TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 03/03/2021 10:42

Tìm hiểu một số quy định pháp luật về hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ trong tố tụng hành chính

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (sau đây viết tắt là Luật TTHC năm 2015) đã được Quối hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25-11-2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2016. Luật TTHC năm 2015 bao gồm 23 chương, 372 điều quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính…

Một trong những nguyên tắc giải quyết vụ án hành chính được khách quan, đúng pháp luật thì việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong hoạt tố tụng hành chính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát, Tòa án, đương sự trong tố tụng hành chính, cụ thể như:

  1. Thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật TTHC năm 2015, Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật thủ tục hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

Theo đó, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ là một trong những nội dung hoạt động của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính. Do đó, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp kháng nghị bản án hoặc quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị (Khoản 6, Điều 84 Luật TTHC năm 2015).

  1. Thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật TTHC năm 2015, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng;

Xem xét, thẩm định tại chỗ;

Trưng cầu giám định;

Quyết định định giá tài sản;

Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án;

Biện pháp khác theo quy định của Luật TTHC năm 2015…

  1. Đương sự có quyền tự mình thu thập chứng cứ bằng những biện pháp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật TTHC năm 2015, đương sự có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử;

Thu thập vật chứng;

Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;

Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;

Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;

Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật…

 

Thủy Phạm

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn