TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 03/03/2021 10:20

Tìm hiểu về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 (sau đây viết tắt là Luật Hòa giải tại Tòa án) đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16-6-2020, có hiệu lực từ ngày 01-01-2021. Luật Hòa giải tại Tòa án bao gồm 4 chương, 42 điều đã đưa ra một quy trình mới, một cách thức mới ngoài quy trình tố tụng theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là BLTTDS) để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp của mình.

Quy trình hòa giải đối thoại tại Tòa án có thể chia thành 3 giai đoạn như sau:

  1. Giai đoạn tiền hòa giải, bắt đầu từ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền và kết thúc khi có quyết định chỉ định Hòa giải viên của Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải

Giai đoạn này được quy định cụ thể tại các điều từ Điều 16 đến Điều 19 Luật Hòa giải tại Tòa án, Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên và các biểu mẫu tại Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trước hết, bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện của Tòa án có thẩm quyền giải quyết sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, trong hai ngày Chánh án sẽ thông báo cho người khởi kiện biết về quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong thời hạn ba ngày, người khởi kiện phải trả lời về việc đồng ý hoặc không đồng ý hòa giải đối thoại.

Trong trường hợp nếu người khởi kiện từ chối hòa giải thì Chánh án sẽ phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS. Nếu người khởi kiện đồng ý hòa giải, tùy theo từng trường hợp Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải sẽ chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn hoặc sẽ tự mình chỉ định Hòa giải viên.

Sau khi đã có quyết định chỉ định Hòa giải viên và các bên không có yêu cầu thay đổi Hòa giải viên thì vụ án bắt đầu chuyển sang giai đoạn hòa giải.

  1. Giai đoạn hòa giải, bắt đầu tiếp theo sau giai đoạn tiền hòa giải đến khi tổ chức thành công phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải tại Tòa án

Giai đoạn này được quy định từ Điều 20 đến Điều 31 Luật Hòa giải tại Tòa án. Thời gian để hòa giải viên thực hiện hòa giải là hai mươi ngày.

Sau khi đã chuẩn bị các công tác cần thiết để hòa giải, Hòa giải viên tiến hành mở phiên hòa giải, nếu các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ án thì Hòa giải viên sẽ tiến hành mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải và lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải. Đến đây, việc hòa giải, đối thoại của các bên đã chấm dứt theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 4 Điều 2 Luật Hòa giải tại Tòa án.

  1. Giai đoạn sau hòa giải, các bên có thể thực hiện các thủ tục sau khi đã tổ chức xong phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại

Các bên có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành theo quy định từ Điều 32 đến Điều 35 Luật Hòa giải tại Tòa án; Các bên có thể đề nghị, Viện kiểm sát có thể kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo quy định tại các điều từ Điều 36 đến Điều 39 Luật Hòa giải tại Tòa án.

Phạm Thủy

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn