TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:16

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT:  HIỂU LUẬT ĐỂ KHÔNG VI PHẠM

Thưa cùng Quý vị!

Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.

Dịch vụ bưu chính, viễn thông là một loại hình dịch vụ đặc thù trong nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong phục vụ điều hành của cấp ủy, chính quyền và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này luôn được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật...

Hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về viễn thông thì vẫn còn không ít các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và lợi dụng những “kẽ hở” của pháp luật để vi phạm. Tiểu phẩm dưới đây với tên gọi: “Hiểu luật để không vi phạm” sẽ giúp bạn đọc có thêm những thông tin pháp luật về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép thử nghiệm mạng viễn thông và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

I. Nhân vật:

- Vũ: Bạn của Quân

- Quân: Bạn của Vũ.

II. Nội dung tiểu phẩm:

Một buổi sáng chớm đông, trời se se lạnh. Đang thảnh thơi ngồi nhâm nhi tách cafe tại một quán ven hồ, Vũ tình cờ nhìn thấy một bóng dáng quen quen. Người đang bước vào quán hình như là Quân, người bạn học cùng đại học thuở nào bao lâu chưa gặp lại. Bao kỷ niệm trong ký ức chợt ùa về... Anh nhìn kỹ và nhận ra đúng là Quân, Vũ liền cất tiếng gọi.

Vũ: Quân, Quân ơi! Có phải Quân không nhỉ?

Thấy có người gọi tên mình, Quân ngoái lại nhìn và mừng rỡ khi nhận ra người bạn cũ:

Quân: Ơ, ơ, cậu à? Vũ đấy à? Có phải Vũ không? Lâu lắm rồi bọn mình không gặp nhau nhỉ.

Hai người bạn cũ ôm chầm lấy nhau tay bắt mặt mừng. Họ không nghĩ gặp lại nhau trong hoàn cảnh tình cờ như thế. Vũ nhớ trước đây nhà Quân nghèo lắm. Nghe Quân kể nhiều hôm cậu ấy còn phải nhịn đói đi học. Nhưng bù lại Quân là người có ý chí và nghị lực. Tốt nghiệp đại học, Quân vào miền Nam lập nghiệp, bẵng đi một thời gian dài, họ chưa gặp lại nhau.

 Nhìn Quân ăn mặc chỉn chu với bộ complet màu đen, áo sơ mi trắng, thắt cà vạt màu ghi sang trọng, Vũ cảm thấy mừng cho bạn và nghĩ chắc bây giờ cuộc sống của Quân tốt hơn trước nhiều rồi.

(kéo ghế mời Quân): Ngồi xuống đi cậu. Cơn gió nào mang cậu đến đây? Dạo này nhìn cậu phong độ quá! Công việc của cậu chắc tốt hả?

Quân (vừa kéo ghế ngồi, vừa trả lời câu hỏi của bạn): Tôi cũng thật bất ngờ khi gặp lại cậu ở đây. Phải hơn 20 năm rồi từ ngày ra trường chúng mình mới gặp lại nhau cậu nhỉ?

Vũ: Đúng, thời gian trôi nhanh thật đó. đợt trước đi họp lớp kỷ niệm 20 năm ra trường, chắc cậu bận nên không tham dự được. Tôi có hỏi thăm, thấy các bạn bảo cậu hiện đang công tác và sinh sống trong thành phố Hồ Chí Minh cơ mà. Sao hôm nay lại ở đây thế này?

Quân: Đúng rồi, hôm trước tôi cũng nhận được thông tin họp lớp, nhưng đúng dịp đấy bà xã tôi sinh thứ hai nên tôi bận không tham dự được. Sau khi ra trường và ổn định công việc, tôi chuyển cả gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống cho thuận lợi, chứ cái cảnh chồng nam, vợ bắc đi lại cũng bất tiện. Vả lại, con cái lớn lên cần có cha, mẹ ở bên chăm sóc, dạy dỗ cậu ạ.

(Quay sang bạn, Quân nói tiếp): Còn cậu dạo này thế nào? Vợ, chồng cậu được mấy con rồi nhỉ? Bao giờ dịch bệnh lui, chúng ta bố trí cho hai gia đình gặp gỡ để các bà vợ và các con biết nhau cậu nhỉ?

Vũ: Tôi ra trường, ổn định công việc rồi lập gia đình và cũng được hai con rồi. Con gái lớn đang học lớp 9 năm nay thi vào cấp ba. Con gái nhỏ cũng đang học lớp 5 rồi. Được cái vợ tôi kinh doanh online nên cũng có nhiều thời gian chăm chút các con chứ tôi bận công tác suốt nên ít có thời gian chăm lo gia đình cậu ạ.

(hỏi tiếp): Thế hôm nay cậu ra đây chơi thăm ông, bà hay ra công tác thế?

Quân (thấy bạn hỏi đến công việc, tự nhiên trầm hẳn xuống): Tôi ra đây vừa thăm ông, bà vừa có một số nhiệm vụ phục vụ công tác, cũng là “một công đôi việc” cậu ạ. Mà tới đây, tôi cũng thu xếp để ông bà chuyển vào nam ở cùng với vợ, chồng tôi cho tiện bề chăm sóc. Các cụ cũng có tuổi rồi không ở cùng con cái, mình cũng không yên tâm được.

 Vũ: Mọi việc thuận lợi thế thì cậu phải vui mới phải chứ? Sao tôi thấy cậu cứ trầm ngâm thế? Hay là công việc có gì chưa ổn? Có việc gì cậu cứ nói cho tôi nghe xem nào? Bạn bè với nhau, giúp được cái gì thì giúp, còn nếu không được thì tôi tìm người giúp cho.

Thấy bạn quan tâm hỏi, Quân liền chậm rãi kể: Chẳng giấu gì cậu, tôi hiện đang làm tại một chi nhánh của một Tổng công ty viễn thông. Đợt này Tổng công ty đang thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông mới tại miền Bắc nên cử tôi ra ngoài này học tập kinh nghiệm, đồng thời làm các thủ tục để xin giấy phép thiết lập thử nghiệm mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông cậu ạ!

Vũ: Công ty mở rộng, cậu được cử đi học tập đáng nhẽ phải vui mới phải chứ sao lại cứ đăm chiêu thế?

Quân: Nếu chuyện chỉ thế thì tôi đã chẳng phải suy nghĩ nhiều. Việc là thế này, tôi chơi thân với một người anh trên Tổng công ty. Biết tôi ra Bắc làm thủ tục xin giấy phép thiết lập thử nghiệm mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, anh ấy bảo tôi là không cần phải xin giấy phép, cứ để anh ấy “xử lý” cho. Chi phí xin giấy phép chuyển cho anh ấy một phần là được. Tôi đang suy nghĩ mung lung quá về lời đề nghị ấy!

Vũ: À, thì ra là vậy. Tôi nói cậu nghe: Là người ít nhiều có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi khuyên cậu không nên làm thế. Cậu cứ nghe tôi phân tích rồi đưa ra quyết định cũng chưa muộn nhé:

Mục đích của việc cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông nhằm quản lý việc các doanh nghiệp viễn thông muốn cung cấp thử nghiệm dịch vụ viễn thông mới ngoài các dịch vụ đã được quy định trong giấy phép đã được cấp, hoặc thử nghiệm các dịch vụ viễn thông mới có sử dụng tài nguyên viễn thông; hoặc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thử nghiệm mạng viễn thông dùng riêng có sử dụng tài nguyên viễn thông.

Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì mức phạt tiền nếu bị áp dụng là không nhỏ đâu.

Quân: Cậu có thể nói cho tôi nghe cụ thể hơn được không?

Vũ: Tại Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100.000.000 đồng. Đối với tổ chức thì áp dụng theo nguyên tắc, nếu cùng một hành vi vi phạm sẽ tăng mức phạt lên gấp đôi so với cá nhân.

Quân: Đối tượng nào có thể bị xử phạt hả cậu?

Vũ: Điều 2 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về đối tượng bị xử phạt gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định bao gồm:

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

- Đại lý cung cấp dịch vụ: bưu chính; viễn thông; trò chơi điện tử trên mạng;

- Đại lý Internet là tổ chức;

- Đại diện, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài; chi nhánh của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính;

- Điểm cung cấp dịch vụ: viễn thông; trò chơi điện tử công cộng;

- Điểm truy nhập Internet công cộng;

- Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động;

- Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền thanh, truyền hình sử dụng tần số vô tuyến điện;

- Đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện;

- Tổ chức phi chính phủ nước ngoài sử dụng tần số vô tuyến điện;

- Nhà đăng ký tên miền;

- Đơn vị vận hành hệ thống thông tin;

- Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

- Các tổ chức khác không phải là cơ quan nhà nước vi phạm hành chính trong các lĩnh vực theo quy định...

Quân: Cậu có thể nói cho tôi hiểu rõ hơn quy định về các hành vi thường vi phạm và mức phạt nếu bị áp dụng trong lĩnh vực này?

(mở điện thoại, tìm văn bản chỉ cho Quân): Đây, đây! Tôi và cậu cùng xem nhé:

 - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng không gửi thông báo chính thức khai thác mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông tới Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa Giấy phép viễn thông.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng viễn thông dùng riêng hoặc thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông nhưng không có giấy phép.

- Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng viễn thông công cộng hoặc cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc lắp đặt cáp viễn thông trên biển nhưng không có giấy phép.

- Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép viễn thông...

Quân: Vậy cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông?

Vũ: Điều 18 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp giấy phép viễn thông như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp:

a. Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện;

b. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông công cộng có sử dụng băng tần số vô tuyến điện;

c. Giấy phép thử nghiệm mạng viễn thông có sử dụng băng tần số vô tuyến điện;

d. Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng cho các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;

đ. Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông cấp:

a. Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng ngoài trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông công cộng ngoài trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;

c. Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông ngoài trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

d. Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng ngoài trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này”.

Như vậy, thẩm quyền cấp Giấy phép thử nghiệm mạng viễn thông có sử dụng băng tần số vô tuyến điện thuộc về Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các trường hợp còn lại thẩm quyền thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông cậu ạ.

Quân: Tôi nhớ rồi cậu ạ!

Vũ: Như vậy, nếu như cậu không xin giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông thì có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; đồng thời, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đó nhé!

Quân: Mức phạt cao vậy mà sao tôi không thấy ông anh tôi quen biết nói gì nhỉ?

Vũ: Tôi nghĩ, họ mà nói cho cậu chi tiết như vậy thì cậu đâu dám làm và họ còn gì được lợi nữa!

Quân (trầm ngâm): Cậu nói có lý đó. Vậy cách tốt nhất là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để tránh những hệ quả pháp lý rắc rối phát sinh về sau phải không cậu?

Vũ: Ý kiến của cậu chính xác và tôi ủng hộ cậu 100%.

Quân: Liệu thủ tục xin giấy phép có phức tạp lắm không nhỉ? Thú thực với cậu, do không có nhiều thời gian mà tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, lúc thấy ông anh kia bảo lo hết cho mọi việc chỉ mất một khoản phí nên tôi đã định nhận lời nhưng thấy vẫn còn nhiều băn khoăn trong lòng. May quá, trời xui đất khiến thế nào, hôm nay tôi lại gặp cậu ở đây và được cậu tư vấn cho những điều bổ ích, thiết thực. Vậy cậu giúp tôi với nhé!

(nhiệt tình hướng dẫn bạn): Cậu ạ, thủ tục cũng đơn giản thôi mà. Điều 27 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định cụ thể về việc cấp, gia hạn giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông. Theo đó, việc cấp phép thử nghiệm thực hiện theo quy định: Tổ chức muốn thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông gửi 3 bộ hồ sơ tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép. Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp phép thiết lập thử nghiệm mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;

- Đề án thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, trong đó xác định rõ: Mục đích, phạm vi, quy mô đầu tư, thời hạn thử nghiệm; cấu hình mạng, loại hình dịch vụ, bên hợp tác cùng thử nghiệm (nếu có); giá cước dự định, (nếu có); tần số, kho số đề nghị được phép thử nghiệm (nếu có); các điều khoản, điều kiện để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng nếu sau khi kết thúc thời hạn cung cấp thử nghiệm dịch vụ, doanh nghiệp không đưa dịch vụ vào cung cấp chính thức.

Quân: Thế thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ thực hiện như thế nào?

Vũ: Về thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ do cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; thẩm định, xét cấp phép hoặc trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp phép trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức đề nghị cấp phép thử nghiệm biết.

Quân: Giấy phép đã được cấp có được gia hạn không cậu?

Vũ: Có cậu ạ! Tổ chức được cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông muốn gia hạn giấy phép gửi 3 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn tới cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 30 ngày trước ngày giấy phép hết hạn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.

 Hồ sơ đề nghị gia hạn bao gồm: Đơn đề nghị gia hạn theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; báo cáo việc thực hiện giấy phép.

Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; thẩm định, xét cấp gia hạn hoặc trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp gia hạn giấy phép trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức đề nghị gia hạn biết.

Quân: Vậy trách nhiệm của các cơ quan sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm được pháp luật quy định như thế nào?

Vũ: Kết thúc thời gian thử nghiệm, tổ chức đã được cấp phép có trách nhiệm tổng kết, hoàn chỉnh hồ sơ thử nghiệm và báo cáo kết quả thử nghiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.

Sau thời gian thử nghiệm, tổ chức đã được cấp phép muốn đưa mạng viễn thông, dịch vụ viễn thông vào khai thác chính thức phải đề nghị cấp giấy phép viễn thông.

Quân: Về mức phí quyền hoạt động viễn thông được quy định như thế nào hả cậu?

Vũ: Mức phí quyền hoạt động viễn thông theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTC ngày 12/01/2018 của Bộ Tài chính sẽ nộp một lần cho toàn bộ thời hạn giấy phép, bao gồm cả thời gian gia hạn giấy phép, cụ thể như sau:

Đối với việc thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông có sử dụng băng tần số vô tuyến điện:

- Phạm vi 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 200 triệu đồng

- Phạm vi thử nghiệm từ 02 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 300 triệu đồng

- Phạm vi thử nghiệm trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 400 triệu đồng.

Đối với việc thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông không sử dụng băng tần số vô tuyến điện:

- Phạm vi 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 300 triệu đồng

- Phạm vi thử nghiệm từ 02 đến 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 400 triệu đồng

- Phạm vi thử nghiệm trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 500 triệu đồng.

Quân: Tôi hiểu rồi cậu ạ! May mà nhờ có cậu hướng dẫn tận tình, tôi cảm thấy nhẹ nhõm cả người, vừa hoàn thành công việc cấp trên giao vừa tuân thủ nghiêm pháp luật. Mà theo hướng dẫn của cậu, tôi thấy thủ tục xin giấy phép cũng không quá khó khăn. Nói chung, làm bất cứ việc cũng cần phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cậu nhỉ!

Vũ: Thì đúng quá rồi cậu ạ!

Quân bắt tay cảm ơn Vũ vì những chia sẻ, hướng dẫn của bạn rồi chào tạm biệt Vũ và hẹn gặp lại một ngày sớm nhất trong thời gian tới.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn