TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/11/2022 08:22

NGHIÊM CHỈNH CHẤP HÀNH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Hiện nay, ở một số nơi, vỉa hè bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, bày bán các loại hàng hóa, hoa quả, tạp hóa...; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, các chợ tự phát dường như trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ.

Dù biết việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến mưu sinh của người dân, nhưng vấn nạn này vẫn cần phải sớm khắc phục để trả lại bộ mặt cảnh quan cho đô thị. Trước tình trạng vi phạm giao thông ngày càng phức tạp, việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông qua công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có vai trò vô cùng quan trọng.

Tiểu phẩm pháp luật “Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ” giới thiệu đến quý bạn đọc một số quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường hiện nay.

I. Nhân vật

- Bà Hoa: Chủ cửa hàng tạp hóa

- Bà Lan: Chủ tiệm bánh

- Nam: Nhân viên bán hàng

- Bác Hùng: Tổ trưởng Tổ dân phố

II. Nội dung tiểu phẩm

Đang vào mùa cưới, đồng thời cũng sắp đến Tết Nguyên đán, cửa hàng bánh của bà Lan thời gian này vô cùng bận rộn. Vì là cửa hàng lâu năm, với hương vị bánh cổ truyền và giá cả phải chăng nên từ Tết Trung thu cho đến Tết Nguyên đán cửa hàng rất đông khách. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, bà Lan cho nhân viên kê thêm vài sạp hàng bày các loại bánh, mứt, kẹo… trên vỉa hè trước cửa hàng, đồng thời bố trí người trông giữ xe cho khách dưới lòng đường. Đang kiểm tra chất lượng mẻ bánh mới ra lò, nghe có tiếng cãi vã ồn ào ở ngoài cửa, bà Lan vội vã chạy ra.

Bà Hoa: Bà Lan đâu rồi, bà ra đây nói cho rõ ràng xem nào. Bà Hoa, chủ cửa hàng tạp hóa bên cạnh, giọng đầy bực tức.

Bà Lan: Tôi đây, có chuyện gì thì bác bớt giận từ từ nói.

Bà Hoa (vẫn cao giọng): Bà ra mà xem, hàng hóa nhà bà bày khắp vỉa hè, không có chỗ cho người ta đi bộ, đã vậy người mua hàng lại đỗ xe máy đầy dưới lòng đường, chắn cả cửa nhà tôi thì còn buôn với bán cái gì nữa. Tôi sang nhắc nhở thì nhân viên nhà bà lại nói tôi ghen ăn tức ở. Mấy đứa miệng còn hơi sữa, chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu của tôi mà ăn nói như thế, bà nghe có được không?

Bà Lan quay sang anh thanh niên mặc đồng phục nhân viên đứng bên cạnh, nghiêm mặt hỏi:

Bà Lan: Chuyện đầu đuôi thế nào hả Nam? Cháu nói rõ cho bác nghe.

Anh thanh niên mặc đồng phục ở cửa hàng mặt đỏ bừng ấp úng:

Nam: Dạ, dạ… Chuyện là… vừa nãy đông khách đến mua hàng có đứng nhờ sang cửa nhà bác Hoa, bác có sang nhắc nhở, lúc ấy đông khách quá, phục vụ không kịp nên anh em cháu không để ý. Bác Hoa lại to tiếng, quát ầm ĩ làm cho khách hàng thấy vậy bỏ đi nên cháu có nói mấy câu không phải…

Bà Hoa: Đấy bà xem, với người lớn mà chúng nó thái độ như thế, nếu là bà, bà có chấp nhận được không?

Bà Lan (ôn tồn): Các cháu nó còn trẻ, chưa hiểu chuyện, có gì không nên không phải, tôi xin thay mặt các cháu xin lỗi bác. Tôi sẽ nghiêm khắc bảo ban các cháu. Còn chuyện khách hàng mua bánh để xe tràn sang nhà bác, tôi cũng sẽ sắp xếp, mong bác thông cảm cho tôi. Bác biết đấy, người mua bánh cũng chỉ tập trung một lúc thôi chứ có phải lúc nào cũng như lúc nào đâu bác.

Bà Hoa (dịu giọng): Hàng xóm, láng giềng với nhau, nhà bà đắt hàng thì tôi cũng mừng. Mà tôi nói thật nhà bà và nhà tôi kinh doanh hai mặt hàng khác nhau, tôi không có lý do gì để phải bảo là ghen ăn tức ở với nhà bà. Nhưng bà Lan ạ, tuyến phố nhà mình lề đường vốn hẹp, lại đông người qua lại, bà lại bày hàng ra cửa chiếm hết vỉa hè thế kia, người đi bộ không có chỗ đi lại phải đi xuống lòng đường nguy hiểm lắm. Lại thêm khách mua hàng dừng xe ngay trên lòng đường để mua bánh gây cản trở giao thông.

 Đúng lúc hai bà đang phân trần với nhau thì bác Hùng là Tổ trưởng Tổ dân phố có việc đi ngang qua. Thấy đông người tập trung, bác Hùng tiến tới cùng lắng nghe câu chuyện của hai bà.

 Bà Hoa:  À, may quá có bác Hùng Tổ trưởng dân phố đây rồi, bác thấy tôi nói như vậy có đúng không. Bác nhìn xem xe để tràn dưới lòng đường, thậm chí có hôm còn ra đến tận gần giữa đường, vỉa hè thì kín chỗ bày hàng, vậy người đi bộ họ sẽ đi lối nào? Tôi có ý kiến ở đây là vì cái chung chứ không phải vì ghen ghét gì mà gây khó khăn cho nhà bà Lan.

Bác Hùng: Bà Hoa nói vậy là đúng đấy bà Lan ạ. Hành vi bày hàng hóa ra vỉa hè và lấn chiếm lòng đường làm nơi trông giữ xe của nhà bà theo quy định pháp luật là bị xử phạt hành chính đấy.

Bà Lan: Vậy hả bác? Sao lại nghiêm trọng vậy, tôi thấy người ta còn dựng các cửa hàng bán các loại hàng hóa trải dài cả một đoạn phố ấy chứ mà có thấy ai đến xử phạt đâu, còn đây, tôi bày hàng trước cửa nhà tôi sao lại bị xử phạt?

Bác Hùng: À, đối với những cửa hàng bán hàng lưu động đều đã xin phép và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới được dựng quầy hàng bày bán hàng hóa. Những địa điểm được dựng quầy hàng phải bảo đảm tiêu chí theo quy định như vỉa hè rộng, không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị. Còn ở khu phố nhà mình vỉa hè hẹp, bà bày hàng ra trước cửa lấn chiếm hết vỉa hè, người đi bộ phải đi cả xuống lòng đường như vậy là không được. Đó là hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Bà Lan: À ra vậy!

Bà Hoa: Thôi tiện đây, bác Hùng cũng giới thiệu cho mọi người cùng biết các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề này để mọi người cùng nắm được nội dung nhé!

Bác Hùng: Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định:

"Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;

b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông;

b) Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;

c) Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5; điểm d, điểm e khoản 6 Điều này;

d) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5; điểm d, điểm i khoản 6 Điều này;

đ) Xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 6 Điều này.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội;

b) Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ;

d) Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 8 Điều này;

đ) Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi để xe, trông, giữ xe;

e) Sử dụng trái phép đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị làm nơi sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe, bơm nước mui xe gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm a khoản 6 Điều này; khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị định này.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này;

b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;

c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;

d) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị định này;

b) Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ;

c) Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;

d) Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;

đ) Dựng rạp, lều quán, công trình khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 9 Điều này;

e) Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố;

g) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe;

h) Xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố;

i) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

7. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe;

b) Dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

9. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở;

b) Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.

10. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này buộc phải thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 3; khoản 4; điểm b, điểm c, điểm d khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, khoản 9 Điều này buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.

Đấy, pháp luật quy định như vậy, bà Lan cần xem lại xem trường hợp của gia đình mình đã vi phạm những quy định nào?

Bà Lan: Vâng, tôi thật sơ suất quá, nhà buôn bán ngay mặt đường mà không tìm hiểu các quy định của pháp luật. Cũng may có bác nhắc nhở. Các cháu lại không hiểu chuyện mạo phạm đến bác. Bà Lan quay sang anh thanh niên tên Nam đứng bên cạnh, nói: Cháu đã nghe rõ chưa, lần sau người lớn nói thì phải tiếp thu, không được có thái độ thiếu lễ phép như thế nữa. Mau xin lỗi bác Hoa đi, rồi vào gọi Tuấn, Hùng dọn sạp hàng vào, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Cửa hàng chúng ta đã nổi tiếng với bánh gia truyền, không thể mất điểm với khách hàng vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ được, phải không nào?

Nam (nhanh nhảu): Dạ, rõ thưa các bác, cháu xin chấp hành ngay ạ!

Bác Hùng: Bà Lan này, thật ra vấn đề phạt là một chuyện, mà quan trọng hơn cả là việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp đường giao thông như gây ảnh hưởng hệ thống thoát nước do rác thải sinh hoạt; sụp, lún vỉa hè… Ngoài ra, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn gây nên ách tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Việc đậu, đỗ xe dưới lòng đường để mua bán hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn … Không thiếu trường hợp tai nạn xảy ra do tài xế không thể quan sát, va chạm với người mua bán hàng hóa đỗ xe dưới lòng đường. Nhiều vụ trộm cắp, cướp, cướp giật đã xảy ra đối với người đậu, đỗ xe trên hè phố, lòng đường để mua, bán hàng.

Bà Hoa: Tôi rất vui mừng vì bà đã hiểu, vấn đề là chúng ta cùng nhau kinh doanh nhưng cũng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật.

Bác Hùng: Hy vọng rằng khu phố của chúng ta ai cũng nghiêm túc chấp hành pháp luật.

Mọi người cùng nói cười vui vẻ.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn