Ở nước ta hiện nay, việc tiếp tục tăng cường hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, theo đó nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Luật Bình đẳng giới đưa ra ba nguyên tắc cụ thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như sau:
Thứ nhất, nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
Nguyên tắc này xuất phát từ quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Điều 39 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Theo đó, nam, nữ được đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng khi có đáp ứng quy định về độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật khác như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016. Hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trên cơ sở nhu cầu, đặc điểm và khả năng khác nhau của người học, họ có thể tham gia vào các cấp học, trình độ đào tạo khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi mà không có sự phân biệt về giới tính.
Thứ hai, nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo. Nguyên tắc này xuất phát từ quyền lựa chọn ngành, nghề, việc làm được quy định tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện về năng lực của thí sinh thể hiện qua điểm thi, không phân biệt giới tính của thí sinh ứng tuyển. Qua đó, nam, nữ đều có cơ hội ngang nhau trong việc lựa chọn học tập những ngành nghề, lĩnh lực phù hợp với sở thích, khả năng, năng khiếu của bản thân.
Thứ ba, nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục năm 2019 không có quy định phân biệt về giới tính đối với các đối tượng được hưởng chính sách giáo dục. Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử. Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định nghiêm cấm hành vi “phân biệt đối xử về giới tính” đối với người lao động, trong đó có việc phân biệt đối xử về giới tính trong việc lựa chọn người lao động cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực trạng thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Theo Báo cáo về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện cho thấy, tỷ lệ nam, nữ biết chữ hiện nay là tương đương nhau. Tuy nhiên, chênh lệch về trình độ giữa nam và nữ ngày càng gia tăng theo từng cấp học, đặc biệt là ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Theo Báo cáo đánh giá độc lập rà soát và đánh giá tác động về giới của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tình trạng bỏ học sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đang khá phổ biến với trẻ em gái, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số. Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá không phải do kinh tế hay khoảng cách địa lý từ nhà tới trường học mà chủ yếu do áp lực từ bạn bè và các yếu tố xã hội khác. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sỹ là 44,3%, chưa đạt so với mục tiêu đề ra là 50% trong khi tỷ lệ nữ tiến sỹ là 28% vượt 3% so với chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ vẫn là thiểu số trong các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ và các ngành kỹ thuật nói chung.
Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã có một số sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ nông thôn được tham gia học nghề. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Đào tạo nghề nông nghiệp trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc qua xây dựng nông thôn mới chủ yếu nhằm mục đích phát triển kỹ năng nông nghiệp hơn là chuẩn bị cho lực lượng lao động nông thôn làm việc phi nông nghiệp. Các hoạt động đào tạo nghề này hiện đang được đánh giá là không theo nhu cầu, thời gian đào tạo ngắn, ít mang tính ứng dụng thực tế, đồng thời, thời gian tổ chức lớp học không phù hợp

Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Thứ nhất, cần cải thiện tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập ở các cấp học mà không chỉ dừng lại ở tỷ lệ biết chữ của nam, nữ. Nội dung này đã được cụ thể hóa thành các tiêu chí trong Mục tiêu 5 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Cần có những nghiên cứu để làm rõ hơn nguyên nhân của tình trạng bỏ học sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, đặc biệt là với nhóm dân tộc thiểu số. Qua đó, xây dựng các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tình trạng bỏ học. Đồng thời, cần xây dựng các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp cản trở việc thực hiện quyền học tập của trẻ em.
Thứ hai, khi xây dựng chính sách bảo đảm quyền được học tập, nâng cao trình độ của lao động nữ cần tính đến đặc thù giới tính nữ thực tế. Nhóm đối tượng học tập ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ chủ yếu thuộc nhóm đang làm việc tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu học tập nâng cao trình độ để phục vụ nhu cầu công việc. Việc học tập, bồi dưỡng của nhóm đối tượng này còn phải chịu sự chi phối của đơn vị công tác. Do đó, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ lao động nữ đi học để nâng cao trình độ thì còn cần xây dựng các quy định về cử người lao động đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ có nhạy cảm giới.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn, chương trình học cần bám sát nhu cầu của xã hội, phù hợp với đặc thù của lao động nữ. Việc dạy nghề cần hướng tới đào tạo nghề trung hạn và dài hạn. Lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn không nên chỉ dừng lại ở việc đào tạo thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn trao đổi khoa học kỹ thuật về phương thức sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cần được thực hiện theo hướng đào tạo chuyên sâu hơn. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nghề theo hướng chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp để phù hợp với nguyện vọng tìm kiếm việc làm hiện nay. Việc đào tạo nghề cần tính đến các nhu cầu và vai trò xã hội khác nhau của phụ nữ.