Thực hiện chuyển đổi mô hình Phòng công chứng (PCC) thành Văn phòng công chứng (VPCC) từ năm 2021, đến nay, cơ bản 5 PCC trên địa bàn thành phố đều hoàn thành chuyển đổi. Hải Phòng trở thành một trong số ít các địa phương không còn mô hình PCC nhà nước.
Chuyển đổi là cần thiết
Từ khi Luật Công chứng có hiệu lực, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, góp phần thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu tư ngân sách và nguồn lực nhà nước cho hoạt động của các PCC, Sở Tư pháp tham mưu với UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 21/4/2020 về việc thực hiện chuyển đổi PCC thành VPCC trên địa bàn thành phố. Theo đó, các PCC hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp sẽ chuyển sang mô hình VPCC, bảo đảm sau khi chuyển đổi thành các VPCC hoạt động hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu công chứng tại địa phương.
Thực hiện chuyển đổi mô hình đầu tiên tại thành phố từ tháng 4-2021, PCC số 3 nay là VPCC Nguyễn Nhật Quang đã hoạt động ổn định. Trưởng VPCC Nguyễn Nhật Quang, Công chứng viên Nguyễn Nhật Quang bày tỏ: Hoạt động theo mô hình PCC có nhiều bất lợi cho sự cạnh tranh giữa hệ thống công chứng nhà nước và công chứng tư nhân. Bởi vậy, PCC số 3 đi đầu chuyển đổi thành VPCC để phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, người dân.
Từ thực tế nêu trên, năm 2023, các PCC còn lại thuộc Sở Tư pháp lần lượt chuyển đổi mô hình hoạt động, trong đó, PCC số 4, do không đủ điều kiện về nhân sự nên UBND thành phố có quyết định giải thể, chuyển toàn bộ công chứng viên, người lao động của đơn vị về PCC số 1. Đến ngày, 6-7-2023, PCC số 1 hoàn tất thủ tục chuyển đổi thành VPCC Đoàn Thiên Lý theo Quyết định số 1929/QĐ-UBND của UBND thành phố. Tiếp đó, PCC số 2 cũng chuyển thành VPCC Đoàn Như Vui tại Quyết định số 3193/QĐ-UBND ngày 12-10-2023 của UBND thành phố. PCC nhà nước cuối cùng là PCC số 5 được UBND thành phố phê duyệt đề án chuyển đổi vào ngày 27-11-2023, hiện đang hoàn thành các thủ tục, chuyển thành VPCC Nguyễn Thị Ngọc Bích, hoàn tất đề án chuyển đổi PCC thành VPCC của thành phố theo đúng lộ trình.
Chuyên nghiệp hơn hoạt động công chứng
Tính đến hết năm 2023, sau khi hoàn tất chuyển đổi PCC thành VPCC, toàn thành phố có 39 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) với 90 công chứng viên. Theo Công chứng viên Đoàn Như Vui, Trưởng VPCC Đoàn Như Vui (nguyên Trưởng PCC số 2) cho biết: Việc chuyển đổi PCC số 2 thành VPCC Đoàn Như Vui có nhiều thuận lợi do quan tâm, ủng hộ của UBND thành phố, Sở Tư pháp, sự thống nhất của các ngành có liên quan, nhất là toàn bộ đội ngũ công chứng viên, nhân viên của phòng, được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ theo đúng quy định của Luật Công chứng.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng nói chung trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Quyết cho biết: Hoạt động công chứng trong thời gian qua đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bảo đảm an toàn pháp lý các hợp đồng, giao dịch; đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc chuyển đổi PCC thành VPCC là phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, các quy định của pháp luật và thực tiễn của thành phố Hải Phòng, tăng tính cạnh tranh bình đẳng giữa các TCHNCC.
Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động của các TCHNCC, phối hợp mở thêm các lớp tập huấn nghiệp vụ cho công chứng viên. Sở Tư pháp cũng yêu cầu các TCHNCC thực hiện nghiêm Luật Công chứng 2014.
Đồng thời, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các TCHNCC để tăng cường quản lý, hướng dẫn hoạt động và chấn chỉnh các sai phạm nếu có.