TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/01/2024 10:01

Kết quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2023  của ngành Tư pháp

Theo Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2024 của Bộ Tư pháp về tình hình công tác tư pháp năm 2023, Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp và nhiều Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các bộ, ngành, địa phương và sự phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân, tổ chức; gắn công tác kiểm tra văn bản QPPL với công tác kiểm tra của Đảng, công tác giám sát của Quốc hội. Kết luận kiểm tra đảm bảo khách quan, chính xác; đôn đốc xử lý quyết liệt, triệt để hơn các văn bản có quy định trái pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật; ngăn ngừa, hạn chế được tác động tiêu cực đến xã hội do việc ban hành văn bản có quy định trái pháp luật.

Năm 2023, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.086 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.492 văn bản; đồng thời, Bộ Tư pháp đã tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các bộ, ngành, địa phương và kiểm tra theo địa bàn tại các địa phương. Các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.022 VBQPPL.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn ngành Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 37.126 VBQPPL. Tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra đối với 13.079 văn bản theo thẩm quyền.

Một số bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo, chú trọng kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, như: Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp thực hiện thường xuyên và trọng điểm theo các đợt, các kế hoạch rà soát chuyên đề. Thông qua công tác rà soát văn bản đã giúp nhận diện, đánh giá các mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét, xử lý trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nổi bật là các hoạt động:

- Tham mưu Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL, rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm VBQPPL còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành;

- Rà soát, cho ý kiến độc lập đối với một số nội dung quy định cụ thể liên quan đến một số luật được tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc, cản trở trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh;

- Rà soát và tham mưu, xây dựng Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ gửi Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán;

- Rà soát các thông tư đang còn hiệu lực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm các thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân;

- Rà soát quy định của pháp luật để ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, giúp Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV, được Quốc hội và cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao.

Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện ngày càng nề nếp, chất lượng, hiệu quả công tác hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo quy định. Hoàn thành việc xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam, vượt tiến độ 01 năm so với thời hạn đề ra và tổ chức triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2019 - 2023 nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận, quản lý, tra cứu, áp dụng quy định của pháp luật.

Vương Minh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn