TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 11/07/2022 09:49

Những điều cần biết về Luật Tiếp công dân

Sáng nay Minh đến thăm dì Hằng vì nghe tin mấy hôm nay dì ốm. Từ xa, cô đã nhìn thấy ngôi nhà quen thuộc, cô lái xe vào ngõ, vào sân một cách thành thục. Lỉnh kỉnh đồ đạc nào sữa nào đường, nào thuốc bổ, trái cây… tay xách nách mang, cô đi vào cổng. Nhà chú - dì hôm nay đông hơn ngày thường, chắc mọi người qua thăm hỏi dì đây mà - cô tự nói với mình.

 

Minh: Cháu chào chú dì ạ! Cháu chào các cô, các bác. Cô vui vẻ chào hỏi.

Dì Hằng: Minh đấy à! Tiếng dì Năm vọng ra. Mẹ con đâu không qua cùng hả con?

Minh: Dạ, mẹ con sang trông cháu cho vợ chồng cái Nga từ tuần trước dì ạ, nghe nói dì mệt nên mẹ bảo con sang thăm dì ạ.

Dì Hằng: Thế à con, vào đây, vào đây! Đây là cái Minh, con gái nhà chị gái tôi, ở xã bên cạnh đấy các bác ạ. Cháu nó mới về nhận công tác tại Phòng Tư pháp huyện mình.

Dì Hằng giới thiệu Minh với mọi người không giấu nổi vẻ tự hào làm Minh thấy bối rối quá.

Minh: Dạ, cháu chào các cô, các bác ạ.

Bác Hòa: Chào cháu! Ngồi vào đây cháu. Toàn người quen cả mà, đừng ngại. Các cô bác đều là hàng xóm ở đây thôi.

Minh: Dạ vâng ạ.

Minh ngồi cạnh dì, nắm tay, hai dì cháu nhỏ to tâm sự. Dì hỏi sức khỏe cả nhà Minh, thấy dì đã khỏe lên nhiều, thế là cô cũng yên tâm.

Bỗng một bác trai nói: Hôm nay nhân tiện có đông đủ các bác quanh xóm ở đây, tôi cũng muốn xin ý kiến mọi người về việc bồi thường giải phòng mặt bằng của mấy hộ gia đình chúng ta trong quyết định của Ủy ban nhân dân huyện. Các bác có ý kiến gì không?

Bác Hòa: Theo như tôi thấy, số tiền bồi thường đối với diện tích đất thu hồi của mấy gia đình chúng ta là chưa thỏa đáng. Chẳng nói đâu xa, hộ ông Quý ở xã bên, năm ngoái cũng bị thu hồi với lý do tương tự như mình, khu đất cũng ngay cạnh mình, mà số tiền bồi thường lớn hơn nhiều. Tôi cho rằng có sai sót trong việc định giá đất, chứ không thì sao có thể chênh lệch nhiều đến vậy.

Bác Mạnh: Đúng vậy, thực sự mấy hôm nay tôi không ăn uống được gì, nghĩ đi nghĩ lại về chuyện này mà không ngủ được.

Dì Hằng: Chúng ta nếu cứ ở đây than thở với nhau cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi nghĩ cần phải gặp người có thẩm quyền để nêu lên ý kiến của chúng ta.

Bác Hòa: Tôi đồng ý với ý kiến của bà Hằng.

Các bác khác đều đồng tình ủng hộ, cần phải gặp người có thẩm quyền để nêu ý kiến của mọi người.

Minh: Dạ, cháu xin lỗi vì xen vào câu chuyện của các bác. Cháu có ý kiến thế này ạ. Nếu các bác thấy quyết định về bồi thường giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân huyện với gia đình mình chưa thỏa đáng, các bác có thể đến trụ sở tiếp công dân của huyện để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh… bày tỏ những thắc mắc, ý kiến, nguyện vọng của mình ạ.

Bác Hòa: Cảm ơn cháu. Vậy trụ sở tiếp công dân là nơi nào cháu nhỉ?

Minh: Dạ, trụ sở tiếp công dân được Luật Tiếp công dân quy định tại Điều 10, theo đó Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên và là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết.

Trụ sở tiếp công dân bao gồm: Trụ sở tiếp công dân ở trung ương; Trụ sở tiếp công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

Tại Trụ sở tiếp công dân sẽ có Ban tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân”.

Bác Mạnh: Như vậy là các bác có thể đến trụ sở tiếp công dân để được tiếp đón cũng như phản ánh những ý kiến của bản thân cháu nhỉ. Một bác trai lên tiếng.

Minh: Dạ, đúng là như vậy ạ. Minh trả lời

Bác Hòa: Thế thì tốt quá rồi, nhưng không biết cán bộ tiếp công dân họ có nghe chúng tôi trình bày không cô nhỉ?

Minh: Dạ thưa bác, việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của công dân là trách nhiệm của người tiếp công dân bác ạ.

Ngoài ra, điều 8 Luật Tiếp công dân 2013 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của người tiếp công dân:

“1. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.

2. Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

3. Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

4. Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

5. Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

6. Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Bác Hòa: Vậy là yên tâm rồi các ông, các bà ạ. Chúng ta có thể đến trụ sở tiếp công dân ở Ủy ban nhân dân huyện, gặp Ban tiếp công dân và sau đó sẽ trình bày những ý kiến của chúng ta để được tiếp nhận giải quyết.

Minh: Dạ vâng ạ. À, sang tuần sau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện mình có lịch tiếp dân vào ngày 15. Cháu nghĩ nếu có thể sắp xếp được thời gian, các bác có thể đến để gặp và trình bày với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì sẽ càng tốt ạ.

Bác Mạnh: Liệu chúng tôi có gặp được Chủ tịch không cô? Ông ấy nhiều việc, liệu có thời gian tiếp chúng tôi không?

Minh: Dạ, việc tiếp công dân đã được quy định tại Luật Tiếp công dân 2013, theo đó, khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.

Bác Mạnh: Cảm ơn thông tin của cháu nhé. Như vậy là chúng ta có cơ hội được gặp Chủ tịch huyện rồi. Mọi người ai nấy đều mừng.

Bác Hòa: Vậy cháu ơi, liệu khiếu nại về việc bồi thường giải phóng mặt bằng có được tiếp nhận không?

Minh: Dạ, quyết định về việc thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng do Ủy ban nhân dân huyện ban hành. Do đó, căn cứ  điểm c khoản 4 Điều 13 Luật Tiếp công dân 2013 thì những nội dung khiếu nại của các bác thuộc phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

Cụ thể là: “Ban tiếp công dân cấp huyện tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp huyện; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, những vấn đề cần báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho ý kiến chỉ đạo; về chủ trương, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không thuộc các nội dung xử lý kiến nghị, phản ánh về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về công tác xây dựng Đảng; xử lý kiến nghị, phản ánh những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Đảng cấp huyện và cấp dưới; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo về những vấn đề liên quan đến kỷ luật Đảng, phẩm chất cán bộ, đảng viên, về sinh hoạt trong nội bộ tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy”.

Bác Hòa: Vậy thì chúng ta yên tâm rồi.

Minh: Tuy nhiên, các bác có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, thì khi đến trụ sở tiếp công dân các bác cần cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại.

Bác Mạnh: À, ra vậy. Thế mà chúng tôi tưởng mỗi người viết một đơn trình bày nguyện vọng của mình.

Minh: Dạ không bác ạ,

Điều 29 Luật Tiếp công dân quy định về việc cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung như sau:

“Khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân (sau đây gọi chung là người đại diện). Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp có từ năm đến mười người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên mười người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá năm người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.

Bác Hòa: Thế hả cháu, như vậy theo ý kiến của tôi, lúc ấy chúng ta sẽ cử bác Mạnh đại diện để trình bày những ý kiến của chúng ta nhé. Bác ấy là người hiểu biết nhiều, lại trình bày rõ ràng mạch lạc. Tôi thấy không ai phù hợp hơn bác ấy.

Đúng đấy, đúng đấy. Anh Mạnh giúp chúng tôi nhé. Mọi người cùng nói.

Bác Mạnh: Cảm ơn các cô bác đã tin tưởng, tôi sẽ cố gắng hết sức. Vì đây cũng là việc của tôi mà.

Minh: Thế tốt quá rồi. Cháu cũng nói qua với các bác về nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo. Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Tiếp công dân như sau:

2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);

b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;

c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;

d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;

đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình”.

Bác Hòa: Vậy, bác hỏi thêm điều này. Khi tiếp nhận xong nội dung khiếu nại rồi, thì bao lâu sẽ được biết về việc xử lý khiếu nại của mình nhỉ?

Minh: Dạ, Điều 28 Luật Tiếp công dân 2013 quy định:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây: Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết; Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo; Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý; Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban tiếp công dân có trách nhiệm thông báo cho người khiếu nại, tố cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trường hợp người đó đã có yêu cầu trước đó”.

Bác Mạnh: Vậy là các bác đã nắm rõ các nội dung liên quan đến việc tiếp công dân rồi. Cám ơn cháu nhiều!

Sau khi nghe Minh giải thích, mọi người ai nấy đều vui mừng. Ai cũng có niềm tin rằng những ý kiến, phản ánh của mình sẽ được các cấp có thẩm quyền lắng nghe và sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý. Minh chào dì và các cô bác rồi ra về. Trong lòng cô vui mừng vì dì của mình đã khỏe. Hơn nữa, cô thấy mình góp phần nhỏ giúp cho những người dân ở vùng quê có thể nắm được những quy định của nhà nước, cô lại càng thêm có niềm tin về nghề nghiệp mình đã chọn.

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn