TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2022 14:16

​​​​​​​THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, số lượng doanh nghiệp những năm gần đây ngày một gia tăng nhanh chóng. Cùng với đó, các vấn đề về điều kiện gia nhập thị trường, quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp… cũng nhận được rất nhiều nhất sự quan tâm của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những bước thay đổi hoàn thiện hơn so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, tạo ra những thay đổi lớn tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc tạo nên khung pháp lý chuẩn mực, tạo điều kiện mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế thế giới. Tiểu phẩm dưới đây với tên gọi “Thành lập doanh nghiệp” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết.

I. Nhân vật

- Ông Anh

- Nam: Con trai ông Anh

- Luật sư Kiên

II. Nội dung tiểu phẩm

Gia đình ông Anh sản xuất và buôn bán các mặt hàng đồ gia dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt nhỏ lẻ. Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tăng mạnh, Nam con trai ông Anh có ý tưởng muốn đưa các mặt hàng sản xuất của gia đình ra thị trường nước ngoài. Nam muốn cùng vài người bạn của mình thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn NP nhằm thực hiện kế hoạch kinh doanh này.

Trong một lần uống café, các bạn của Nam cho biết họ đang băn khoăn vì Luật Doanh nghiệp năm 2020 có một số quy định mới về doanh nghiệp. Để giải đáp thắc mắc của mình, Nam tìm đến người em họ của mình hiện đang làm luật sư nhờ tư vấn.

Luật sư Kiên: Vừa rót nước, Luật sư Kiên vừa hỏi:

Không biết hôm nay anh đến, đúng là rồng đến nhà tôm, lâu rồi không gặp anh? Chắc có việc muốn nhờ em tư vấn chứ gì?

Nam: Đúng là có việc đến tìm em nhờ em giúp đây!

Vừa đưa chén nước cho Nam, Luật sư Kiên liền nói:

Luật sư Kiên: Cũng phải, dạo này em bận quá, thế hai bác có khỏe không anh? Việc kinh doanh của gia đình mình vẫn ổn chứ? Mà em thấy hàng hóa nhà mình sản xuất được đấy. Em nghĩ anh nên mở công ty đi, sau này mình còn nhiều cái lợi anh ạ.

  Vừa nhận chén nước Nam vừa nói:

Nam: Thì hôm nay anh đến tìm em cũng là về việc này đây.

Anh cùng với mấy người bạn cùng chung nhau mở công ty để mở rộng việc sản xuất kinh doanh. Hiện nay bọn anh đang chuẩn bị làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Mấy hôm trước ngồi với nhau, bạn anh nói Luật Doanh nghiệp năm 2020 có một số thay đổi, không biết việc anh làm thủ tục thành lập doanh nghiệp có khó khăn gì không?

  Sau khi nghe câu hỏi của Nam, Luật sư Kiên liền nói:

Luật sư Kiên: Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

  Về quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp thì cơ bản không thay đổi gì:

  Theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định quyền của doanh nghiệp như sau: được tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp; Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật; Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; Quyền khác theo quy định của pháp luật.

  Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ sau: Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh; Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác; Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó; Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

  Như vậy, về cơ bản khi thành lập doanh nghiệp thì anh phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo những gì em đã nói ở trên.

Nam: Theo anh được biết, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thêm một số điểm mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Anh nhớ hình như là bổ sung một số đối tượng không được thành lập doanh nghiệp.

Anh muốn biết liệu mình có nằm trong số các trường hợp đó không?

Luật sư Kiên: So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý  doanh nghiệp.

 Cụ thể khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự”.

Đối chiếu với trường hợp của anh, anh không phải công chức, viên chức, không trong lực lượng vũ trang, không nằm trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước, lý lịch lại hoàn toàn trong sạch nên anh được phép thành lập doanh nghiệp đấy ạ.

Nam: À, như vậy là sau khi nói chuyện với chú, anh cũng nắm được khá nhiều thông tin liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp đây.

Luật sư Kiên: Tiện đây em cũng hỏi anh là anh định thành lập công ty theo loại hình doanh nghiệp nào đây?

Nam: Anh định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, chú xem tư vấn luôn cho anh về thủ tục thành lập nhé.

 Luật sư Kiên: Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Nam: Em giải thích rõ hơn cho anh về loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhé, anh chưa nắm được về loại hình doanh nghiệp này.

Luật sư Kiên: Theo quy định tại Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp theo quy định.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp.

Còn về Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Bên cạnh đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Nam: Anh hiểu rồi. Giờ em hướng dẫn giúp anh hồ sơ thành lập công ty nhé.

Luật sư Kiên: Hồ sơ thành lập công ty được quy định tại Điều 23, 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

- Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm những giấy tờ sau:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nam: Cám ơn em đã dành thời gian để tư vấn cho anh. Đúng là Luật sư có khác, cái gì cũng biết.

Luật sư Kiên: Có gì đâu anh, hôm nào rảnh em về anh em mình làm bữa nhỉ?

Nam:  Anh thì lúc nào chẳng có thời gian, quan trọng là em thôi, có thời gian cứ ới anh nhé. Thôi anh về đây. Có gì không hiểu anh lại đến hỏi tiếp.

Nam chào luật sư Kiên và ra về. Trên đường về, Nam nghĩ rằng đáng lẽ ngay từ đầu mình phải dành thời gian để nghiên cứu các quy định của pháp luật để khỏi lo lắng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn