TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/03/2023 10:08

Hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng năm 2023

Ngày 06/3/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng năm 2023.

Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Công tác thông tin, tuyên truyền:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, yêu cầu hội nhập quốc tế, các cơ hội và thách thức, nhiệm vụ trọng tâm khi tham gia các FTA thế hệ mới trong từng ngành, từng lĩnh vực gắn với định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu của thành phố (Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại) nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối về hội nhập quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mở rộng trọng tâm từ nội dung tuyên truyền phổ biến sang hướng dẫn thực thi các nội dung cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

- Chủ động cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố; đa dạng hóa nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hải Phòng tới đối tác và bạn bè quốc tế...

2. Hoàn thiện thể chế, bộ máy tổ chức; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế

Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện; cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố. Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với xu thế và tình hình thay đổi của giao thương quốc tế cho các cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh hoạt động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực thi công vụ, lý luận chính trị, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin... cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có…

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hội nhập quốc tế

 Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 04/6/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết và quy hoạch khác. Tăng cường rà soát, quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn các quận, huyện, bảo đảm nhu cầu tái định cư phục vụ triển khai các dự án hạ tầng, phát triển đô thị tại các địa phương. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội.

4. Hội nhập quốc tế về kinh tế

Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp phương pháp xúc tiến (thích ứng và chủ động); thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố; chủ động tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh từ nhà đầu tư. Thực hiện có hiệu quả các biệp pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA của thành phố (FTA Index). Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại quốc tế; các Văn phòng đại diện nước ngoài để có thông tin tiếp cận nhà đầu tư - thương mại - du lịch; tổ chức, tham gia các đoàn công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch nhằm nắm bắt cơ hội, củng cố thị trường truyền thống và khai thác thị trường tiềm năng...

 Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch tập trung vào công nghiệp điện gió ngoài khơi, điện rác.

Tiếp tục triển khai thực hiện các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển dịch vụ logistics. Thực hiện các nhiệm vụ Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics: “Số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu Logistics thành phố Hải Phòng”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics.  Phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, cây trồng cạn, vùng sản xuất công nghệ cao. Phát triển hệ thống cảng cá, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá kết hợp với cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến thủy sản. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch thông qua các nền tảng số theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế; tham gia quảng bá du lịch Hải Phòng tại các hội chợ, sự kiện du lịch quy mô quốc tế…

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 gắn với nâng cao chất lượng tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen; Ưu tiên tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; triển khai hiệu quả các Chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước; Tăng cường thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành ngân hàng.

5. Hội nhập quốc tế về đối ngoại

Tiếp tục củng cố niềm tin chiến lược, cốt lõi với bạn bè và đối tác quốc tế, chú trọng các đối tác đến từ các quốc gia, khu vực, cộng đồng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN; phát triển quan hệ đối tác đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trong các lĩnh vực; xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác, trước hết là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng thông qua các hoạt động, hợp tác phi chính phủ nước ngoài, hợp tác phát triển, kết nối kinh tế - thương mại, xúc tiến du lịch - đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Đa dạng hóa các kênh thông tin đối ngoại, đổi mới nội dung, phương pháp, mở rộng đối tượng tiếp cận thông qua việc đa dạng các ngôn ngữ. Triển khai các hoạt động giao lưu - văn hóa kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam, thành phố với các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương trên thế giới; triển khai tuyên truyền, vận động trong và ngoài nước đối với đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Làm tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Hải Phòng ở nước ngoài nói riêng tham gia đóng góp phục vụ phát triển thành phố.

Tiếp tục tăng cường kết nối thông qua hình thức trực tuyến và không trực tuyến với các tổ chức, diễn đàn quốc tế có quan hệ hợp tác với thành phố (Tổ chức xúc tiến du lịch (TPO), Mạng lưới Vùng các chính quyền địa phương về quản lý sự định cư của con người (CityNet), Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW)... Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là các di tích được xếp hạng các cấp, các di sản văn hóa phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của thành phố. 

Thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương và thành phố về ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các cơ chế, chính sách của thành phố hỗ trợ giảm nghèo; tiếp tục triển khai Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 12/11/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đạt hệ thống chi tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2023 do Chính phủ giao nhằm mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội. - Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia nhằm đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Triển khai áp dụng các tiêu chí trong khung trình độ quốc gia và khung năng lực ngoại ngữ tương ứng với khung trình độ tham chiếu ASEAN và khung tham chiếu châu Âu trong dạy và học. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển y tế chuyên sâu; tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; chăm sóc tốt sức khỏe người cao tuổi. Tiếp tục phát triển mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng; tăng cường công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm. Xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đối tượng mua nhà hoặc thuê nhà ở xã hội; phát triển cơ sở lưu trú trong các khu công nghiệp để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân, người lao động. Phát triển toàn diện các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2021 - 2030”…

7. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh

Chủ động làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược; nắm bắt, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách và xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, biên giới, biển đảo, an ninh chính trị; giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có chọn lọc để đảm bảo an ninh quốc phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình địa bàn, không để bất ngờ xảy ra. Tổ chức lực lượng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, tăng cường tuần tra vũ trang, kiểm tra hành chính tại các điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử… Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới vùng biển, đảo; tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thực hiện có hiệu quả đề án phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025.

8. Xây dựng và triển khai tổ chức các hoạt động liên đến quan thuận lợi thương mại trên địa bàn thành phố

Tăng cường các hoạt động phối kết hợp giữa Hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, chia sẻ thông tin để thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố; Tăng cường đối thoại, quan hệ đối tác giữa Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan. Xác định những vấn đề vướng mắc trong quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu cần có sự chỉ đạo tháo gỡ từ Ủy ban nhân dân thành phố hoặc đề xuất với Trung ương tìm hướng giải quyết.  Đề xuất các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại có thể áp dụng trong phạm vi thành phố nhằm cải thiện quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp liên quan đến các quy định của Hiệp định: Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); các quy định về kiểm tra chuyên ngành, quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại thông qua hội thảo, tập huấn và truyền thông. Điều phối và theo dõi: các sáng kiến tạo thuận lợi thương mại đã được thông qua áp dụng tại thành phố; việc áp dụng các biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quy trình, thủ tục xuất nhập khẩu theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Trung ương.

9. Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ theo Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao nhận thức, năng lực về phòng vệ thương mại của các Sở, ngành, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý…

Ngọc Châu

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn