TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 15/11/2021 08:44

Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc

 Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa (48%) lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam ở mức cao - khoảng 72%, cao hơn đáng kể so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (61%) và thế giới (50%). Phụ nữ cần được hỗ trợ khi họ đang cùng lúc phải thực hiện cả hai vai trò công việc và chăm sóc con. Đặc biệt, giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới hai tuổi, lao động nữ cần các chính sách và biện pháp hỗ trợ thiết thực của nhà nước, cơ sở y tế, nơi làm việc, gia đình và cộng đồng để chăm sóc sức khỏe thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng giúp người mẹ có điều kiện tốt hơn để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chăm sóc con tốt hơn. Việc thực hiện tốt các chính sách và can thiệp hỗ trợ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (tăng từ 19% năm 2010 lên 45% năm 2020). Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến hai tuổi vẫn còn thấp, chỉ ở mức 26% (năm 2020). Một trong những nguyên nhân là do lao động nữ chưa được hỗ trợ tại nơi làm việc để duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Các hỗ trợ này bao gồm việc tạo điều kiện của người sử dụng lao động, sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn trong việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa và bố trí thời gian để lao động nữ được vắt, trữ sữa tại nơi làm việc. Việc quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, đặc biệt là lắp đặt phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp, có thể giúp lao động nữ tập trung và tăng cường hiệu quả công việc, tạo ra lực lượng lao động ổn định cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để kịp thời hướng dẫn thiết lập và vận hành phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, ngày 09/11/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn thiết lập và vận hành phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc ban hành kèm theo Quyết định số  5175/QĐ-BYT. Theo đó:

Về vị trí để lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ

Phòng vắt, trữ sữa mẹ phải đảm bảo cách nơi làm việc của đa số lao động nữ không quá 10 phút đi bộ. Lắp đặt tại nơi sạch sẽ, vệ sinh, dễ tiếp cận, có thông khí tốt, không có tiếng ồn lớn hoặc các mối nguy hiểm khác tại nơi làm việc, gần hoặc có nguồn nước sạch để rửa tay và vệ sinh dụng cụ hút, trữ sữa. Cần tham vấn ý kiến lao động nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và cán bộ công đoàn để lựa chọn vị trí phù hợp. Tất cả lao động nữ cần được thông báo về vị trí của phòng vắt, trữ sữa mẹ.

Có thể xem xét cải tạo phòng vắt, trữ sữa từ những vị trí như: một phần phòng y tế, phần không gian không sử dụng của văn phòng, một phần của nhà kho được cải tạo thoáng khí, sửa lại một không gian hiện đang không được sử dụng hiệu quả hoặc ngăn cách một góc của một phòng có sẵn bằng tường xây hoặc vách ngăn di động

Số lượng phòng vắt, trữ sữa mẹ

Đối với những nơi làm việc mà có dưới 100 lao động nữ thì tối thiếu phải có 01 phòng vắt, trữ sữa. Đối với những nơi làm việc mà có từ 100 đến dưới 500 lao động nữ thì tối thiếu phải có 02 phòng vắt, trữ sữa. Đối với những nơi làm việc mà có từ 500 đến dưới 1000 lao động nữ thì tối thiếu phải có 03 phòng vắt, trữ sữa. Đối với những nơi làm việc có từ 1000 lao động nữ trở lên thì tối thiếu phải có 04 phòng vắt, trữ sữa và phải đảm bảo trung bình 300 lao động nữ/phòng. Tuy nhiên, tùy vào khả năng của người sử dụng lao động, số lượng phòng vắt, trữ sữa mẹ có thể nhiều hơn quy định.

Tiêu chí của phòng vắt, trữ sữa mẹ

Phòng vắt, trữ sữa cơ bản phải có diện tích đủ rộng khoảng 6m2 để kê được bàn ghế và 01 tủ lạnh. Nếu để tủ lạnh ở bên ngoài, đảm bảo diện tích phòng tối thiểu 1,2m x 1,5m, đủ cho 1-2 lao động nữ sử dụng một lúc, về trang thiết bị, có biển tên, được che chắn đảm bảo riêng tư và kín đáo, có ổ điện, có quạt, có đèn chiếu sáng, có tủ mát riêng, có ghế ngồi. Tùy vào khả năng của người sử dụng lao động, người lao động có thể trang bị thêm bồn để rửa tay và vệ sinh dụng cụ hút, trữ sữa trong phòng, có bàn/tủ để đặt hoặc cất máy vắt sữa. Có tủ hoặc móc treo đồ cho lao động nữ khi vào vắt sữa, cung cấp máy vắt sữa bằng tay hoặc bằng điện…

Truyền thông và tập huấn về việc thiết lập và vận hành phòng vắt, trữ sữa mẹ

Người sử dụng lao động phối hợp với Công đoàn, các đơn vị y tế và các tổ chức có liên quan thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc cho lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ; cách vắt, trữ và bảo quản sữa mẹ hiệu quả, cách duy trì và tăng tạo sữa; vị trí phòng vắt, trữ sữa mẹ tại đơn vị; cách vệ sinh dụng cụ vắt, trữ sữa. Tập huấn về việc triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ cho cán bộ nhân sự, phòng y tế, công đoàn và các cán bộ khác liên quan của đơn vị.

Sắp xếp lịch sử dụng phòng vắt, trữ sữa mẹ và lao động thay thế khi lao động nữ nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ

Đơn vị bố trí thời gian cho lao động nữ nghỉ luân phiên để vắt sữa. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, đơn vị bố trí thời gian sao cho không ảnh hưởng đến việc sản xuất; phù hợp với công suất sử dụng của phòng vắt, trữ sữa mẹ, tránh quá tải; phù hợp với nhu cầu sinh học của lao động nữ trong việc vắt sữa.

Giám sát, đánh giá và thu thập phản hồi người lao động

 Bộ phận chức năng liên quan của đơn vị tổ chức giám sát định kỳ và đột xuất việc sử dụng và phản hồi của người sử dụng về sự hợp lý của tần suất sử dụng, tính sẵn có và tình trạng sử dụng của các trang thiết bị. Đề xuất với lãnh đạo đơn vị các giải pháp để cải thiện những khó khăn, bất cập trong quá trình sử dụng nếu có.

Mai Sang

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn