TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:24

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT VÌ TƯƠNG LAI CON TRẺ

         Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung, nhất là Internet phát triển rất mạnh, đã và đang ảnh hưởng rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung đó là xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.

          Internet và các Trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng… Nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho thanh niên, ngược lại nếu sử dụng không hợp lý nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Đặc điểm nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng thông tin.

          Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.

          Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nhất là tuổi trẻ hiện nay, mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội. 

          Tiểu phẩm pháp luật “Vì tương lai con trẻ” xin giới thiệu đến quý bạn đọc về vấn đề này.

I. Nhân vật:

- Bà Thoa: mẹ Hải

- Ông Lũy: bố Hải

- Hải: con bà Thoa

- Bà Mỹ: Mẹ Phong

- Ông Ngọc: hàng xóm

II. Nội dung tiểu phẩm:

Cứ chập tối mà bà Thoa chưa thấy Hải - con trai bà đi học về là bà lại gọi vọng sang nhà bà Mỹ để hỏi:

Bà Thoa: Bà Mỹ ơi! Thằng Phong nhà bà đi học về chưa? Sao thằng Hải nhà tôi vẫn chưa thấy mặt mũi đâu bà ạ.

Bà Mỹ: Cháu nó vừa về rồi bà ơi. Thế thằng Hải nhà bà vẫn chưa về à?

Chả là, Hải và Phong là bạn học cùng lớp, lại gần nhà nên đi đâu cũng như hình với bóng. Vì là đồng trang đồng lứa lại chơi thân nên chúng nó coi nhau như anh em. Thằng Phong thì to xác nhưng hiền lành, còn Hải tuy nhỏ con hơn nhưng rất ma lanh và nhanh nhẹn. Hai đứa cứ như bù trừ cho nhau nên bà Thoa và bà Mỹ cũng yên tâm vì đi đâu cũng không sợ bị bắt nạt.

Nhưng không hiểu sao, dạo gần đây bà Thoa để ý, tuy Hải và Phong học cùng lớp nhưng thằng Hải con bà chiều nào cũng về rất muộn, có khi con bà Mỹ đi học về tắm rửa xong xuôi thì bà mới thấy Hải lôi thôi, lếch thếch đi về. Một tuần, hai tuần gần đây bà để ý đều vậy, bà Thoa gặng hỏi thì Hải không nói, nó cứ liến thoắng những chuyện đâu đâu rồi lại chạy ù đi mất. Cũng có lần bà Thoa gọi Phong sang hỏi chuyện của Hải thì nó cũng nhất định không nói, nhưng cái kiểu ậm ừ không biết nói dối của nó, bà đoán là nó biết chuyện gì đó nhưng đang tìm cách che dấu.

Linh cảm của một người mẹ mách bảo, bà Thoa thấy con trai mình đang làm một việc gì đó sai trái, bà rất lo lắng. Bà Thoa đã tâm sự với ông Lũy (bố của Hải), nhưng ông cho rằng con mình mới có 14 tuổi thì chẳng thể làm ra việc gì ghê gớm, có chăng chỉ là mải chơi theo chúng bạn nên có ý nuông chiều gạt đi:

Ông Lũy: Con trai bọn nó ở tuổi đấy thằng nào chẳng thế. Tôi hồi xưa bằng tuổi nó còn nghịch ngợm hơn nhiều mà cũng có vấn đề gì đâu. Bà cứ hay cả nghĩ. Kệ nó! - Ông Lũy gắt gỏng vợ.

Vài tháng nữa lại trôi qua, Phong và Hải giờ cũng không còn đi về với nhau như hồi xưa nữa, nhiều lúc thấy Phong ở nhà học bài mà Hải thì đi đâu từ sáng đến tận chiều tối mới về làm bà Thoa sốt ruột. Dạo gần đây, bà Thoa phát hiện trong nhà lại thỉnh thoảng mất tiền, lúc đầu là vài đồng tiền lẻ, bà cũng không để ý, rồi thì đến lúc mất cả trăm nghìn. Trong nhà này người mà bà nghi ngờ nhất chỉ có Hải. Biết tính chồng tuy chiều con nhưng lại rất nóng nảy, bà không dám nói chuyện này với chồng khi mọi chuyện chưa rõ ràng. Bà Thoa bắt đầu để ý Hải.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Theo lịch thì thứ 3 tuần sau nhà trường cho học sinh nghỉ học để lấy địa điểm cho các học sinh lớp 9 thi thử vào cấp 3. Nhà trường cũng đã thông báo lịch nghỉ học cho học sinh từ trước đó một tuần, thằng Hải vẫn “ngựa quen đường cũ” nhưng sợ nếu Phong ở nhà thì sẽ lộ chuyện của mình nên nó nên quyết tâm rủ Phong đi cho bằng được. Tuy không muốn đi nhưng do Hải cứ phỉnh phơ, chèo kéo lại sợ mất lòng bạn nên sau một hồi từ chối Phong cũng đồng ý đi cùng Hải. Cú chốt để thuyết phục là Hải đã hứa hôm nay sẽ cho Phong mở rộng tầm mắt….

Theo kế hoạch, hôm đó hai đứa vẫn chuẩn bị quần áo, sách vở và đi học như bình thường. Còn Hải thì sẽ lấy hết tiền trong ngăn bí mật cho vào túi với quyết tâm hôm nay sẽ chiêu đãi Phong cho ra trò. Trên đường đi, Phong vì tò mò và sốt ruột đã hỏi Hải:

Phong: Hôm nay nghỉ học, mày bảo tao theo mày đi đâu vậy? Mà có cái gì thì mày nói luôn đi. Đừng làm tao sợ. Mà không làm gì xấu đấy chứ ?

Hải: Yên tâm. Mày cứ đi theo tao. Tao mới biết chỗ này hay lắm. Thân với mày lắm tao mới dẫn đi đấy và lại còn “bao” mày nữa. Mà tao cấm mày đừng có bép xép với ai đấy, mẹ tao mà có hỏi thì mày phải bảo chúng mình đi đến nhà bạn cùng lớp chơi, nhớ chưa…

Phong chỉ gật gật đầu im lặng, nhưng trong bụng vẫn chưa hết hồ nghi nhưng vẫn mạnh miệng: Mày yên tâm.

Hải dẫn Phong chui vào một con ngõ nhỏ ngay gần trường học, ngoặt tiếp thêm hai, ba khúc cua nữa thì trước mặt chúng là một khoảng sân rộng, cuối sân là dãy nhà cấp bốn có cổng riêng. Hải đẩy cổng bước vào và mở cánh cửa một phòng ở cuối dãy nhà và ngoắc tay Phong vào, trước mắt Phong là bốn dãy bàn máy tính ước chừng khoảng 25 chiếc. Từng hàng máy tính được chia ô với ghế tựa và mỗi người ngồi máy tính đeo một tai nghe riêng biệt, ở đây các máy tính có kết nối internet, muốn làm gì thì làm, không ai quan tâm đến ai. Phong giật mình, không ngờ trong này lại có một quán Internet không biển hiệu núp bóng trong con ngõ sâu.

Phong liếc mắt nhìn thì thấy người thì đang xem phim, người thì đang nhắn tin, người thì đang lắc lư theo tiếng nhạc, nhưng chủ yếu những người có mặt trong căn phòng ấy đều đang dán mắt vào trò chơi trên màn hình. Thỉnh thoảng vài cậu thanh niên trong phòng lại chửi mấy câu tục tĩu vì cay cú khi thua trong những màn đấu tay đôi. Trong lúc cùng Hải say sưa chiến đấu trong thế giới mới, Phong để ý phía cuối phòng, gần khu vệ sinh có cầu thang dẫn lên tầng trên, những người lên đó đều phải ra trao đổi gì đó với ông chủ quán ngồi tại quầy thu tiền.

Phong (tò mò khều tay Hải hỏi nhỏ): Này trên đấy có gì không mày? Dưới này vẫn còn máy trống sao tao lại thấy có người vẫn lên trên đó nhỉ?

Hải (mắt không rời màn hình, miệng đáp): Trên đó dành cho người lớn, nhiều trò của người lớn. Mày muốn lên thì để tí tao ra “làm việc” với ông chủ. Mà có điều là sẽ hơi “hao tiền” đấy. Mà thôi tao chiều mày…Đi nào!!!

Vì là khách quen nên sau một hồi Hải thương lượng, lại thêm giới thiệu được một khách hàng mới thì ông chủ quán cũng đồng ý. Hải và Phong bước lên tầng trên….

Nào ngờ, mọi chuyện của Hải và Phong hôm nay đã không qua mắt được bà Mỹ. Bà Mỹ cũng bắt đầu để ý con mình sau cái hôm mà bà Thoa sang tâm sự. Ngày thường, Phong rất ngoan nhưng hôm nay được nghỉ học mà Phong lại nói dối bà là đi học nên bà đã âm thầm theo dõi hai đứa. Tối đó, bà Mỹ sang nhà kể lại toàn bộ sự việc mình mới phát hiện ra với hai vợ chồng bà Thoa và cũng bày tỏ rõ thái độ của mình là phải tìm cách ngăn chặn bọn trẻ không để chúng sa đà vào các trò chơi trong quán internet. Ông Lũy chồng bà Thoa tuy là người nóng tính, chiều con nhưng ông cũng là người có trách nhiệm. Việc trẻ con trong xóm trốn học đi chơi ở mấy quán internet gần cổng trường dạo gần đây ông cũng có nghe lao xao nhưng không nghĩ con mình sẽ dính vào nên ông cũng kệ.

Bà Thoa cũng đã nói chuyện với chồng về việc dạo gần đây mình hay bị mất tiền và việc Hải thường xuyên đi học về muộn, Hải cũng đã rơi vào tầm ngắm của ông. Ông chưa tỏ thái độ vì ông có ý chiều Hải để cho nó có chút thời gian vui chơi sau giờ học thôi, chứ còn đã đến nước này vì lũ trẻ ông sẽ làm cho ra nhẽ.

Tại buổi sinh hoạt định kỳ của xóm, ông Lũy với vai trò là tổ trưởng tổ dân phố xin phép được phát biểu vài lời. Ông nói:

Ông Lũy: Gần đây, tôi thấy bọn trẻ trong xóm có những điều làm tôi lo lắng, trong đó có cả con tôi. Hiện giờ ai cũng chỉ coi đấy là chuyện nhà mình nên không nói ra. Nhưng nếu để lâu, bọn trẻ sẽ hỏng hết các ông, các bà ạ. Cách đây mấy hôm, tôi cũng đã đi theo dõi con mình và phát hiện cháu Hải nhà tôi nói dối rồi trốn đi chơi ở quán internet gần trường. Thông tin trên mạng bây giờ thì phức tạp, còn bọn trẻ thì đang ở cái tuổi tò mò. Chúng vào quán internet không chỉ chơi trò chơi điện tử mà còn vào mạng truy cập những trang wed khác mà nếu không quản lý là hỏng hết con đấy các ông, các bà ạ.

Ông Lũy vừa dứt lời thì ông Ngọc (người cùng xóm) cũng giơ tay phát biểu:

Ông Ngọc: Tôi hôm nọ cũng phát hiện thằng Tiến nhà tôi trốn học, lại còn bớt tiền học thêm để đi chơi internet. Bực mình quá, tôi đánh cho nó một trận, tưởng sau lần ấy nó sẽ chừa, nhưng hôm qua thôi tôi lại phát hiện ra rằng các buổi sáng nó đi học đều không ăn sáng mà dùng tiền ăn sáng đấy dành lại để đi chơi game, nó vẫn chứng nào tật nấy. Mới hôm qua thôi, hết giờ học không thấy con về nhà đúng giờ, tôi có đi tìm thằng Tiến, tôi đoán chắc là nó lại đến quán internet, tôi đã xông lên cả tầng 2 của quán đó mà thấy xấu hổ quá các ông, các bà ạ. Trên đấy chúng nó mỗi đứa một máy tính, một tai nghe, ngồi cứ dán mắt vào những trang web đen mà toàn tuổi con, tuổi cháu mình chứ. May mà hôm đấy tôi không bắt được thằng Tiến trên đấy, chứ không thì nó chết với tôi. Con với chả cái…

Ông Ngọc vừa dứt lời, mọi người có mặt trong buổi sinh hoạt hôm ấy bàn tán xôn xao. Bình thường, nhiều người cũng không hay kể chuyện con cái trong nhà ra với hàng xóm, láng giềng vì sợ người ngoài có đánh giá không tốt về con mình. Nhưng nay, khi ông Lũy đưa vấn đề này ra trong buổi sinh hoạt thì mọi người mới có ý kiến về việc con em của mình cũng trong tình trạng như con ông Lũy và ông Ngọc.

Ông Lũy từ tốn nói: Tôi thiết nghĩ như này các bác ạ, việc này không phải lỗi hoàn toàn do lũ trẻ. Cái sai, cái lỗi cũng là một phần ở người lớn chúng ta. Cái quán internet đó cũng tồn tại ở khu vực này tầm hơn một năm nay rồi, biết có hiện tượng xấu ảnh hưởng đến con cháu mình mà chúng ta lại không biết cách tranh đấu để bảo vệ. Chúng ta có nóng, có bức xúc thì bây giờ chúng ta phải tỉnh táo tìm cách giải quyết. Mà việc này phải làm sàng sớm càng tốt các bác ạ!

Mọi người xôn xao sau câu nói của ông Lũy. Có người nên tiếng: Biết là cần phải giải quyết nhưng chúng tôi chưa nghĩ ra cách phải giải quyết như thế nào bây giờ ? Ông Lũy có cách gì không? Trong chúng ta, nếu ai có cách gì hay thì cùng nêu ra để chúng ta cùng bàn bạc, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm phải giải quyết việc này càng sớm càng tốt.

Ông Lũy: rút từ trong túi quần ra một tờ giấy, trên đó ông viết ra những gì ông tìm hiểu được. Ông xin phép bà con trật tự rồi trình bày:

Đối với vụ việc này, cá nhân tôi cũng đã tìm hiểu các quy định của pháp luật, tôi xin đưa ra một vài căn cứ pháp luật để mọi người cùng nắm được rõ nội dung, để chúng ta hiểu thêm về hành vi sai trái của họ từ đó có cách thức giải quyết, buộc họ phải dừng ngay những hành vi sai trái của mình lại. Tôi xin đọc sơ qua những sai phạm của quán internet này đã được quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể như sau:

Điều 35. Vi phạm các quy định về điểm truy nhập Internet công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không ghi số đăng ký kinh doanh đại lý Internet trên biển Đại lý Internet đối với đại lý Internet phải ký hợp đồng đại lý Internet;

b) Không ghi tên doanh nghiệp hoặc không ghi số Giấy phép cung cấp dịch vụ Internet của doanh nghiệp trên biển Điểm truy nhập Internet công cộng;

c) Không thể hiện đầy đủ các hành vi bị cấm theo quy định trong nội quy sử dụng dịch vụ Internet;

d) Không niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ Internet theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không treo biển Đại lý Internet hoặc Điểm truy nhập Internet công cộng;

b) Thiết lập hệ thống thiết bị đầu cuối ngoài địa điểm được quyền sử dụng để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet;

c) Hệ thống thiết bị Internet không đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an toàn an ninh thông tin theo quy định;

d) Cung cấp dịch vụ truy nhập Internet có chất lượng thấp hơn hoặc có giá cước cao hơn trong hợp đồng đại lý Internet.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tuân thủ thời gian hoạt động của đại lý Internet hoặc của điểm truy nhập Internet công cộng theo quy định;

b) Sử dụng không đúng đường truyền thuê bao trong hợp đồng đại lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho công cộng;

c) Tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng Internet và thông tin trên mạng;

d) Điểm truy nhập Internet công cộng không có hợp đồng đại lý Internet theo quy định;

đ) Để người sử dụng Internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với đại lý Internet công cộng có hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và đ khoản 3 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với điểm truy nhập Internet công cộng có hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và đ khoản 3 Điều này”.

Ông Lũy: Tôi đã nêu các căn cứ pháp luật để xử lý vi phạm đối với quán Internet này. Cách tốt nhất bây giờ theo tôi là chúng ta sẽ có đơn trình bày với các nội dung cụ thể và gửi Ủy ban nhân dân phường để cán bộ phường xuống kiểm tra và lập biên bản theo quy định nếu họ có vi phạm.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải nói chuyện, tìm cách giáo dục con cái của chính chúng ta. Nếu cứ để con trẻ bị cuốn hút, lôi kéo vào những game bạo lực có thể tiềm ẩn những tác hại khôn lường. Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi vị thành niên, cơ thể phát triển nhanh, trong khi về tâm lý và hệ thần kinh của trẻ còn rất non nớt, đang trong quá trình hoàn thiện, do vậy rất dễ bị lôi kéo, học theo và làm theo các dẫn dụ của game, nhiều trò chơi bạo lực, nguy hiểm sẽ tác động trực tiếp vào ý thức. Đến lúc ấy hậu quả thật khôn lường.

Mọi người bên dưới phấn khởi, đồng tình ủng hộ, Ông Lũy nói tiếp:

Và nếu đã được các ông, bà ủng hộ. Ngày mai tôi sẽ ra chính quyền để phản ánh về sự việc này. Vì con trẻ, chúng ta phải làm cho ra nhẽ các ông, các bà ạ…

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn