TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 24/10/2022 10:54

Một số quy định về phòng, chống bạo lực học đường

Bạo lực học đường là vấn đề đáng lo ngại và gây bức xúc trong dư luận, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, năng lực của học sinh, ảnh hưởng xấu đối với môi trường giáo dục, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật, xâm hại sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật xin giới thiệu một số quy định của pháp luật liên quan đến bạo lực học đường tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

 1. Bạo lực học đường là gì?

Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP thì hành vi bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

2. Các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường

Theo Điều 6 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường như sau:

Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;

Thứ hai, giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;

Thứ ba, công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;

Thứ tư, tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;

Thứ năm, thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường

Thứ nhất, phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;

Thứ hai, đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;

Thứ ba, thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.

Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường

Thứ nhất, đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;

Thứ hai, thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;

Thứ ba, thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Các nội dung, hình thức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Điều 5 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH thì nội dung, hình thức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

Thứ nhất, nội dung tuyên truyền:

Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, truyền thống, lòng tự hào dân tộc. Các nội dung giáo dục tư tưởng chính trị, ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục lối sống nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước. Gương cá nhân, tập thể thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường.

Phản ánh tâm tư nguyện vọng, tình cảm, trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường hoặc hành vi ứng xử của con người trong các mối quan hệ xã hội.

Các nội dung kiến thức, kỹ năng về: Mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; trách nhiệm phát hiện, thông tin, tố giác hành vi bạo lực học đường; biện pháp, kỹ năng ngăn ngừa bạo lực học đường; kỹ năng can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân; kỹ năng phòng, chống xâm hại đối với cá nhân, kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường xã hội và trên môi trường mạng.

Phê phán những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, đua đòi, ham chơi, thích hưởng thụ hoặc các hành vi bạo lực và bất bình đẳng giới trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên về: Chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; không để bị kích động, lôi kéo tham gia hoạt động gây mất ổn định chính trị, an toàn xã hội.

Thứ hai, về hình thức tuyên truyền, gồm: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuyên truyền trên mạng xã hội; Thông qua giờ lên lớp chính khóa, hội nghị, hội thảo, tập huấn và các hoạt động ngoại khóa; Thông qua các cuộc nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về văn hóa, xã hội; Thông qua các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc cuộc thi tìm hiểu về các lĩnh vực liên quan.

4. Các nội dung hỗ trợ khi xảy ra nguy cơ bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Điều 8 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH quy định khi có nguy cơ bị bạo lực học đường các nội dung hỗ trợ gồm:

Thứ nhất, phát hiện kịp thời học sinh, sinh viên có nguy cơ bị bạo lực học đường thông qua các biện pháp quản lý, theo dõi và các kênh thông tin.

Thứ hai, đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể đối với học sinh, sinh viên.

Thứ ba, tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu, cảnh báo đối với học sinh, sinh viên về nguy cơ bạo lực học đường có thể xảy ra. Tư vấn các biện pháp cần thiết để học sinh, sinh viên có thể phòng, tránh bạo lực học đường.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, sinh viên và tổ chức, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên có nguy cơ bị bạo lực học đường.

5. Quy định về xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Điều 9 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH quy định xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

Thứ nhất, có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả không mong muốn.

Thứ hai, liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân. Theo dõi, đánh giá và có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo.

Thứ tư, thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.

6. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong phòng, chống bạo lực học đường

Theo Điều 12 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong phòng, chống bạo lực học đường như sau:

Thứ nhất, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường của đơn vị theo hướng dẫn tại Thông tư này đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, tổ chức tuyên truyền về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của đơn vị theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH.

Thứ tư, tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trong các hoạt động chung của đơn vị theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH.

Thứ năm, báo cáo việc thực hiện Thông tư này trong nội dung báo cáo tổng kết hoạt động của đơn vị hàng năm gửi cơ quan quản lý cấp trên; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ sáu, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra các vụ bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do mình quản lý.

Thứ bảy, thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu.

7. Trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo Điều 13 Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH thì trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

Thứ nhất, tích cực, tự giác, trách nhiệm học tập, nâng cao trình độ, nhận thức về xây dựng và bảo vệ môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, tham gia tích cực các hoạt động phòng ngừa, trợ giúp khi có bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường.

Thứ hai, chủ động phát hiện, báo cáo kịp thời với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp về các trường hợp, hành vi xâm hại, bạo lực hoặc vi phạm pháp luật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phương Thành

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn