TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2022 14:18

​​​​​​​CƠ CHẾ “MỘT CỬA”

Thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử; góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn hiện nay. Cơ chế “một cửa” là một hướng đi thích hợp cho yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, nhanh gọn và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên. Việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại các cơ quan, đơn vị đã góp phần đem lại nhiều kết quả trong cải cách thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết công việc tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp Trung ương và địa phương.

Thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" cũng đã góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, cơ chế "một cửa liên thông" đã điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhân dân và công chức, tạo cơ chế giám sát, quản lý của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước, giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức thuộc quyền, thể hiện rõ bản chất của công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Một cửa” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết về cơ chế này.

I. Nhân vật

- Ông Quang

- Ông Tùng

II. Nội dung tiểu phẩm

Sáng hôm ấy, ông Tùng vừa rải mẻ thóc mới gặt ra phơi, đang định vào nhà pha ấm trà thì nghe thấy tiếng người gọi ngoài cổng.

Ông Quang:  Ông Tùng ơi! Ông Tùng có nhà không đấy?

Ông Tùng: Ai gọi đấy nhỉ? Cổng không khóa đâu. Cứ đẩy cửa vào.

Ông Quang đẩy cửa vào.

Ông Tùng: Ông Quang đấy à? Vừa hay, tôi mới pha được ấm trà.

Ông Quang: Có một mình mà ông cũng pha trà à?

Ông Tùng:  Tôi nghiện cái món trà này mấy chục năm nay rồi. Sáng ngày ra mà không có chén trà thấy nhạt mồm nhạt miệng, bồn chồn không yên đấy ông ạ. Mình làm ván cờ chứ nhỉ?

  Ông Quang: Ấy ấy. Cờ quạt để hôm khác. Tôi còn có chút việc.

  Ông Tùng: Nhà ông vẫn chưa gặt xong à?

  Ông Quang: Nhà tôi gặt xong từ hôm qua rồi. Cơ giới hóa thích thật. Cấy, cày, gặt hái đều có máy móc cả, một loáng là xong, không phải vất vả như trước nữa. Nay tôi sang đây là để hỏi ông kinh nghiệm đi làm mấy thứ giấy tờ cho thằng Hải.

  Ông Tùng: Giấy tờ gì vậy ông?

  Ông Quang: À. Thằng Hải nhà tôi vừa mới tốt nghiệp đại học. Hôm qua, nó có gọi điện về bảo tôi đi chứng thực mấy thứ giấy tờ rồi gửi lên để nó làm hồ sơ xin việc. Nó dặn phô tô Sổ hộ khẩu với Giấy khai sinh của nó rồi đem ra chỗ “một cửa” để chứng thực.

Lúc đó mải xem bóng đá, tôi không hỏi rõ, bây giờ chẳng biết “một cửa” là chỗ nào ông ạ. Bà nhà tôi bảo sang hỏi ông xem vì nghe đâu thằng Minh nhà ông cũng vừa đi xin việc, chắc cũng đã từng làm mấy thứ thủ tục, giấy tờ đó.

  Ông Tùng: À, ông muốn chứng thực bản sao giấy tờ.

  Ông Quang: Đúng rồi ông ạ.

  Ông Tùng: Thế thì ông mang ra Ủy ban nhân dân xã.

  Ông Quang: Cái thằng! Ủy ban thì bảo là Ủy ban, cứ nói “một cửa” với “hai cửa” làm tôi chẳng biết đâu mà lần.

  Ông Tùng: Thằng Hải nói không sai đâu ông ạ. “Một cửa” mà cháu nó nói chính là Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của nhân dân và trả kết quả ở Ủy ban nhân dân xã đấy.

  Ông Quang: Thế là thế nào hả ông. Tôi mới đi qua ủy ban vẫn thấy có 2 cổng chính và cổng phụ mà.

  Ông Tùng (cười to): Ông này chẳng chịu cập nhật tình hình gì cả. Báo đài suốt ngày nói về cải cách thủ tục hành chính, cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” mà không biết.

Ông Quang: Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là cái gì? Nói thật tôi không hiểu gì cả, ông biết thì giải thích giúp tôi.

Ông Tùng: Hôm trước tôi mới tìm hiểu về Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Giờ tôi giải thích ông nghe :

- Cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận “Một cửa”.

- Cơ chế “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một thủ tục hành chính hoặc một nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa.

- Bộ phận Một cửa là tên gọi chung của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Người ta hay gọi tắt là “một cửa”,  chứ không phải là cái cổng của Ủy ban đâu ông ạ.

  Ông Quang: À ra là thế. Tôi ngoài công việc đồng áng ra chỉ mê mỗi cái anh cờ tướng, chẳng để ý gì cả. Lạc hậu quá rồi, phải cập nhật ngay thôi.

  Ông Tùng: Đúng rồi ông ạ. Bây giờ thời buổi công nghệ thông tin. Mình không chịu khó tìm tòi, học hỏi là không theo kịp với thời đại đâu.

  Ông Quang: Mà ông cho tôi hỏi, bộ phận “một cửa” ấy thực hiện những công việc gì?

  Ông Tùng: Bộ phận “một cửa” thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Ông Quang: Thế thì có khác gì so với việc thực hiện các thủ tục trước đây hả ông?

  Ông Tùng: Trước đây, khi chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, việc giải quyết các thủ tục cho người dân ở các cơ quan hành chính nhà nước không thống nhất. Có những công việc, để có kết quả cuối cùng, ông phải đến nhiều phòng, ban hoặc đồng thời phải tiếp xúc với nhiều cán bộ, công chức.

Nhiều địa phương còn tự ý đặt ra các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà, tốn kém công sức, tiền của cho người dân... Từ khi áp dụng cơ chế “một cửa”, người dân có nhu cầu giải quyết công việc chỉ phải đến duy nhất một nơi là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tiết kiệm công sức và thời gian.

Ông Quang: Hay quá ông nhỉ.

Ông Tùng: Mà chưa hết đâu nhé, ông biết nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông như thế nào không? Điều 4 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định như sau:

"Nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

1. Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất.

3. Giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền.

4. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân.

5. Không làm phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.

6. Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình về thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

7. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập".

Với mục tiêu giải quyết các thủ tục nhanh chóng, hiệu quả, người dân khi đến làm việc sẽ được tư vấn đầy đủ và nhiệt tình, cũng như chuẩn bị được các giấy tờ đầy đủ, cần thiết, giảm số lần phải bổ sung hồ sơ, tránh lãng phí thời gian một cách đáng kể. Chi phí tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cũng như các thủ tục hành chính được công khai rõ ràng, đầy đủ, giúp làm giảm tình trạng quan liêu, tham nhũng và hối lộ.

Ông Quang: Mà chỉ Ủy ban nhân dân cấp xã mới có bộ phận “một cửa” hay còn có cơ quan khác hả ông?

  Ông Tùng: Không chỉ riêng cấp xã mới có bộ phận “một cửa” ông à. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đều áp dụng bộ phận một cửa từ cấp bộ đến các cấp hành chính ở địa phương.

Tại cấp bộ, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tổng cục và tương đương, cục thuộc bộ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của các cơ quan của trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.

Ở cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan mình, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao tiếp nhận tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Tại cấp huyện: Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện thực hiện tiếp nhận hồ sơ tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao tiếp nhận tại cấp huyện.

Tại cấp xã: Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được giao tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã. 

  Ông Quang: Thế là có những việc lẽ ra phải lên huyện nhưng có thể nộp hồ sơ ngay ở xã hả ông?

  Ông Tùng: Đúng vậy. Mục đích đầu tiên của việc áp dụng cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính mà.

  Ông Quang: Này, ông nói hay như cán bộ tuyên truyền ấy.

  Ông Tùng (tủm tỉm): Thật ra trước đây tôi cũng như ông thôi. Thỉnh thoảng xem tivi cũng nghe về "một cửa", "một cửa liên thông" nhưng cũng ngu ngơ có hiểu gì đâu.

Hôm trước, đi chứng thực giấy tờ cho thằng Minh, nhân tiện tôi có hỏi chị Thu - cán bộ phụ trách bộ phận "một cửa" của xã và về nhà tôi cũng tự tìm hiểu qua Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp. Thời đại công nghệ thông tin này muốn tìm hiểu về vấn đề gì thì ông có thể lên mạng là tìm được hết.

Ông Quang: Cải cách thật là tốt. Mà không biết làm chứng thực mấy cái giấy tờ này cho thằng Hải nhà tôi có lâu không hả ông?

Ông Tùng: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ kỹ và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp gia hạn thời gian chứng thực bản sao từ bản chính, trường hợp theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

Ông đến nộp hồ sơ trước 3 giờ chiều thì họ sẽ trả kết quả trong ngày thôi. Còn sau 3 giờ chiều thì có thể hẹn sang ngày hôm sau. Hôm trước tôi đến chứng thực hồ sơ cho thằng Minh nhanh lắm. Ngồi đợi một lúc là họ trả kết quả ngay.

  Ông Quang: Ồ, thế tôi phải đi ngay bây giờ để còn kịp gửi chuyển phát nhanh ra Hà Nội cho thằng Hải. Nó bảo ngày kia là phải có rồi.

  Ông Tùng: Vâng. Ông đi đi kẻo muộn. Gửi giấy tờ xong, nếu còn sớm quay lại đây làm ván cờ với tôi nhé. À, mà đến Ủy ban vẫn phải đi qua cổng 2 cửa rồi mới đến “một cửa” ông nhé (cười to).

  Ông Quang: Nhất trí.

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn