TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 04/03/2024 10:55

Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn cho các trường hợp hy hữu

Mỗi khi công dân có việc liên quan đến thừa kế di sản của cha, mẹ để lại mới thấy cái phức tạp của việc không có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định như: giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ con, quan hệ hôn nhân, không có giấy chứng tử của người để lại di sản…

Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được hưởng thừa kế theo thứ tự sau: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: cha, mẹ, vợ, chồng và các con; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông, bà  nội, ngoại, anh chị em ruột và cháu nội, ngoại của người chết; hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại; cô, bác, chú, cậu, dì ruột; cháu ruột, chắt ruột của người chết. Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước. Như vậy, để được hưởng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc chứng minh quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân là bắt buộc.

Với người để lại di sản thuộc diện “cao niên” thì vấn đề chứng minh quan hệ thừa kế nêu trên quả thật nan giải, đặc biệt chứng minh mối quan hệ cha mẹ, vợ, chồng thường gặp rất nhiều khó khăn do giấy tờ bị thất lạc hoặc chưa từng đi làm những loại giấy tờ đó bao giờ. Khi phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, công dân bắt buộc phải chứng minh quan hệ thừa kế của người để lại di sản, thời điểm chết của người để lại di sản, cha, mẹ của người để lại di sản chết trước hay sau người để lại di sản. Khi đó, giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy chứng tử của bố, mẹ người để lại di sản, giấy chứng tử của anh chị em của người để lại di sản (nếu những người này đã chết) cũng là một trong loại giấy tờ không thể thiếu khi công chứng, chức thực văn bản về thừa kế.

Tương tự, vợ hoặc chồng của người để lại di sản là người được hưởng di sản thừa kế của nhau, do đó, cũng cần có giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân. Giấy tờ đó có thể là giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản.

Pháp luật về hộ tịch quy định khá chi tiết và rõ ràng về việc xin cấp lại các giấy tờ hộ tịch, song đó là những trường hợp công dân đã đi đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử với cơ quan nhà nước, còn đối với trường hợp chưa từng bao giờ đi đăng ký thì cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch không thể làm thủ tục cấp lại (vì chưa đăng ký lần đầu) hoặc nếu có đăng ký nhưng cơ quan quản lý hộ tịch không còn lưu giữ được Sổ hộ tịch gốc để trích lục thông tin về đăng ký khai sinh, khai tử và đăng ký kết hôn cho công dân do thời gian đã lâu hoặc do điều kiện lưu trữ, bảo quản Sổ chưa tốt, chuyển trụ sở nhiều nơi... dẫn đến Sổ hộ tịch gốc bị rách nát, hư hỏng hoặc mất, thất lạc.

Pháp luật hộ tịch không quy định đăng ký khai sinh cho người đã chết, càng không thể đăng ký kết hôn cho người đã chết, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết… nên việc bổ khuyết các loại giấy tờ trên để hoàn tất thủ tục khai nhận, phân chia di sản thừa kế rất khó khăn.

Để giải quyết những vướng mắc này, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn, khuyến khích người dân thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh, đăng ký lại việc sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký khai tử hoặc đính chính thông tin trên các giấy tờ hộ tịch. Từ câu chuyện trên cho thấy, các con, cháu dành thời gian khi ông bà thân sinh ra bố mẹ còn sống nên đưa các cụ đi đăng ký khai sinh hoặc đăng ký lại khai sinh; đăng ký kết hôn hoặc đăng ký lại kết hôn để bảo đảm quyền lợi cho các cụ và cho chính con, cháu của các cụ sau này.

Công chứng viên Đào Thị Mai

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn