TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/04/2022 16:05

Gỡ “nút thắt” mâu thuẫn về mặt tinh thần

Một trong số các vụ hòa giải khiến ông Nam - hòa giải viên cơ sở nhớ mãi là vụ kiện đòi chia di sản thừa kế giữa anh H với mẹ kế là bà Đ ở xã T, nhờ có các hòa giải viên mà anh H và bà Đ không phải kéo nhau ra tòa, đỡ mất thời gian và chi phí cho việc kiện tụng.

Sau khi bố mẹ anh H ly hôn, bố anh H là ông A lấy bà Đ và có 1 người con chung. Trong quá trình sinh sống, giữa anh H và bà Đ có mâu thuẫn, anh H vì nghĩ rằng do bà Đ nên bố, mẹ anh ly hôn nên không chấp nhận bà Đ là mẹ kế và dọn ra ngoài ở. Năm 2016, ông A chết, không để lại di chúc. Tài sản để lại là một căn nhà 2 tầng nằm trên thửa đất 100 m2, giá trị của tài sản khoảng trên 2 tỉ đồng.

Sau khi ông A mất được 3 năm, anh H đến nhà bà Đ đòi chia thừa kế ngôi nhà, bà Đ không đồng ý vì cho rằng ngôi nhà tài sản là do bà và ông A tạo nên trong thời kỳ hôn nhân sau khi bố, mẹ anh H ly hôn, nên không chấp nhận chia cho anh H. Anh H dọn đồ đạc đến ở luôn trong nhà và tuyên bố: nhà của bố anh thì anh có quyền ở. Bà Đ không đuổi được anh H ra khỏi nhà liền làm đơn đến tổ hòa giải nhờ giúp đỡ.

Tổ trưởng tổ hòa giải thôn là ông Nam đã tìm hiểu sự việc và biết được, ngôi nhà 2 tầng kể trên là tài sản riêng của ông A, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông A mất không để lại di chúc, như vậy tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Anh H và bà Đ đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Ông Nam tổ chức buổi hòa giải có mời Công chức tư pháp- hộ tịch, Công chức địa chính, hòa giải viên và anh H, bà Đ, giải thích các quy định pháp luật về thừa kế, nhưng hai bên giữ nguyên quan điểm và không thống nhất về giá trị chia tài sản. Hòa giải viên đã đến Trung tâm quản lý đất và phòng tài chính để tham khảo giá cả; đến gặp chính quyền cơ sở để tìm hiểu thêm về giá cả thị trường tại thời điểm hòa giải. Đồng thời cũng đến tận nhà riêng từng đương sự để giải thích các quy định của pháp luật và các yếu tố liên quan.

Sau 3 lần mời hai bên đến để tổ chức hòa giải, các hòa giải viên đã thuyết phục được hai bên đi đến thống nhất, bà H đồng ý giao lại giá trị di sản thừa kế phần của anh X bằng tiền mặt, được thực hiện trong 2 tháng.

Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí Tòa án; mức thu án phí, lệ phí Tòa án đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình đối với tài sản có giá trị từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng. Như vậy, nhờ hòa giải thành mà hai bên không phải kéo nhau ra tòa, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giải quyết.

Sau khi hòa giải thành, những người được hưởng di sản thừa kế không chỉ được nhận lại quyền lợi về vật chất mà còn được gỡ “nút thắt” mâu thuẫn về mặt tinh thần. Từ chỗ hai bên mâu thuẫn, mất đoàn kết sâu sắc kéo dài, đã trở nên gần gũi, thân thiện hơn.

Hương Phan

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn