TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2022 14:19

BẢO HIỂM BỆNH NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh mang tính chất đặc trưng nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp, do tác hại thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu. Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp chủ yếu là do vệ sinh lao động không đảm bảo hoặc do các nguồn độc hại trong môi trường làm việc gây ra, hậu quả của nó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động hoặc tử vong. Vì vậy, người sử dụng lao động luôn luôn phải có trách nhiệm ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp; trả các chi phí cấp cứu, điều trị và tiền lương trong thời gian điều trị, bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Trong những năm gần đây, do thường xuyên phải tiếp xúc lâu dài với điều kiện lao động không tốt như khói, bụi, chất độc, tiếng ồn,… nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp của người lao động ngày một gia tăng. Trong bối cảnh đó, các quy định về bảo hiểm được coi  là một trong những giải pháp mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân, tương ái nhằm chia sẻ rủi ro giữa người có sức khỏe với người bị bệnh. Đồng thời, bảo hiểm cũng  là công cụ giúp Nhà nước điều tiết xã hội, đảm bảo sự công bằng, tiến bộ và phát triển xã hội bền vững. Do đó, việc ban hành và thực hiện các quy định về việc làm, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là mối quan tâm lớn của đa số người lao động.

Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc đã nhiều chính sách mới theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọiBảo hiểm bệnh nghề nghiệp cho người lao động” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết về vấn đề trên.

I. Nhân vật

Bà Viên: Bạn bà Đại

Bà Đại: Người vợ

Chị Thái: Con bà Viên

Ông Tài: lái tàu

Anh Thìn: Bác sỹ

II. Nội dung tiểu phẩm

Chị Thái vừa bê mâm cơm tối ra cho cả nhà thì nhận được điện thoại của mẹ đẻ là bà Viên.

Bà Viên: Tối nay con có rỗi thì đưa mẹ ra bệnh viện một tý nhé!

Chị Thái: Mẹ bị làm sao? Mẹ đau ở đâu à?

Chị Thái sốt sắng hỏi, chị sợ nhất là sức khỏe của mẹ có vấn đề gì

Bà Viên: Mẹ không làm sao cả. Đưa mẹ vào bệnh viện thăm chồng cô Đại. Bố con tối nay lại có cuộc họp ở tổ dân phố không đi được.

Chị Thái: Vâng, nhà con đang ăn cơm. Mẹ đợi chút tí con sang rồi chở mẹ đi.

Cô Đại là bạn cùng quê với mẹ chị Thái, hai bà lấy chồng về cùng khu phố này thành ra thân lại thêm thân. Hai mẹ con đèo nhau đi trên đường ra bệnh viện, chị Thái hỏi.

Chị Thái: Chú Tài bị làm sao mà phải đi viện hả mẹ?

Bà Viên: Nào mẹ có biết đâu. Hôm nay qua nhà chơi, thấy con trai cô ấy ấy nói mới biết. Mong là chú ấy bệnh không nặng. Con chở mẹ đi quá lên cổng viện một tý, mẹ mua ít hoa quả cho chú ấy.

Chị Thái: Vâng.

Trong phòng bệnh viện

Bà Viên: Chú Tài nằm viện mà cô không cho tôi biết, thành ra bây giờ mới đến thăm chú đây.

Bà Đại: Thực ra chồng em bệnh cũng không phải là nặng, nên em không cho chị biết.

Bà Viên: Cô nói hay nhỉ, nằm viện mà cô bảo không nặng. Thế chú Tài bị làm sao?

Bà Đại: Thôi thì đủ cả chị ạ. Tai thì điếc, mắt thì mờ, suy nhược thần kinh... Chị em mình nói nãy giờ chưa chắc ông ấy đã nghe thấy gì?

Nhìn vẻ mặt của ông Tài, bà Viên cũng nghĩ ông không nghe được lời mình vừa hỏi là thật. Thấy bà nhìn mình thì nói:

Ông Tài: Chị đến chơi. Em cũng chả biết bị bệnh gì mà phải nằm đây theo dõi mấy ngày rồi.

Bà Viên: Vâng, chú cứ nghỉ ngơi đi. Quay ra hỏi bà Đại: Bác sỹ bảo sao hả cô?

Bà Đại: Đang nghi ngờ là bệnh nghề nghiệp chị ạ.

Bà Viên: Lái tàu hỏa thì có bệnh nghề nghiệp gì chứ?

Bà Đại: Chị không biết chứ lái tàu hỏa như chồng em vất vả lắm. Trông tưởng thì dễ, nhưng không có sức khỏe và thần kinh thép thì không làm được đâu. Bệnh nghề nghiệp của lái tàu thường gặp là bệnh về tai rồi về mắt....

Bà Viên: Lái tàu thì tai, mắt bị làm sao?

Bà Đại: Lái tàu trên đầu máy rất ồn, thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn ấy thì ù tai, rồi lâu dần sẽ bị điếc. Mắt thì thường xuyên phải nhìn vào đèn pha, ánh sáng mạnh nên lâu dần sẽ bị mờ. Rồi tay phải khỏe để bẻ ghi, bẻ lái không cẩn thận là gẫy tay như chơi ấy. Khi lái tàu thần kinh căng thẳng, dễ bị suy nhược thần kinh lắm chị.

Bà Viên: Tôi không hiểu lắm, lái xe ô tô thì căng thẳng vì đường đi đông, lái tàu một mình một đường cũng không căng thẳng đến mức suy nhược thần kinh chứ.

Bà Đại: Nói là một mình một đường, nhưng quy định phải cho tàu chạy đúng giờ. Không đúng giờ cả kíp bị trừ lương đấy chị. Vì nó ảnh hưởng đến bao nhiêu con người, rồi hàng hóa trên tàu nữa.

Bà Viên: Ừ, nghe cô nói tôi thấy cũng nguy hiểm thật đấy.

Bà Đại tiếp tục câu chuyện: Chưa kể những người vượt rào chắn đường tàu, hay qua đường tàu mà không quan sát. Đồng nghiệp chồng em lái tàu một lần tàu bị tai nạn, dù lỗi do người tham gia giao thông gây ra, nhưng cũng bị ám ảnh đến bỏ nghề đấy chị. Như thế không căng thẳng sao được.

Bà Viên: Đúng đúng, nhiều vụ bị tàu đâm vì qua đường không quan sát, hoặc cố tình vượt qua rào chắn. Như thế là họ tự coi thường mạng sống chính mình.

Bà Đại: Mà chị biết nếu va chạm với tàu hỏa thì khó sống lắm, dù là một mình một đường nhưng tàu đang đi với vận tốc lớn, nếu có phanh cũng không kịp được.

Bà Viên: Mà này, bệnh nghề nghiệp như của chú Tài thì có được hưởng chế độ gì không, cô đã tìm hiểu chưa?

Bà Đại: Em cũng không rõ, vì chồng em về hưu sớm rồi. Bác sỹ cũng nói nếu đúng là bệnh nghề nghiệp thì được hưởng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp. Để mai bác sỹ đến khám em hỏi thêm xem. Nếu được bảo hiểm thì đỡ được bao nhiêu. Chứ mà khám xét, chiếu chụp cũng tốn nhiều tiền lắm chị ạ.

Bà Viên: Ừ thôi, biết là tốn kém, nhưng khám ra bệnh là còn mừng ấy, vì còn biết mà chữa. Khám không ra bệnh mới lo. Mà chú ấy lái tàu cũng hơn 20 năm ấy nhỉ?

Bà Đại: Vâng. Chồng em từ lái phụ lên được lái chính cũng mất 9 năm trời đấy chị. Nhưng đúng là sức khỏe giảm sút hơn người khác nhiều.

Chị Thái từ bên ngoài đi vào: Bệnh nghề nghiệp là sao hả cô?

Bà Đại: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.  Như cháu làm trong nhà máy hóa chất, phải tiếp xúc với nhiều chất độc hại, khói bụi làm cho cháu bị nổi mụn nhọt hay bị lao phổi chẳng hạn. Những ngành nghề độc hại, nguy hiểm thì phải đóng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp. Khi mình bị bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp.

Chị Thái: Nghề lái tàu là nghề nguy hiểm thì như cô nói cháu có thể hiểu. Nhưng nó cũng độc hại ạ?

Bà Đại: Cũng vì mưu sinh mà phải làm thôi cháu, chứ nó là một nghề độc hại nguy hiểm. Có lần chú đưa cô xem một danh sách các nghề độc hại, nguy hiểm. Như lái tàu là thường xuyên lưu động trên tàu, căng thẳng thần kinh, ảnh hưởng tiếng ồn của đầu máy, chưa kể mùi xăng dầu.

Chị Thái: Vậy là ngày trước chú đóng bảo hiểm đó rồi ạ.

Bà Đại: Là cơ quan đóng cho chú trên cơ sở hệ số lương. Là 1% tiền lương hàng tháng của người lao động.

Chị Thái: Thế về hưu là không được nữa ạ.

Bà Đại: Cô cũng không biết, vì nghĩ lúc đi làm bị thì mới được hưởng chứ      về hưu rồi, có đi làm nữa đâu.

Nói chuyện một lúc thì mẹ con bà Viên cáo từ vợ chồng cô Đại ra về. Sáng hôm sau, ông Tài được bác sỹ chỉ định cho đi khám tim, phổi.

Bà Đại: Bác sỹ ơi, ông nhà tôi có phải bị bệnh nghề nghiệp không?

Anh Thìn: Ngày mai mới có kết quả chính thức bác ạ.

Bà Đại: Tôi không biết nên muốn hỏi bác sỹ, chồng tôi về hưu rồi, vậy ông ấy có được hưởng chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp không?

Anh Thìn: Có chứ bác. Chế độ hỗ trợ cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Bà Đại vui mừng: Chế độ ấy như thế nào hả bác sỹ. Bác sỹ có biết  không?

Anh Thìn: Chúng cháu ở đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân như bác trai nhà mình nên tất nhiên là nắm rõ việc này. Để cháu nói bác nghe:

“1. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp do các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm việc gây nên thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc gửi bản sao hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (có bản chính để đối chiếu). Sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế;

b) Người lao động đã chuyển làm công việc khác gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của người lao động;

c) Sau khi có hồ sơ bệnh nghề nghiệp, người lao động chủ động đi khám hoặc đề nghị đơn vị nơi người lao động đã từng làm việc hoặc đang làm việc giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động”.

...

4. Người lao động được hưởng các chế độ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong khoảng thời gian bảo đảm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm nghề, công việc gây ra bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a khoản này;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp, đối với các trường hợp xem xét hưởng chế độ theo quy định”.

Bà Đại: Thế cụ thể là được hưởng bao nhiêu tiền vậy bác sỹ?

Anh Thìn: Không có con số cụ thể bác ạ. Vì nó tùy vào chi phí khám của từng bệnh. Theo quy định thì người bị bệnh nghề nghiệp mà đã về hưu như bác trai sẽ được được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp chi trả các chi phí: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Bà Đại: Thế bên bảo hiểm người ta chi trả cho hết hả bác sỹ?

Anh Thìn: Đúng rồi bác. Bảo hiểm bệnh nghề nghiệp là để phòng khi có bệnh nghề nghiệp mà. Như bác trai hiện nay sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Nhà nước quy định tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp.

 Bà Đại: Chi phí chữa bệnh thì sao hả bác sỹ?

Anh Thìn: Quỹ cũng hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp do nhà nước quy định tại thời điểm người lao động đi khám bệnh nghề nghiệp. Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định:

“3. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo quy định được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:

a) Các chế độ theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

b) Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần;

c) Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần”.

Bà Đại: Thế lần nào đi khám, chữa cũng được hỗ trợ như thế à?

Anh Thìn: Không bác ạ. Lần nào đi cũng được hỗ trợ thì tiền nhà nước lấy đâu ra. Nó cũng có mức của nó thôi. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động bị bệnh nghề nghiệp là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Bà Đại: Vâng, như vậy cũng đã là quá tốt cho người lao động và người nhà chúng tôi rồi bác sỹ ạ!

Anh Thìn: Mà bác phải nhớ là mức hỗ trợ phải trừ đi khoản bảo hiểm y tế đã chi trả nhé. Không đến lúc nhận được hỗ trợ lại kêu thiếu.

Bà Đại: Tức là sao hả bác sỹ.

Anh Thìn: Hỗ trợ thì chỉ một lần thôi bác ạ! Nhưng vì bác trai có bảo hiểm y tế nên khi khám cũng được bảo hiểm y tế chi trả một số chi phí rồi. Nên số tiền hỗ trợ phải trừ đi khoản bảo hiểm y tế đã chi trả. Nếu không thành hỗ trợ hai lần bác ạ.

Bà Đại: Tôi hiểu rồi. Nhưng làm sao để ông nhà tôi được hưởng những chế độ như bác sỹ nói. Có phải làm đơn hay giấy tờ gì không? Hay cứ xác định bệnh nghệ nghiệp là được hưởng chế độ.

Anh Thìn: Bác phải làm hồ sơ. Cũng nhiều giấy tờ đấy ạ, nhưng là quy định chung, nên bác chịu khó vậy.

Bà Đại: Có những giấy tờ gì cần anh bảo tôi, để tôi về bảo bọn trẻ ở nhà làm. Chứ tôi ở đây chăm ông ấy, không chạy đi chạy lại được. 

Anh Thìn: Hồ sơ để được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp có mấy giấy tờ như này. Cháu nói qua cho bác nghe nhé:

“Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm có:

a) Đơn đề nghị hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo Mẫu số 01 tại Phụ lục của Nghị định này đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc; hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, đối với trường hợp người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;

b) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

Hồ sơ để được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp gồm có:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp của người lao động theo Mẫu số 02 tại Phụ lục của Nghị định này đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc; hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc theo quy định đối với trường hợp người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;

b) Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 22 của Nghị định này;

c) Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp;

d) Bản chính chứng từ thanh toán các chi phí khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Trình tự giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp

a) Trường hợp có đủ hồ sơ quy định, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội, để giải quyết hưởng chế độ theo đúng thời hạn quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động;

b) Trường hợp có đủ hồ sơ quy định, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết hỗ trợ theo trình tự quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 và khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Nghị định này.

Thời điểm hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa”.

Anh Thìn: Luật pháp quy định như vậy, bây giờ cháu ghi ra giấy cho bác dễ chuẩn bị hồ sơ nhé.

Bà Đại: Thế thì tốt quá, bác cám ơn cháu.

Anh Thìn: Đầu tiên là đơn đề nghị hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp của người lao động theo Mẫu dành cho người lao động đã nghỉ hưu. Mẫu này bảo con bác tra trên mạng là có.

Thứ hai là Bản sao có chứng thực hồ sơ bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp hoặc bản sao có chứng thực hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Cái này là bệnh viện cung cấp. Để có văn bản này, nhà bác phải làm hồ sơ sức khỏe cá nhân gửi đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp, gửi bản sao thôi, bản chính thì mang đến để đối chiếu. Sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp sẽ có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định.

Thứ ba là bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; Cuối cùng là bản chính chứng từ thanh toán các chi phí khám, điều trị bệnh nghề nghiệp tức là hóa đơn viện phí đấy.

Bà Đại: Thế khi chuẩn bị hồ sơ xong rồi thì bác sẽ nộp ở đâu hả cháu?

Anh Thìn: Như nhà bác đề nghị hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp thì là nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội họ sẽ giải quyết hỗ trợ.

Bà Đại: Cám ơn bác sỹ nhiều lắm!

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn