Vừa nhìn thấy tôi bước vào cửa phòng bệnh, ông cụ đã vội vàng nói: “Cô ơi, tôi xin lỗi đã làm cô vất vả, nhưng tôi xin rút đơn ly hôn có được không cô?”. Nghe xong câu hỏi của ông cụ trong lòng tôi bỗng reo lên một sự hân hoan kỳ lạ, nhưng để chắc chắn mình không nghe nhầm và cũng muốn thể hiện sự nghiêm túc nên tôi hỏi lại:“Bác nói sao, xin rút đơn ly hôn là thế nào? Chiều ngày mai Tòa sẽ tổ chức phiên hòa giải rồi, cháu đến để trao đổi với bác về thủ tục hòa giải đây”, nghe đến đây ông cụ xua tay và vội vàng nói: “Không cô ơi, tôi nghiêm túc đấy, vẫn biết mình đã làm phiền Tòa án, phiền đến các cô nhưng cô cứ ngồi xuống đây nghe tôi trình bày hết đã rồi cô có trách tôi cũng xin chịu hết”.
Với giọng đều đều, mệt mỏi nhưng đôi mắt lại ánh lên sự lấp lánh của hạnh phúc, ông nói: Cuộc sống hôn nhân ban đầu của chúng tôi cũng hòa thuận hạnh phúc lắm. Nhưng rồi, chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt hàng ngày đã phát sinh mẫu thuẫn giữa chúng tôi, lúc đầu chỉ là những câu nói, sau này thành thái độ khó chịu dành cho nhau. Đến lúc tôi cảm thấy mệt mỏi không còn muốn duy trì cuộc sống vợ chồng nữa, bởi cả hai chúng tôi không có sự chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm yêu thương nhau, bản thân tôi là thương binh ¼ nên thường xuyên đau ốm, đặc biệt lúc trái gió trở trời bà ấy cũng không thèm đếm xỉa, hỏi han. Và, quan trọng hơn là chúng tôi đã không còn sự tôn trọng với đối phương.
Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, gia đình hai bên đã hòa giải nhưng không thành, thời điểm đó xét thấy không còn tình cảm vợ chồng nên tôi đã làm đơn xin được ly hôn với bà ấy. Nhưng rồi cô ạ, anh em họ hàng hai bên gia đình đã thuyết phục chúng tôi, bà ấy đã khóc lóc và mong tôi bỏ qua tất cả cho bà ấy, bà ấy vẫn mong muốn được đoàn tụ và hứa sẽ chăm sóc, giúp đỡ tôi chống chọi với căn bệnh suy thận nặng trong những ngày cuối đời.
Thật sự tôi lại mủi lòng, lại tin vào tình cảm của bà ấy dành cho mình, bản thân tôi cũng không muốn về nơi điều dưỡng thương bệnh binh, tôi mong muốn được sống những ngày cuối đời ở chính mảnh đất quê hương mình. Và hơn nữa, tôi cũng muốn nghe cô, bởi chính cô là người đã khuyên tôi nên đoàn tụ với bà ấy, tôi vẫn nhớ như in câu cô đã nói với tôi:
“Bác ơi, cho dù cháu là người bảo vệ quyền lợi cho bác nhưng cháu vẫn muốn nói với bác một điều, nếu có thể suy nghĩ lại thì hai bác hãy bỏ qua hết lỗi lầm và trở về bên nhau, bởi hai bác đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, bác lại đau ốm thế này rất cần sự chăm sóc, chia sẻ của bác gái để cùng nhau vượt qua nỗi đau bệnh tật những ngày cuối đời, nếu có thể bác hãy nghe cháu, cháu sẽ giúp bác”.
Vâng, tôi sẽ nghe cô, nghe mọi người và hơn hết chúng tôi vẫn còn tình cảm cho nhau cô ạ. Thôi, cô đã giúp tôi thì giúp cho chót, cô làm hộ tôi cái đơn rút đơn khởi kiện xin ly hôn tôi đã gửi cho Tòa án, cô nhé. Nói đến đây, ông cụ nghẹn ngào ngước lên nhìn tôi với vẻ khẩn khoản, tôi vội vàng nắm hai tay ông cụ “Cháu chúc mừng hai bác, chúc hai bác sống thật êm đềm, việc còn lại cháu sẽ giúp bác, bác yên tâm chữa bệnh để sớm về nhà với bác gái nhé”.
Chia tay ông cụ, trong lòng vô cùng rộn ràng bởi niềm vui mà ông cụ vừa chia sẻ, họ sẽ về bên nhau và sống trọn vẹn những ngày cuối đời còn lại. Niềm vui ngày đoàn tụ của đôi vợ chồng luống tuổi cũng là niềm vui của những người làm công tác trợ giúp pháp lý chúng tôi.
Lương Thị Thủy
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố