TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:18

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT MỘT GIỌT MÁU ĐÀO HƠN AO NƯỚC LÃ

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một quốc gia bị tác động nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu, hàng năm phải gánh chịu hậu quả nặng nề của hàng chục cơn bão, tình trạng đói nghèo còn cao nên Nhà nước luôn coi thực hiện chính sách trợ giúp xã hội là một nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội.

Chính sách trợ giúp xã hội là sự đảm bảo của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng về thu nhập và các điều kiện sống thiết yếu bằng các hình thức và biện pháp khác nhau đối với các thành viên trong xã hội khi họ rơi vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói trong cuộc sống mà bản thân họ không đủ khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân và gia đình ở mức tối thiểu.

 Có thể thấy, trợ giúp xã hội là một chủ trương lớn, chính sách của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế quan trọng, đồng thời, nó cũng là nền tảng thực hiện công bằng xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiểu phẩm pháp luật “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” giới thiệu đến người đọc về chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước ta.

I. Nhân vật:

Anh Thành - chồng chị Hiền

Chị Hiền

Cháu Mai (7 tuổi) - cháu ruột anh Thành

Chị Phượng - Hội liên hiệp Phụ nữ xã

II. Nội dung tiểu phẩm:

Đã 10 ngày trôi qua kể từ ngày trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ở tỉnh QN, cướp đi sinh mạng hơn 10 người trong đó có vợ chồng người anh trai của anh Thành. Với sự giúp đỡ của chính quyền xã và bà con hàng xóm, vợ chồng anh Thành, chị Hiền cũng đã thực hiện xong các nghi lễ an táng cho vợ chồng người anh trai và đưa bé Mai, con gái của anh chị về nhà chăm sóc.

Anh Thành vừa thắp nén hương trên bàn thờ anh chị xong thì gọi chị Hiền vào nói chuyện.

Anh Thành: Em à! Cái Mai đã ăn uống gì chưa?

Chị Hiền: Từ hôm bố mẹ cháu mất đến nay cháu cứ lầm lì, ít nói, không chịu ăn uống, thi thoảng em thấy cháu ngồi khóc một mình. Sáng nay, em phải dỗ dành mãi cháu mới chịu ăn ít bánh, giờ đang ở ngoài chơi với con Hà nhà mình kia kìa.

Anh Thành: Ừ! Em chịu khó chăm sóc, dỗ dành con bé. Nó thật tội nghiệp. Còn nhỏ mà đã phải chịu cú sốc tinh thần, không còn bố, mẹ.

Chị Hiền: Vâng! (nước mắt rưng rưng).

Ngập ngừng một lúc, chị Hiền khẽ hỏi: Anh này, em cũng muốn hỏi anh chuyện này. Về lâu dài anh định tính chuyện nuôi dưỡng cháu Mai như thế nào?

Anh Thành: Anh gọi em vào cũng là để bàn chuyện này đây. Cái Mai mới có 7 tuổi. Em cũng biết, ông bà nội mất cả rồi, nhà lại chỉ có hai anh em trai. Bây giờ vợ chồng mình là người thân duy nhất của cháu, hơn nữa đằng bên nhà ngoại mẹ cháu cũng chưa thấy ai có ý kiến gì về việc nuôi dưỡng cháu. Anh tính nhận nuôi con bé, em thấy sao?

Chị Hiền: Em hiểu! Em cũng thương con bé. Nhưng em cũng lo lắm anh ạ. Vợ chồng mình đều làm nông nghiệp, thu nhập cũng chỉ xoay quanh mấy mùa vụ trồng cấy trong năm, em thì lại ốm đau luôn, không may mất mùa hoặc thiên tai như này, lại phải lo ăn từng bữa thì có nuôi nổi cháu không? Anh thử tính xem nếu đưa cháu vào các trung tâm trợ giúp xã hội thì cháu có được ấm no hơn không? Cực chẳng đã em mới phải nghĩ đến cách này, dù sao nó cũng là ruột thịt của mình

Anh Thành (trầm ngâm nhìn vợ): Anh hiểu những lo toan của em! Nhưng em thử nghĩ mà xem, cháu vẫn còn quá nhỏ, việc bố mẹ cháu mất đi đã là cú sốc tinh thần rất lớn đối với cháu, nó vẫn còn hoảng loạn, tâm lý chưa ổn định. Nó ở đây dù sao cũng là gia đình người thân, còn có bạn chơi là con Hà nhà mình. Giờ đưa cháu vào trung tâm trợ giúp xã hội toàn người lạ, lại bao nhiêu cháu nhỏ, làm sao người ta quan tâm hết được. Dù sao thì “một giọt máu đào hơn ao nước lã” em à.

Vừa lúc đó, chị Phượng, cán bộ Hội Phụ nữ xã và cũng là bạn thân của chị Hiền gọi cổng.

Chị Phượng: Hiền ơi có nhà không?

Chị Hiền từ trong nhà chạy ra: Ơi, có nhà đây, vào đi.

Chị Phượng đi vào nhà: Anh Thành hôm nay cũng ở nhà à?

Anh Thành chào chị Phượng rồi rót nước mời chị.

Chị Phượng đặt túi đồ trên bàn: Em có chút quà mang sang cho con bé Mai, anh cầm giúp em nhé. Tội nghiệp con bé quá, nó còn quá nhỏ mà đã phải gánh chịu những mất mát, đau thương! Thiên tai đúng là quá tàn khốc.

Chị Hiền: Gia đình mình cảm ơn Phượng nhiều. Đúng là người chết thì đã chết, còn nỗi đau của người ở lại không biết bao giờ mới nguôi ngoai. (Mắt rưng rưng lệ, rồi chợt như nhớ ra điều gì). À mà Phượng làm cán bộ ở xã, hiểu biết nhiều, cho vợ chồng mình hỏi một chuyện được không?

Chị Phượng: Bạn bè với nhau mà, có gì bạn cứ nói, giúp được mình sẽ giúp.

Chị Hiền đưa mắt nhìn chồng như ý hỏi có nên nói với chị Phượng việc vợ chồng đang bàn không. Thấy vậy anh Thành liền cất lời.

Anh Thành: Chả là thế này, vợ chồng anh đang bàn chuyện nhận nuôi cháu Mai. Em cũng biết đấy, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh cũng rất khó khăn, mà đưa cháu ra ở Trung tâm trợ giúp xã hội hay làng trẻ SOS thì vợ chồng anh không nỡ, cũng chưa biết phải làm như thế nào để vẹn tình, trọn nghĩa…

Anh Thành nói xong và cúi mặt xuống, nghẹn lời.

Chị Phượng: Em hiểu hoàn cảnh và những lo lắng của vợ chồng anh! Em đến đây cũng vì chuyện này anh ạ. Đến khuyên vợ chồng anh cố gắng nuôi nấng con bé, chả gì bằng huyết thống. Hiện nay, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, bé Mai thuộc đối tượng này đấy anh ạ.

Chị Hiền: Ôi thật hả Phượng? Vậy mức trợ cấp hàng tháng được quy định như thế nào?

Chị Phượng: Hôm trước mình được lên huyện tập huấn về Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 này đấy. Mình cũng đã chuẩn bị một số tài liệu liên quan mang sang đây cho vợ chồng bạn đọc để biết thêm thông tin.

Chị Phượng lật tìm trong tài liệu mang theo và ngừng lại.

Chị Phượng: Đây rồi, Điều 3 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội như sau:

“1. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng.

2. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội”.

Như vậy, gia đình mình hoàn toàn có thể yên tâm về chủ trương, chính sách của Nhà nước mình nhé. Còn về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b) Mồ côi cả cha và mẹ;

c) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

d) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e) Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

h) Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

k) Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

3. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

4. Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).

5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

6. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

7. Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

8. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng”.

Như vậy, với hoàn cảnh của cháu Mai nhà mình thì chắc chắn thuộc đối tượng được bảo trợ xã hội rồi.

Anh Thành: Thế trong văn bản ấy, họ có quy định cụ thể mỗi tháng cháu Mai được trợ cấp bao nhiêu tiền không em?

Chị Phượng: Có chứ anh, để em đọc anh nghe

“Điều 6. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng

1. Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

a) Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này:

- Hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi;

- Hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên.

b) Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

c) Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này:

- Hệ số 2,5 đối với đối tượng dưới 4 tuổi;

- Hệ số 2,0 đối với đối tượng từ đủ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi.

d) Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này:

Hệ số 1,0 đối với mỗi một con đang nuôi.

đ) Đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định này:

- Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;

- Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 80 tuổi trở lên;

- Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5;

- Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 5.

e) Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này:

- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;

- Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

g) Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại các khoản 7 và 8 Điều 5 Nghị định này.

2. Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng các mức theo các hệ số khác nhau quy định tại khoản 1 Điều này hoặc tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất. Riêng người đơn thân nghèo đang nuôi con là đối tượng quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 5 Nghị định này thì được hưởng cả chế độ đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 5 và chế độ đối với đối tượng quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 5 Nghị định này”.

Như vậy, nếu trẻ em dưới 04 tuổi thì hệ số trợ cấp bằng 2,5 mức chuẩn trợ giúp xã hội (áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng), tương đương 900.000 đồng/tháng; nếu trẻ từ đủ 04 tuổi trở lên thì hệ số trợ cấp bằng 1,5 mức chuẩn trợ giúp xã hội (áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng), tương đương 540.000 đồng/tháng.

Anh Thành: Năm nay cháu Mai 7 tuổi, tức là mỗi tháng sẽ được trợ cấp là 540.000 đồng phải không em?.

Chưa đợi chị Phượng trả lời, chị Hiền hỏi tiếp như để khẳng định lời anh Thành nói đúng: Vậy bé Mai được hưởng trợ cấp đến năm 16 tuổi đúng không hả Phượng?

Chị Phượng: Không phải vậy đâu Hiền. Nếu bé Mai đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Ngoài ra, bé Mai sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được trợ giúp giáo dục, đào tạo, dạy nghề sau này nữa.

Anh Thành: Vậy thì tốt quá! Nhờ chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước cũng bớt đi được gánh nặng cho gia đình anh. Mà thủ tục để nhận nuôi bé Mai và thủ tục đề nghị được hưởng trợ cấp hàng tháng như thế nào? Có phức tạp lắm không em? Em giúp đỡ, hướng dẫn vợ chồng anh hoàn tất giấy tờ phần việc này nhé!

Chị Phượng: À cái đó thì anh yên tâm. Bé Mai đây cũng thuộc trường hợp được hỗ trợ khẩn cấp khi cha, mẹ chết do thiên tai. Nên trưởng thôn đã lập danh sách những trường hợp cần được hỗ trợ gửi lên xã rồi. Nghe đâu trong thời gian cháu Mai ở với gia đình mình, khi chưa có quyết định được trợ cấp xã hội hàng tháng thì cháu vẫn được hỗ trợ tiền ăn 60.000 đồng/ngày đó.

Ủy ban nhân dân xã cũng sẽ sớm gọi gia đình mình lên để thực hiện các thủ tục hỗ trợ và nhận nuôi dưỡng đối với bé Mai thôi. Lên đó sẽ có sẵn các mẫu tờ khai, gia đình mình chỉ điền theo hướng dẫn là được.

Chị Hiền: Ôi! May quá! Vậy thì mình cũng bớt lo hơn rồi. Cảm ơn Phượng nhiều lắm. May nhờ có Phượng, vợ chồng mình mới biết được những thông tin này. Nhìn con bé còn non dại thế kia mà phải vào trung tâm bảo trợ thì vợ chồng mình không đành lòng Phượng ạ.

Chị Phượng: Đúng đấy Hiền à. Các cụ vẫn có câu “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì” mà. Cháu Mai cũng chỉ có vợ chồng Hiền là người thân duy nhất, hãy cố gắng nuôi dưỡng cháu nên người để bố mẹ cháu được yên nghỉ. Cũng người nhà mình cả mà, đi đâu mà thiệt đúng không anh Thành!

Anh Thành: Em nói đúng, nhiều người bỏ tiền ra nuôi người dưng còn được nữa là con cháu nhà mình, đúng không em? (anh quay sang nhìn chị Hiền)

Chị Hiền: Vâng! Từ nay cháu Mai sẽ là con gái của vợ chồng mình!

Cả 3 người cùng cười vui vẻ. Nhìn bọn trẻ đang chơi ngoài vườn, họ đang nghĩ tới một cuộc sống mới, với những ánh mắt vui tươi, tia hi vọng về cuộc hồi sinh nơi vùng quê yên bình đã được thắp sáng.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn