biết mà đề phòng anh ạ. Bây giờ sự việc đã xảy ra mới ngộ được thì muộn quá rồi.

Như nhớ ra điều gì ông Ngọc hỏi tiếp:

Anh ơi, tiện đây cho tôi hỏi thêm người tố cáo có những nghĩa vụ nào hả anh?

Nam: Thưa bác, pháp luật quy định người tố cáo có những nghĩa vụ như sau:

Cung cấp thông tin cá nhân theo quy định của Luật Tố cáo;

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Ông Ngọc: Vâng, vâng, tôi hỏi anh cặn kẽ để biết nghĩa vụ của mình mà thực hiện cho đúng. Còn việc giải quyết đơn tố cáo của tôi phải qua những trình tự nào thế anh?

Nam: Thưa bác, Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự giải quyết tố cáo như sau: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Ông Ngọc: Thế bao lâu thì có kết quả hả anh?

Nam: Theo quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 thì thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ông Ngọc (tỏ vẻ sốt ruột): Những 30 ngày cơ hả anh?

Nam (trấn an): Bác ơi, Luật quy định là không quá 30 ngày. Đó là thời gian cần thiết để cơ quan chức năng xem xét, xác minh. Nhưng nếu cơ quan giải quyết xong sớm hơn thì chúng cháu sẽ báo cho bác luôn mà không nhất thiết phải đợi đủ 30 ngày bác ạ!

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Tố cáo năm 2018 thì trường hợp quá thời hạn quy định mà nội dung tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.

Ông Ngọc: Anh cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật thì kết luận tố cáo bao gồm những nội dung gì?

Nam: Thưa bác, tại Điều 35 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định cụ thể như sau:

Căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.

Kết luận nội dung tố cáo có các nội dung chính sau đây:

- Kết quả xác minh nội dung tố cáo;

- Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;

- Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;

- Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;

- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.

Ông Ngọc: Vâng, tôi hiểu rồi, tôi cảm ơn anh nhiều!

Nam: Không có gì đâu bác ạ, đây là công việc của chúng cháu mà. Chúng cháu sẽ làm theo trình tự và thời gian pháp luật quy định để vừa đảm bảo việc giải quyết tố cáo được chặt chẽ, kịp thời, xử lý người có hành vi vi phạm đồng thời cũng tránh trường hợp làm oan, sai cho người khác bác ạ. Bác cứ yên tâm về đi, không nên quá lo lắng hay sốt ruột, khi nào có thông tin mới, cháu sẽ gọi điện cho bác.

Ông Ngọc: Vâng, anh nhớ là khi nào có kết quả giải quyết thì gửi cho tôi luôn đấy nhé!

Ông Ngọc ra về thấy vững tâm với giải thích của anh cán bộ tiếp dân. Bận rộn với mùa vụ, ông cũng không quá sốt ruột với việc trả lời của cơ quan chức năng như mấy ngày đầu. Hôm qua, khi đang ở sân tỉa mấy cành cây cảnh, có nhân viên bưu điện đến gặp và đưa cho ông cái bì thư. Vội vàng mở ra xem, ông thấy đó là Kết luận đơn tố cáo của ông với nội dung: Sau thời gian xác minh, những hành vi của cô A có dấu hiệu tội phạm hình sự nên chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm.

Ông Ngọc thở phào nhẹ nhõm. Ông tin rồi công lý sẽ được thực thi. Nhưng qua chuyện của mình, ông Ngọc và những người thân trong gia đình cũng rút ra một bài học đắt giá, rằng không nên tùy tiện tin người; việc tuyển dụng công chức vào cơ quan nhà nước phải bằng kiến thức, sự hiểu biết và năng lực của chính bản thân mình.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn