TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:20

TIỂU PHẨM QUYỀN CỦA LAO ĐỘNG HỌC NGHỀ, TẬP NGHỀ KHI XẢY RA TAI NẠN LAO ĐỘNG

Tai nạn lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Tai nạn lao động là việc mà người lao động hay người sử dụng lao động không mong muốn xảy ra. Người lao động khi xảy ra tai nạn lao động bị ảnh hưởng bởi sức khỏe, tính mạng nên người sử dụng lao động cần có một phần trách nhiệm đối với người đó.

Trong quá trình lao động, người lao động khi tham gia bảo hiểm nếu xảy ra tai nạn lao động sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả khi đáp ứng được các điều kiện và thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.  Còn đối với những người lao động khi chưa đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, nếu tai nạn lao động xảy ra họ cũng sẽ được người sử dụng lao động hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các quy định pháp luật về tai nạn lao động, nhất là khi tai nạn lao động xảy ra đối với người học nghề, tập nghề và thử việc.

Để hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan đến quyền của người lao động khi học nghề, tập nghề nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, tiểu phẩm pháp luật“Quyền của lao động học nghề, tập nghề khi xảy ra tai nạn lao động” xin giới thiệu đến người đọc về vấn đề này.

I. Nhân vật

- Tùng: Nhân viên công ty

- Bác Thanh: Bảo vệ công ty

- Hùng: Nhân viên công ty (bạn của Tùng)

- Chị Mai: Trưởng phòng hành chính

II. Nội dung tiểu phẩm

Vào 07h 28 phút sáng, tại khu vực để xe của công ty. Tùng phi thẳng xe vào chỗ dành cho nhân viên công ty rồi vội vã chạy đến phòng trực bảo vệ.

Tùng (vừa nói vừa thở mạnh): Chào bác Thanh, em phi với tốc độ 60 km/h đến công ty đấy. May quá không bị muộn giờ. Bác điểm danh cho em nhé, sáng ra đường đông quá, em đi đường mà cứ lo không đến công ty kịp giờ quy định.

Bác Thanh: Chú Tùng gia đình có việc gì mà dạo này thấy hôm nào chú cũng sát giờ làm mới đến vậy. Công ty đã quy định 7h30 phải đóng cửa, chú không thể đến công ty sớm hơn được 10 phút à. Chú cứ đi vội vàng như vậy rồi chẳng may xảy ra vấn đề gì thì sao?

Tùng: Ấy, không phải là em không muốn đi làm sớm, chẳng là con bé nhà em bị ốm phải nằm viện, vợ em phải ở trong viện để chăm sóc. Còn đứa lớn thì mới vào lớp một, mấy hôm nay thay đổi thời tiết cháu bị ốm phải nghỉ học. Buổi sáng em cho cháu ăn sáng xong đưa cháu sang nhà bác hàng xóm gửi trông hộ xong mới đi làm, hôm nào cũng bị vội bác ạ.

Ông bà nội ngoại già cả lại đều ở xa cũng không thể nhờ ra giúp được. Em cũng đang tính phải nhờ người trong quê ra giúp đỡ, chứ mấy hôm nay cứ vội vàng đi làm như này, đường thì đông em cũng sợ đi nhanh không bảo đảm an toàn.

Bác Thanh: Ừ chú tính thế cũng phải, con cái còn nhỏ mà ốm đau là rất vất vả. Thôi! Chú đi làm đi. Lần sau cố gắng đến sớm hơn một chút. Tôi cũng đã trải qua giai đoạn con cái còn nhỏ mà ốm đau rồi, rất thông cảm với chú. Mấy hôm nay chú đến công ty vừa đúng giờ, nếu chú đến công ty muộn dù chỉ là 1 phút thôi tôi cũng phải ghi lại. Có muốn giúp chú cũng không được vì camera an ninh của công ty có ghi hình đầy đủ. Công ty lại vừa ra thông báo mới, quy định thắt chặt kỷ luật về giờ giấc, chấm công lao động, chú cố gắng thu xếp nhé.

Tùng: Dạ, dạ. Em cám ơn bác, em đi làm đây.

Vừa nói dứt câu cũng là lúc chuông điện thoại của Tùng reo lên.

Tùng: A lô, Hùng à.

Hùng: Vâng, em đây

Tùng: Này, có chuyện gì mà sao mới sáng ra nghe giọng mệt mỏi, yếu ớt thế? Hôm nay cậu được nghỉ ca sáng phải không?

Hùng: Dạ, em gọi điện nhờ anh báo công ty giúp. Em bị tai nạn xe máy, đang nằm tại bệnh viện Việt Tiệp.

Tùng: Trời, cậu bị tai nạn khi nào, có bị nặng không?

Hùng: Em bị người đi xe máy đâm vào khoảng 9h20 tối qua, họ sang đường không quan sát đâm vào em, anh ạ. May là chỉ bị gãy chân thôi chứ đầu óc, mặt mũi không sao ạ.

Tùng: Ừ, thôi thế cũng là may rồi.  Mà này, chú đi đâu tầm đấy mà bị tai nạn? Mà chú bị tai nạn ở đoạn nào?

Hùng: Dạ em bị tai nạn lúc đang trên đường đi làm từ công ty về anh ạ. Tối qua em đăng ký làm tăng ca hỗ trợ tổ 2 đến 9h tối mới tan. Em bị người ta đâm vào ở trước cổng Công ty May 10, cách công ty mình khoảng 500 m.

Tùng: Vậy à, thôi em cứ nghỉ ngơi đi, anh sẽ báo với công ty ngay, chiều anh vào thăm.

Hùng: Vâng, em cảm ơn anh.

Tắt cuộc điện thoại, Tùng thở dài, đi thẳng lên Phòng Hành chính gặp chị Mai, trưởng phòng.

Tùng: Em chào bà chị. Này bà chị cho em hỏi bí quyết gì mà trông bà chị càng ngày càng trẻ ra thế kia. Bà chị phải phổ biến kinh nghiệm cho mấy đứa con gái phòng em, chứ cứ suốt ngày công với việc chẳng mấy mà hết tuổi xuân.

Chị Mai: Gớm, bẻm mép vừa vừa thôi. Này, phải đến tuần nay tan làm chị không trông thấy cậu ở lại chơi cầu lông, có việc gì bận à! Mà hôm nay trời đổi gió hay sao mà giờ này cậu lại lên đây?

Tùng: Chị này, em qua thông báo với chị là cậu Hùng đang tập nghề ở tổ 5, hôm qua trên đường đi làm về bị tai nạn giao thông, giờ đang nằm điều trị tại bệnh viện Việt Tiệp. Tiện hỏi việc của cậu Hùng, em cũng có chút việc riêng muốn hỏi chị.

Chị Mai (thoảng thốt): Vậy à, thế Hùng bị tai nạn có nặng lắm không?

Tùng: Vừa nãy, Hùng gọi điện cho em nhờ báo công ty xin được nghỉ. Em thấy Hùng nói bị gãy chân. Em qua báo chị, dù Hùng mới đang tập nghề nhưng Công đoàn công ty cũng nên thăm hỏi cho tình nghĩa chị nhỉ?. Mà chị xem hộ em, cậu ấy có được hưởng chế độ gì không chị?.

Chị Mai: Ừ, chắc chắn phải đi thăm rồi. Ngoài ra công ty cũng sẽ có hỗ trợ đối với cậu ấy.

Tùng (vui mừng): Thật hả chị. Thế tốt quá, chị nói qua em biết trường hợp cậu ấy đang tập nghề thì được công ty hỗ trợ những gì? Nhà Hùng neo người, bố mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, bà mẹ lại ốm đau luôn nên cũng khó khăn lắm.

Chị Mai: Cậu uống nước đi. Về vấn đề tai nạn lao động thì khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

Vừa nghe xong, Tùng nhanh nhảu:

Tùng: Như thế thì chắc chắn Hùng sẽ được công ty hỗ trợ chị nhỉ?

Chị Mai: Sao lại không?

Tùng: Em chỉ đang thắc mắc là cậu ấy bị tai nạn khi trên đường đi làm về mà không phải ở tại công ty, như vậy có được coi là tai nạn trong quá trình lao động không chị?

Chị Mai: Đang trên đường đi làm về cũng được coi là trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Điểm c khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Mà cậu nói Hùng xảy ra tai nạn ở đâu?

Tùng: Dạ, Hùng bị tai nạn ở trước cổng Công ty May 10, qua công ty mình khoảng 500 m chị ạ.

Chị Mai: Thế thì có phải trên đường đi làm về nhà không?. Chị nhớ không nhầm thì trong hồ sơ xin việc tháng trước nộp cho Phòng Hành chính, cậu ấy ghi thuê trọ ở huyện An Dương, mà nếu đã ở tại huyện An Dương thì sao lúc tan làm cậu Hùng lại đi về hướng ấy?.

Tùng: À, chắc cậu Hùng chưa kịp thông báo với công ty về việc thay đổi địa chỉ. Chẳng là, sau khi được công ty mình nhận vào thử việc, cậu ấy đã thuê trọ chuyển nhà về gần công ty được một tháng nay rồi chị ạ.

Chị Mai: Thế hả? Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

Cậu Hùng mới đang ký hợp đồng tập nghề với công ty, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không được hưởng chế độ tai nạn lao động của bảo hiểm xã hội.

Tùng: Vậy hả chị? Thế còn phía công ty, chị kiểm tra giúp luôn xem Hùng có được công ty hỗ trợ gì không?

Chị Mai: Theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 6 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Ngoài ra, Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp...”

Tùng: Ôi, vậy thì tốt quá rồi. Nhờ chị sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để thực hiện chế độ cho cậu ấy, chứ cậu ấy cũng hoàn cảnh lắm chị ạ.

Chị Mai: Rồi, chị sẽ báo cáo lãnh đạo công ty trong sáng nay để thanh toán các khoản quyền lợi cho cậu ấy theo đúng quy định pháp luật.

Tùng: Dạ, chiều nay vào thăm em sẽ báo tin này để cậu ấy mừng.

Chị Mai: Ừ, trước khi đi nhớ báo chị để công đoàn công ty có chút quà động viên và cử người đến cùng thăm nhé. Cậu ấy mới làm nhưng chị thấy tổ trưởng tổ 5 nhận xét năng lực tốt, ngoan ngoãn, chịu khó, sống chan hòa cùng mọi người. Mà cậu còn việc riêng gì muốn hỏi chị?

Tùng (vò đầu): Em muốn hỏi chị về việc của cá nhân em. Chị cũng biết đấy, vợ chồng em đều là người tỉnh ngoài đến đây lập nghiệp. Bố mẹ hai bên đều đã già yếu, lại ở xa. Chúng em cũng không có họ hàng, cô bác ở cùng thành phố này. Con bé nhà em cháu bị viêm phổi cấp đang nằm viện, cháu lớn thì mới vào lớp một mấy hôm nay bị ốm nghỉ học ở nhà. Em đành phải gửi cháu sang nhà bác hàng xóm bên cạnh nhờ bác ấy trông giúp. Vợ em đã xin nghỉ việc 10 ngày nay ở nhà trông con rồi. Hôm qua, bác sĩ bảo cháu phải nằm viện theo dõi thêm 5 ngày nữa mới được xuất viện, mà nếu vợ em nghỉ thêm nữa thì sợ công ty họ không đồng ý. Em muốn hỏi chị, em muốn xin nghỉ mấy ngày để chăm sóc con ốm có được không chị?.

Chị Mai: Mấy ngày hôm nay không nói chuyện với em lên chị không biết cháu bị ốm. Theo quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định này. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Đồng thời, Điều 5 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có quy định:

- Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

- Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.

- Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, cụ thể là thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Tùng: May quá, có nói chuyện với chị em mới nắm được những nội dung này. Chị giúp em làm thủ tục xin nghỉ một tuần với chị nhé. Thu xếp công việc gia đình ổn thỏa xong em sẽ đi làm lại ngay. Em cám ơn chị. Thôi, em về làm việc đây.

Vừa nói Tùng vừa vội bước ra cửa về phòng làm việc, trong lòng thấy an tâm hơn vì đã sắp xếp được ổn thỏa công việc của gia đình mình và càng mừng hơn khi biết rằng công ty sẽ thanh toán các chi phí y tế cho Hùng trong thời gian Hùng nằm viện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn