TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2022 14:17

​​​​​​​HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

  Trong nền kinh tế thị trường, người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động thông qua phương thức tuyển dụng lao động trực tiếp hoặc thuê lại lao động của doanh nghiệp khác. Trong đó, phương thức tuyển dụng trực tiếp thông qua hợp đồng lao động luôn được nhà tuyển dụng ưu tiên hơn cả. Hợp đồng lao động là văn bản chứa đựng những thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động… Việc giao kết hợp đồng lao động tuân thủ đúng quy định của pháp luật luôn là mối quan tâm lớn của người lao động.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định chi tiết hình thức, nội dung, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lao động… theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Hợp đồng lao động” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết về việc ký kết hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

I. Nhân vật

- Bà Minh

- Đức: Con trai bà Minh

- Ông nội Đức

- Linh: Anh họ Đức

- Ông Mạnh: chú họ Đức

II. Nội dung tiểu phẩm

Nhà bà Minh có hoàn cảnh khó khăn nhất xóm, chồng bà mất sớm để lại cho bà 4 đứa con. Bao nhiêu khó khăn, gian khổ cũng không quật ngã được bà, mấy mẹ con chèo chống nuôi nhau rồi cũng đến ngày các con bà khôn lớn.  Đang miên man trong dòng suy nghĩ, bà Minh giật mình nghe tiếng con trai gọi to ngoài ngõ:

Đức: Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ đâu rồi?

Bà Minh đứng dậy bước ra sân xem có việc gì mà thằng Đức gọi to thế, bình thường nó là đứa điềm đạm, có việc gì cũng không nóng vội. Vừa đi nhanh về phía con, bà vừa hỏi:

Bà Minh: Có chuyện gì thế con? Con bị làm sao à?

Đức tươi cười hớn hở vừa ôm lấy mẹ vừa nói:

          Đức: Mẹ! Con sắp được đi làm rồi! Con sắp nuôi được mẹ rồi…

          Như chưa nghe rõ lời con trai nói, bà Minh ngơ ngác:

Bà Minh: Con nói gì cơ? Làm cái gì cơ?

Đức thấy mẹ dường như chưa hiểu lời mình nói liền dìu mẹ vào nhà, rót cho mẹ cốc nước, xong mới từ tốn trình bày:

Đức: Con thi tuyển lao động vào mấy công ty rồi nhưng đều không được. Con không dám nói sợ mẹ buồn. Mấy hôm trước con đến thử việc ở xưởng gia công điện máy Linh Ngọc, hôm nay con đã nhận thông báo chính thức được vào làm việc từ đầu tháng tới rồi. Lương tháng là 6 triệu mẹ ạ.

Bà Minh nhìn con trai cười rạng rỡ mà nước mắt cứ chảy dài. Vậy là bao vất vả, hy sinh của bà đã được đền đáp. Cố gắng vất vả, vượt qua khó khăn cũng không làm bà mất đi quyết tâm cho con học được cái nghề. Đức học xong lớp 12, cũng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, bà không cho con theo học được đại học. Mọi người trong xóm khuyên bà cho Đức đi làm luôn để có tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Nhưng bà không nghe, bà quyết tâm muốn con mình thoát nghèo nên đã cho Đức đi học sửa chữa điện tử. Không phụ tấm lòng người mẹ, Đức đã chính thức có việc làm. Nhìn con bằng ánh mắt tràn ngập yêu thương, bà hỏi:

Bà Minh: Thế hôm nào con chính thức đi làm?

Đức vừa ôm vai mẹ vừa nói:

Đức: Đầu tháng tới mẹ ạ. Chỗ con làm cũng gần nhà mình nên con đi làm cũng thuận tiện, vẫn về ăn cơm mẹ nấu được ạ.

Bà Minh lặng thinh như đang tính toán điều gì. Thấy mẹ im lặng không nói gì, Đức liền hỏi:

          Đức: Mẹ sao thế ạ? Mẹ không vui à?

          Nghe tiếng con hỏi, bà Minh giật mình:

          Bà Minh: À, mẹ đang tính làm mấy mâm cơm mời họ hàng, anh em, bạn bè đến mừng cho con, con thấy thế nào?

          Nghĩ ngợi một lát, Đức trầm giọng nói:

          Đức: Thôi mẹ ạ, con nghĩ không cần đâu. Số tiền liên hoan ấy để cho 3 em con nộp tiền học. Mẹ vất vả nhiều rồi, con đi làm sẽ cố gắng tiết kiệm, tích cóp tiền lương giúp mẹ nuôi các em ăn học, trưởng thành.

          Lén lau nước mắt, bà Minh thầm gọi tên chồng, ông mất sớm để lại cho bà gánh nặng đàn con nhưng may mắn là chúng đều ngoan ngoãn nghe lời bà, yêu thương đùm bọc nhau. Đặc biệt, Đức là anh cả trưởng thành trước tuổi, suy nghĩ khác hẳn những đứa trẻ cùng lứa. Bà hy vọng con cả của bà sẽ là động lực để các em phấn đấu, chồng bà cũng được ngậm cười nơi chín suối. Nghĩ vậy bà Minh liền nói:

          Bà Minh: Con tính cũng phải, thôi thì mẹ con mình mừng cho nhau là được rồi. Mai mẹ bắt con gà sống làm mâm cơm báo với tổ tiên và bố con rồi 5 mẹ con mình liên hoan với nhau mừng con có việc làm nhé !

          Tối hôm ấy, anh em họ hàng biết Đức xin được việc liền rủ nhau đến chúc mừng bà Minh mẹ góa con côi mà biết cách dạy dỗ, nuôi dưỡng con nên người. Mỗi người một câu, ai nấy đều vui vẻ, ngôi nhà nhỏ rộn tiếng cười. Ông nội Đức lên tiếng:

          Ông nội: Mẹ thằng Đức thế là yên tâm một phần rồi. Thằng Đức đã có việc làm, rồi chuẩn bị xem có đám nào ưng ý thì cưới vợ đi thôi để cho ông còn được bế chắt trước khi về với tổ tiên.

          Nghe ông nội nói, Đức xấu hổ mặt đỏ bừng:

          Đức: Cháu còn ít tuổi mà ông, hơn nữa cháu còn phải giúp mẹ nuôi các em, chưa tính đến chuyện lấy vợ đâu ạ. Mà ông còn phải sống tới vài chục năm nữa để chứng kiến chúng cháu trưởng thành chứ ạ.

          Linh là anh họ của Đức, nãy giờ ngồi nghe mọi người nói chuyện, giờ mới lên tiếng:

          Linh: Đức này, thế ông chủ xưởng Linh Ngọc đã ký hợp đồng lao động với em chưa?

          Nghe anh họ hỏi, Đức giật mình quay lại:

          Đức: Sao lại phải ký hợp đồng lao động hả anh? Ông Ngọc nhận em vào làm là được rồi mà.

          Thấy nói đến ký kết gì đó, ông Mạnh là chú ruột của Đức cũng lên tiếng:

          Ông Mạnh: Xưởng của ông Ngọc là tư nhân chứ có phải Nhà nước hay công ty gì đâu mà phải ký hợp đồng lao động?

          Quay sang Đức, ông Mạnh nói tiếp:

          Ông Mạnh: Theo chú, cháu đừng ký hợp đồng lao động làm gì cho ràng buộc. Không ký hợp đồng lao động thì sau này nếu cháu thấy chỗ đấy làm việc được thì cháu làm, chỗ nào có điều kiện làm việc tốt hơn thì cháu chuyển sang làm bên đó. Như vậy có phải tiện hơn không?

          Mọi người nghe thấy chủ đề mới đều bàn tán xôn xao, mỗi người mỗi ý. Thấy vậy Linh liền đứng lên giải thích cho mọi người hiểu:

          Linh: Ở quê mình từ trước đến nay đi làm thuê, làm mướn đều không có hợp đồng gì hết nên quen rồi, cơ bản là toàn người trong làng nên cũng không ngại việc gian dối, lừa đảo. Nhưng đây là Đức đi làm việc cho một cơ sở tư nhân, họ được cấp giấy phép thành lập và hoạt động nên khi nhận lao động họ bắt buộc phải cho ký hợp đồng. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tin lương, điều kiện lao động, quyn và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, vừa đảm bảo tính bền vững, an toàn khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng.

          Ông Mạnh đang ngồi uống trà vội đứng lên ra chỗ Linh hỏi cặn kẽ:

          Ông Mạnh: Tại sao cháu biết điều này? Những vấn đề cháu vừa nói được quy định ở đâu?

          Mỉm cười nhìn ông chú, Linh lễ phép trả lời:

          Linh: Chú ơi, cháu đang là công nhân trong nhà máy đây ạ. Lúc đầu cháu cũng không biết, sau khi vào làm việc cháu được hướng dẫn ký hợp đồng. Nhà máy cho cháu đọc kỹ nội dung, nếu đồng ý thì mới ký ạ. Sau này, khi đi làm rồi cháu cũng tìm hiểu về Bộ luật lao động năm 2019. Trước là để có thêm hiểu biết, sau cũng là để bảo vệ cho quyền lợi của chính bản thân mình chú ạ!

          Trong hợp đồng lao động có nêu đầy đủ tên, địa chỉ của người sử dụng lao động, công việc và địa điểm làm việc, thời hạn của hợp đồng lao động, mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, chế độ nâng bậc, nâng lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị bảo hộ lao động cho người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề….

          Linh còn chưa nói hết thì ông Mạnh đã vội chen ngang:

          Ông Mạnh: Thế cơ à? Chú cứ tưởng không ký hợp đồng thì mình đỡ bị lệ thuộc chủ sử dụng lao động chứ?

          Linh: Trong Bộ luật Lao động năm 2019 quy định chi tiết lắm chú ạ. Điều 13 Bộ luật quy định:

          "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

          Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động".

          Nghe Linh giải thích cặn kẽ, Đức nôn nóng hỏi:

          Đức: Thế trường hợp của em thì ký hợp đồng như thế nào hả anh?

          Mở cái điện thoại smartphone đang cầm trên tay ra, tìm một lúc rồi Linh vanh vách đọc:

          Linh: Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau:

          "Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đng lao động bằng văn bản.

          Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao độntừ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động, trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động; sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc thì phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc với lao động là người giúp việc gia đình".

          Đức: Vậy hả anh, may mà có anh nhắc nhở em mới biết đấy

          Linh: Tiện đây anh cũng nói qua để em biết về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Mình đi làm rồi mình cũng cần phải biết thêm những thông tin này.

           Theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có các quyền và nghĩa vụ sau:

          Về quyền của người lao động: Người lao động được làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Được hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể. Được thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động. Được từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc. Được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Được đình công và được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

          Người lao động có các nghĩa vụ sau đây: Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác. Phải chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

          Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, Điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động có các quyền sau: Được quyền tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động. Được thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Được yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Được đóng cửa tạm thời nơi làm việc và được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

          Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây: Phải thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động. Phải thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Phải đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động. Phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và phải tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Tất cả mọi người đều yên lặng, trật tự lắng nghe Linh đọc và hiểu thêm những việc mà mình không biết. Sau khi đọc xong, Linh còn nhắc nhở thêm Đức một số việc nữa để nhớ khi đến làm việc tại xưởng của ông Ngọc, vừa đảm bảo quyền lợi của mình, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng lao động khi đảm bảo chủ động về mặt nhân công trong quá trình sản xuất.

Vui nhất ngày hôm nay là bà Minh, nhờ có Linh hướng dẫn cho Đức mà bà càng yên tâm hơn nữa, con bà đã thực sự trưởng thành. Mẹ con bà sẽ đỡ vất vả hơn trong thời gian tới, tương lai các con bà sẽ ngày càng tươi đẹp hơn.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn