TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 11/09/2020 09:47

Bạn đọc viết - Khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa

Hàng năm có khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương và hiện có khoảng  9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên toàn thế giới. Để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi nilon đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương cần thời gian hàng trăm năm. Từ thực tế này, để giải quyết bài toán rác thải nhựa cần hướng tới khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa… Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển, mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác. Khảo sát mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, mỗi kilogram túi nilon khó phân hủy sẽ chịu 30.000 -50.000 đồng tiền thuế, người sử dụng phải chịu thuế này, nhưng nhiều người dân chưa nắm được quy định của pháp luật nên việc đánh thuế ít tác dụng. Bên cạnh đó, quy định việc tự kê khai thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất túi nilon khiến thuế bảo vệ môi trường bị thất thu không nhỏ. Đó chưa kể đến việc túi nilon hiện nay chủ yếu do các làng nghề, hộ gia đình sản xuất và đưa đi tiêu thụ… khiến cán bộ thuế do nhân lực mỏng, lại không có chuyên môn để thẩm định từng loại nhựa nên khó kiểm tra giám sát, áp đúng đối tượng và mức thu thuế. Thực tế chi phí giá thành túi nilon bán ra thị trường thấp cũng là lý do quan trọng dẫn đến việc người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường.

Hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý chất thải nhựa như phát triển công nghiệp môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế sản phẩm nhựa một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải... Cụ thể, Dự thảo Luật nên quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, bao gồm chất thải nhựa. Dự thảo Luật làm rõ trách nhiệm và lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng từ việc phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng các loại chất thải; các công cụ kinh tế như: Đặt cọc và hoàn trả bao bì sản phẩm; nguyên tắc thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường phải bảo đảm được mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng thân thiện với môi trường; những chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường, nguồn lực từ tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đây là những tiền đề để thúc đẩy việc kéo dài vòng đời của các sản phẩm nhựa thông qua tái sử dụng, tái chế.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo xây dựng các đề án “Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương”; “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” nhằm rà soát, đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy… Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là túi nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện bảo vệ môi trường.

Ngọc Chi

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn