TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 13/04/2022 10:06

Xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Vay và cho vay là hoạt động dân sự phổ biến trong xã hội hiện nay, mục đích của hoạt động này nhằm hỗ trợ cho bên đi vay có nguồn vốn để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống và tiêu dùng và đưa dòng tiền vào lưu thông trong thị trường. Bên cạnh những giao dịch vay và cho vay theo quy định của pháp luật, hợp lệ và đảm bảo quyền lợi của các bên trong giao dịch dân sự, còn những hoạt động cho vay lãi với lãi suất cao,  thậm chí là “cắt cổ” đối với người đi vay, để lại một hệ lụy xấu, ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Đây chính là hình thức của hoạt động “tín dụng đen” đang diễn ra phổ biến và phức tạp thời gian gần đây. Hậu quả của “tín dụng đen” mang lại rất nặng nề. Nạn nhân của vay lãi nặng không chỉ có người dân làm ăn chân chính mà còn có cả người nghiện ma tuý, đối tượng mê cờ bạc, những người ít hiểu biết, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng lại thích đua đòi, bị dẫn dụ trước những lời quảng cáo hấp dẫn và những mánh khoé của đối tượng cho vay lãi nặng. Có trường hợp lâm vào cảnh nợ nần, phá tán tài sản phải bán nhà, bán đất để trả nợ chỉ vì trước đó “lỡ” vay lãi nặng để xây nhà, sắm xe, rồi lãi chồng lãi, không còn khả năng chi trả, bị đe doạ, hành hung, bị buộc phải bán đi số tài sản cuối cùng để trả nợ.

Có những người không hề vay nợ nhưng phải gánh nợ do con cái vay tiền mua ma tuý, vay tiền đánh bạc. Đối tượng cho vay lãi nặng rất biết cách đánh vào tâm lý ăn thua của con bạc để dẫn dụ người nghiện đang cần ma tuý đến mức bất chấp hậu quả. Họ cho vay tiền, buộc cung cấp địa chỉ nhà ở. Sau đó, đến nhà hành hung, đập phá tài sản, buộc cha mẹ, người thân trả nợ thay. Thông thường, vay lãi nặng thì không cần thế chấp nhưng ít có con nợ nào dám quỵt nợ vì bọn vay lãi nặng có liên quan đến côn đồ, đòi nợ thuê. Chúng thường thuê những đối tượng nghiện ma tuý, côn đồ để thu nợ.

Vì vậy, Bộ luật Hình sự có quy định về xử lý hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhằm hạn chế những hậu quả của “tín dụng đen” mang lại, đồng thời góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Theo đó:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đồng thời, để áp dụng đúng và thống nhất quy định của BLHS đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, ngày 20/12/2021, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo đó, Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn thống nhất cách xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

-  Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.

- Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP còn hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể:

1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.

                                                         Trợ giúp viên pháp lý Đoàn Thị Hệ

                                                              Trung tâm TGPL Nhà nước TP

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn