TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 13/05/2022 16:38

Pháp luật về bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự Việt Nam

Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự là một nội dung quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự.

Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Quyền bình đẳng được ghi nhận tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.

Về bản chất, quyền bình đẳng của phụ nữ được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự có nguồn gốc từ quyền bình đẳng của con người. Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự không chỉ là việc pháp luật tố tụng dân sự quy định Tòa án không được phân biệt đối xử về giới giữa các đương sự mà còn là quy định Tòa án tạo cơ hội như nhau cho các đương sự là phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng, không phân biệt đối xử về giới, đồng thời, bảo vệ công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự là phụ nữ.

Từ những phân tích trên có thể hiểu, quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự là tổng hợp các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về bình đẳng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ, về trách nhiệm, nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giúp đỡ phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng trong suốt quá trình tố tụng dân sự.

Cơ sở hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự Việt Nam

Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự cần phải được thể chế bằng pháp luật. Cơ sở của việc luật hóa bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự gồm:

Thứ nhất, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước dân chủ, pháp quyền.

Thứ hai, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp nhất là Hiến pháp năm 2013, đồng thời, cần phải có sự tương thích giữa pháp luật quốc tế với pháp luật quốc gia trong sự nghiệp đấu tranh bảo đảm bình đẳng giới. Hiện nay, với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cần phải chủ động “hòa nhập” với các xu hướng quốc tế để các nước có thể tin tưởng cùng Việt Nam hợp tác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn vậy, pháp luật Việt Nam phải tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia công nhận và bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng giới.  Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định các đương sự có quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước Tòa án là sự cụ thể hóa quyền bình đẳng của con người được quy định tại Điều 14, Điều 16 Hiến pháp năm 2013 và tương thích với nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thứ ba, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật tố tụng dân sự xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự và nhu cầu bảo vệ quyền bình đẳng giới. Tham gia tố tụng dân sự, đương sự nào trong vụ việc dân sự cũng luôn có nhu cầu cần được Tòa án bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, nếu pháp luật tố tụng dân sự chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyền bình đẳng của đương sự thì rất có thể quyền này sẽ không được thực hiện hoặc được thực hiện không hiệu quả bởi quyền này không chỉ phụ thuộc vào đương sự có thực hiện hay không mà còn phụ thuộc vào các chủ thể có liên quan như Tòa án, Viện kiểm sát, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong xã hội... Như vậy, để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật tố tụng dân sự cần có các quy định về bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự từ phía Tòa án, Viện kiểm sát và các chủ thể khác có liên quan.

Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự

- Pháp luật tố tụng dân sự cần phải ghi nhận đương sự có quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý trước Tòa án. Quy định này là một nguyên tắc của Luật Tố tụng dân sự bởi vì muốn bảo đảm thực hiện được quyền này thì trước hết quyền đó phải được ghi nhận. Nội dung này phải được cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật phù hợp trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.

- Pháp luật tố tụng dân sự cần phải ghi nhận, bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự là một nguyên tắc mà các chủ thể tiến hành tố tụng dân sự và tham gia tố tụng phải tuân theo.

Cụ thể, pháp luật tố tụng dân sự phải quy định cụ thể, phù hợp trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát và các chủ thể có liên quan trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự là bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt về giới.

Ở Việt Nam, quyền bình đẳng trước pháp luật nói chung hay quyền bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự nói riêng vừa là một nguyên tắc của luật tố tụng dân sự, vừa là một quyền tố tụng của đương sự được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự. Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật tố tụng dân sự trước đây về quyền bình đẳng giữa các đương sự trong tố tụng dân sự, cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn áp dụng trong việc công nhận và bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Pháp luật tố tụng dân sự cần có quy định cụ thể, phù hợp trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát và các chủ thể có liên quan. Tòa án có vai trò quyết định trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự, vì vậy, luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự sẽ là một phương thức để Tòa án nâng cao ý thức trong việc tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền bình đẳng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát và các chủ thể liên quan cũng cần được pháp luật tố tụng quy định cụ thể để hỗ trợ, cùng với các phương thức khác bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự.

(Theo Tạp chí dân chủ và pháp luật.

Trang điện tử: www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn