TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/03/2024 14:50

Thành phố Hải Phòng - sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù

Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đề ra nhiều mục tiêu cụ thể nhằm hướng tới xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước …

Từ khi có Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội Hải Phòng đã có bước phát triển vượt bậc. Hải Phòng đã chứng minh được tầm vóc của mình khi liên tục nằm trong top đầu cả nước về mức độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết này, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng đạt kỷ lục với 16,5% (gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước). Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 90 nghìn tỷ đồng.

Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 13/11/2021, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Việc ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 đã tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng trong giai đoạn mới.

Thành phố Hải Phòng “đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới - Thực hiện chuyển đổi số”

Với khí thế quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, mặc dù chịu tác động lớn từ tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Thành phố Hải Phòng 09 năm liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số. Năm 2020, khi cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Hải Phòng được đánh giá vẫn đạt tốc độ tăng trưởng “ngoạn mục” khi đứng thứ 2 cả nước với mức đạt 11,22%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị trung tâm được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, hướng tới xây dựng, hiện đại hoá đô thị mang đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Thành phố liên tục khánh thành, khởi công và thi công xây dựng nhiều dự án, công trình quan trọng về giao thông, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, nông thôn mới kiểu mẫu... Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những kết quả nêu trên là minh chứng thuyết phục cho nỗ lực của toàn đảng bộ, chính quyền thành phố với tinh thần quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, nhất là trong ban hành các chính sách thiết thực, khả thi tháo gỡ những “nút thắt” trong xây dựng và phát triển thành phố.

Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các nghị quyết thuộc thẩm quyền để triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 35/2021/QH15

Trên cơ sở chương trình hoạt động toàn khoá, các định hướng quan trọng trong xây dựng, ban hành nghị quyết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như cụ thể hoá Nghị quyết số 35/2021/QH15 được chủ động ngay từ đầu; trải qua 09 kỳ họp, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành 199 nghị quyết; qua đó, các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 35/2021/QH15 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần rất tích cực trong xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng; cụ thể:

Thứ nhất, chính sách về quản lý quy hoạch đã phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[1]. Trên cơ sở đó, ngày 02/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1516/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cũng kịp thời điều chỉnh, cho ý kiến một số quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chung đô thị để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch trong xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng[2]. Thành phố đã đưa vào khai thác hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như hệ thống đường cao tốc kết nối cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu dịch vụ logistics… Hải Phòng cũng tạo dấu ấn khi khánh thành hơn 20 cây cầu các loại, không chỉ kết nối nội vùng, mà còn mở ra không gian khoáng đạt với các địa phương vùng duyên hải Bắc Bộ...

Thứ hai, các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí đã khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước vừa đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương vừa để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố[3].

Trên cơ sở nguồn lực hiện có, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành 02 Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021-2025[4]; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực 15.475,62 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà Nghị quyết XVI Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra. Chương trình nông thôn mới kiểu mẫu đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới đồng bộ, bộ mặt nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hoá.

Không chỉ dừng lại ở đó, thành phố còn ban hành một số cơ chế, chính sách thực hiện các chính sách an sinh xã hội thuộc thẩm quyền, duy trì mức chi cao trong các địa phương của cả nước như: tặng quà các gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo các dịp lễ, tết với mức cao nhất là 5,5 triệu đồng/người (cao nhất cả nước); kịp thời ban hành chính sách mới đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở với kinh phí 455 tỷ đồng/năm; chế độ dinh dưỡng đặc thù và mức thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại các giải thể thao quốc gia với dự kiến kinh phí gần 40 tỷ đồng/năm (đứng ở tốp đầu cả nước), chính sách về hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành y tế với tổng kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 315,8 tỷ đồng. Việc ban hành các cơ chế đặc thù có tính vượt trội thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng trong 02 năm vừa qua. Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri, Nhân dân thành phố.

Thứ ba, chính sách về quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua 05 Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích là 578,072 ha đất được chuyển mục đích sử dụng[5], để triển khai thực hiện nhiều dự án về xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, xây dựng khu đô thị mới…

Thứ tư, chính sách về tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cơ chế tốt để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của thành phố trong tương lai. Trong giai đoạn trước đây, mặc dù Hải Phòng là thành phố phát triển trực thuộc Trung ương, tốc độ phát triển kinh tế cao, nguồn thu lớn song tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức ngang bằng với các địa phương có nguồn thu thấp hơn. Đến nay, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15, tiền lương, mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn (tính trung bình, mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hải Phòng đã tăng thêm khoảng 64% so với khi chưa có Nghị quyết số 35/2021/QH15). Trong 04 địa phương được Quốc hội đồng ý cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng là địa phương thứ 2 (sau Thành phố Hồ Chí Minh), Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết để thực hiện chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, với tổng kinh phí thực hiện trong 05 năm (2022-2026) của thành phố Hải Phòng với dự kiến là 7.900 tỷ đồng.

Một số kiến nghị, đề xuất

Qua thời gian thực hiện, Quốc hội cho phép các địa phương đã ban hành các nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù để phát triển được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đang được thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù rà soát, đánh giá những chính sách thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực để đề xuất cho phép nhân rộng, áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố khác nhằm phát huy hiệu quả tối đa của các chính sách đã thực hiện thí điểm.

Phạm Liên

                                                                     Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng

 

 

[1] Các Nghị quyết: số 03/NQ-HĐND ngày 12/4/2022; số 18/NQ-HĐND ngày 18/7/2023.

[2] Các Nghị quyết: số 22/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 về nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới huyện Thuỷ Nguyên; số 21/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

[3] Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành các Nghị quyết về sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2021, 2022.

[4] Các Nghị quyết: số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021; số 02/2023/NQ-HĐND ngày 18/7/2023.

[5] Các Nghị quyết: số 31/NQ-HĐND ngày 20/7/2022; số 43/NQ-HĐND ngày 29/8/2022; số 81/NQ-HĐND ngày 09/12/2022; số 25/NQ-HĐND ngày 18/7/2023; số 48/NQ-HĐND ngày 08/12/2023.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn