TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/05/2022 14:28

Trách nhiệm thuộc về ai

  Bà Hương là tổ trưởng tổ dân phố P. Mấy hôm nay không thấy chị Đào thường hay bán hoa quả ở đầu ngõ, trong lòng bà Hương không khỏi thắc mắc. Cái con bé ấy lúc nào cũng xởi lởi, mau mồm mau miệng, bà thấy tội cho hoàn cảnh của chị Đào, chồng mất sớm phải một thân một mình nuôi con. Cả gia đình chỉ trông vào gánh hoa quả này. Chắc phải có chuyện gì thì chị Đào mấy hôm không thấy dọn hàng. Nghĩ đến đó, bà đến nhà chị Đào để xem có chuyện gì. Tại cổng nhà chị Đào,

Bà Hương:  Cô Đào ơi, có nhà không?

Cháu Hùng - con chị Đào chạy ra và mở cổng cho bà vào,

Hùng: Cháu chào bác, mẹ cháu đang ở trong nhà ạ. Cháu mời bác vào nhà.

Tại phòng khách nhà chị Đào, trông thấy bà Hương, chị Đào đang nằm trên chiếc giường, bèn gượng ngồi dậy:

Chị Đào: Chào bác, hôm nay bác đến nhà chơi hay có chuyện gì không ạ?

  Hùng lấy nước đưa cho bà Hương,

Bà Hương: Cảm ơn cháu (thong thả cầm chén nước chè Hùng rót - nói tiếp): Mấy hôm tôi không thấy cô dọn hàng nên sang hỏi thăm xem nhà có chuyện gì không, hay cô bị ốm? Mới có mấy hôm không gặp mà trông cô xanh xao quá!

  Chị Đào búi lại mái tóc và mếu máo,

Chị Đào: Khổ thân em quá! Thằng Hùng nhà em đi tham quan với lớp, trong lúc đi qua suối bị trượt chân ngã kéo theo một bạn cùng lớp ngã cùng. Không may bạn kia bị gẫy tay, giờ đang phải bó bột nằm điều trị ở nhà.

Hùng: Con không cố ý đâu mà.

  Bà Hương ái ngại,

Bà Hương: Rồi sao cô?

Chị Đào: Hôm trước em đến thăm, gia đình nhà cháu kia cũng đã đánh tiếng với em là chuẩn bị tiền để bồi thường chi phí thuốc men, chi phí điều trị… dễ cũng hơn cả chục triệu đồng. Bác xem, em buôn bán nhì nhằng, nhà lại chỉ có một mẹ một con, em biết lấy tiền đâu ra mà đền?

  Bà Hương chăm chú lắng nghe rồi hỏi,

Bà Hương: Thế nhà trường đã có ý kiến gì chưa?

Chị Đào: Em cũng vừa nhận được giấy mời của nhà trường đây. Họ hẹn ngày mai đến trường để trao đổi bác ạ.

Bà Hương: Có thể ngày mai nhà trường sẽ trao đổi cụ thể. Có khi cô không phải bồi thường đâu.

  Chị Đào ngớ người ra thắc mắc,

Chị Đào: Bác nói vậy là sao? Em không hiểu. Thằng Hùng mới học lớp 7, đang độ tuổi chưa thành niên, gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường chứ ạ?

  Hùng đang hối lỗi lắng nghe, bà Hương thong thả giải thích:

Bà Hương: Thế là cô cũng biết quy định của pháp luật nhưng lại chưa biết hết. Đúng là Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại...”. Tuy nhiên, theo Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”.

Theo lời cô kể thì cháu Hùng gây ra tai nạn cho bạn trong lúc đi tham quan cùng nhà trường, nghĩa là trong thời gian nhà trường đang quản lý thì có thể trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về nhà trường chứ không phải cô.

  Nghe bà Hương nói vậy, chị Đào mừng rỡ,

 Chị Đào: Thế ạ, may quá, có bác giải thích. Trước đây bác là cán bộ tư pháp thế mà em không nhớ ra để sang hỏi bác, em cứ lo mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày nay.

Bà Hương: Nhưng cô đừng mừng vội, vì tôi nói có thể trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà trường. Bởi vì, nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý, ví dụ, cháu Hùng đã không chấp hành quy định chung, trốn thầy cô ra suối chơi, rồi đùa nghịch làm bạn bị ngã gẫy tay thì trong trường hợp này cô phải bồi thường.

Chị Đào: Ô, thế hả bác. Thế bây giờ em nên làm gì?

Bà Hương: Thì ngày mai cô cứ đến trường, gặp đại diện nhà trường và gia đình bên kia. Rồi xem phải trái thế nào để xem trách nhiệm bồi thường. Nhưng mà theo tôi, các bên nên thỏa thuận cho hợp tình hợp lý cô ạ, cũng không nên làm to chuyện quá, lại ảnh hưởng đến tình bạn của các cháu.

Chị Đào: Nghe bác nói thế em cũng thấy rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi những người chưa thành niên như con em gây ra. Có gì thì em lại sang hỏi bác thêm nhé.

Bà Hương: Ừ, có gì thì cô cứ sang. Nhưng cũng đừng vì thế mà quá lo lắng. Khỏe rồi thì lại ra chợ đi. Tôi rất thích mua hoa quả của cô, vừa tươi ngon, giá cả lại hợp lý. Thôi tôi về đây, cũng đến giờ nấu cơm trưa rồi.

Chị Đào: Vâng em cảm ơn bác. Mai em lại ra bán hàng. Để em tiễn bác về.

  Tiễn bà Hương ra về, quay vào nhà, đến chỗ bàn học nơi con trai đang ngồi học, chị nhẹ nhàng dặn dò,

Chị Đào: Lần sau con đi lại cẩn thận nhé, đừng làm việc gì vừa ảnh hưởng đến mình, vừa gây hại cho bạn.

Hùng (cúi đầu vẻ hối lỗi): Vâng ạ!

Sáng hôm sau, tại phòng họp của nhà trường có thầy Hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm lớp, chị Đào và mẹ của cháu Tuấn bị ngã gãy tay. Gia đình cháu Tuấn có ý kiến, cháu Hùng không may bị trượt chân ngã bám vào cháu Tuấn khiến cháu Tuấn ngã theo. Gia đình cháu Hùng đã thăm hỏi kịp thời. Tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, các cháu là bạn học thân thiết nhiều năm, hơn nữa hoàn cảnh gia đình cháu Hùng cũng khó khăn. Gia đình cháu Tuấn không yêu cầu phải bồi thường nhưng đề nghị trong thời gian cháu Tuấn chưa tháo bột ở tay, cháu Hùng hàng ngày có trách nhiệm chở bạn cùng đi học và giúp bạn chép bài đầy đủ. Mọi người có mặt trong buổi họp đều vui vẻ vì quyết định của gia đình cháu Tuấn.

 

Điều 585. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

 

 

Điều 599. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, cơ quan khác trực tiếp quản lý

1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, cơ quan khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, cơ quan khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu trường học, bệnh viện, cơ quan khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn