TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2023 09:39

Thủ tục xin cấp lại giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân khi công chứng nhà đất

Giấy chứng nhận kết hôn là giấy tờ hợp pháp xác nhận quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn, được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của một trong hai bên. Từ đó, phát sinh các quan hệ giữa vợ và chồng: quan hệ về nhân thân, chế độ tài sản chung, riêng của vợ chồng, quan hệ cha mẹ, con và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng, trừ trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987.

Khi bạn có nhu cầu mua bán/chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp nhà ở, quyền sử dụng đất hay làm thủ tục khai nhận/phân chia di sản thừa kế tạị tổ chức hành nghề công chứng, thì bạn cần chuẩn bị các giấy tờ chính sau: Giấy tờ tùy thân (Giấy CMND, CCCD, hộ chiếu), Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (dân mình thường gọi là Sổ đỏ, Sổ hồng).

1. Xin cấp lại bản sao trích lục kết hôn

Trường hợp bản chính Giấy chứng nhận kết hôn bị thất lạc thì có thể xin cấp bản sao trích lục kết hôn từ Sổ hộ tịch tại Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây.

2. Thủ tục đăng ký lại kết hôn

Theo quy định thì việc đăng ký lại kết hôn chỉ được thực hiện khi bản chính Giấy chứng nhận kết hôn bị mất hoặc hư hỏng, đồng thời Sổ hộ tịch không còn lưu giữ tại Ủy ban nhân dân. Trường hợp công dân không giữ được bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, Ủy ban nhân dân không còn lưu giữ được Sổ hộ tịch, thì cần làm thủ tục đăng ký lại kết hôn tại Ủy ban nhân dân nơi đăng kết hôn trước đây hoặc tại nơi đang thường trú. Thủ tục đăng ký lại kết hôn dễ dàng hơn nếu người yêu cầu đăng ký lưu giữ được bản sao Giấy chứng nhận kết hôn bởi đây là cơ sở để UBND thực hiện việc đăng ký lại kết hôn (điểm b, khoản 1 Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP). 

Trường hợp không còn lưu giữ bản sao Giấy chứng nhận kết hôn, người yêu cầu đăng ký phải chứng minh bằng hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác có thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn như: tài liệu, giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc xác nhận hợp lệ, trong đó có thông tin về hôn nhân của người đó, ví dụ như: hồ sơ, lý lịch cá nhân đi học, đi làm do cơ quan, đơn vị nơi học tập, công tác quản lý, xác nhận… Các hồ sơ, giấy tờ này được cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan kiểm tra, xác minh.

Lưu ý, trường hợp đăng ký lại kết hôn thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ thời điểm đăng ký kết hôn trước đây mà không phải là ngày đi đăng ký lại kết hôn và được ghi rõ ở mặt sau Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây. Khi đi đăng ký lại kết hôn, hai bên sẽ được UBND cấp bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Từ bản chính này có thể sao y bản chính thành nhiều bản để sử dụng.

3. Đăng ký hôn nhân thực tế

Hôn nhân thực tế là trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một trong những giấy tờ bắt buộc khi công chứng các giao dịch liên quan đến tài sản. Do đó, để xác định tình trạng hôn nhân đối với hôn nhân thực tế có thể làm theo một trong hai cách sau:

Cách 1: Xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã nơi thường trú. Việc chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) chết thì Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ ghi: “hiện tại đang có vợ/chồng là ông/bà…Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 6 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước”.

Cách 2: Đăng ký hôn nhân thực tế

Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác nhận quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Trường hợp hôn nhân thực tế mà không xác định được ngày xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng thì ghi ngày đầu tiên của tháng, năm xác lập quan hệ chung sống; trường hợp không xác định được ngày, tháng thì ghi ngày 01 tháng 01 của năm xác lập quan hệ chung sống. Thủ tục đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện như đối với việc đăng ký kết hôn thông thường. Như vậy, người đi đăng ký sẽ được cấp bản chính Giấy chứng nhận kết hôn trong đó sẽ ghi rõ ngày đăng ký kết hôn và ngày xác lập quan hệ vợ chồng. Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn sẽ được sử dụng lâu dài trong các giao dịch dân sự, hành chính và đời sống hàng ngày (không phải trong 6 tháng như Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nêu trên).

Việc đăng ký kết hôn đối với hôn nhân thực tế rất có ý nghĩa vì đây là giấy tờ hợp pháp chứng nhận quan hệ hôn nhân. Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường hợp hôn nhân thực tế đi đăng ký kết hôn vừa giúp quá trình quản lý của nhà nước về hộ tịch dễ dàng và thuận lợi, vừa giúp người dân hoàn hiện các thủ tục pháp lý khi cần thiết.

                                                                 Công chứng viên Đào Thị Mai

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn