TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/12/2022 15:36

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngày 09/12/2020, Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngàơy 15/02/2022. Theo đó, người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nghị định đã bổ sung, mở rộng một số đối tượng người có công với cách mạng; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, tôn vinh đúng đối tượng; xác định theo nguyên tắc tùy từng đối tượng người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ ưu đãi và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tiểu phẩm pháp luật “Chính sách đối với người có công với cách mạng” giới thiệu đến quý bạn đọc một số quy định liên quan về các chính sách ưu đãi đối với bệnh binh mà người dân cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình.

I. Nhân vật

- Ông Quý

- Ông Bằng: Hàng xóm

- Ông Trúc: Hàng xóm

- Ông Thành: Phụ trách việc phát lương hưu

- Anh Hòa: Báo cáo viên pháp luật

II. Nội dung tiểu phẩm

Đang đứng ở sân, thấy ông Quý đi ngang qua nhà, ông Bằng lên tiếng:

Ông Bằng: Ông Quý đi lĩnh lương đấy à?

Ông Quý (dừng lại): Vâng, thế ông đã lĩnh lương chưa?

Ông Bằng: Tôi chưa

Ông Quý liền rủ: Vậy đi cùng tôi cho vui đi, tiện thể tôi với ông đến nhà thăm ông Trúc luôn một tý. Hôm qua ông ấy vừa ở bệnh viện về, nghe nói yếu không đi lại được nữa.

Ông Bằng: Thế ông đợt tôi tý.

Rồi ông vào nhà lấy chiếc mũ để cùng đi với ông Quý. Vừa đi hai ông vừa nói chuyện.

Ông Bằng: Giờ ông nói tôi mới biết ông Trúc về nhà rồi. Ông nói phải đấy, đến thăm động viên ông ấy chứ tuổi già như chiếc lá, biết đâu được.

Ông Quý: Nghĩ cũng thiệt cho ông Trúc, ông ấy bị thương trong chiến đấu, đã được công nhận là thương binh loại A, tỷ lệ tổn thương cơ thể 21% đồng thời ông là bệnh binh hạng 2/3, tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%. Hiện nay ông ấy đang  hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh mà không được hưởng thêm chế đô trợ cấp thương binh vì trước đây ông ấy chưa có đủ thời gian công tác liên tục trong ngành quân đội từ đủ 15 năm trở lên, tôi nghe nói Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Không biết ngoài chế độ bệnh binh, ông ấy có được hưởng thêm chính sách gì không.

Hai ông đến Nhà văn hoá, thấy một số người đang đợi lĩnh lương. Mấy năm trở lại đây, xã đã giao việc trả lương cho Hội hưu trí của làng, nên mọi người không phải vất vả đạp xe xuống tận xã nữa. Rồi làng nào, thôn nào cũng có hệ thống loa truyền thanh riêng, cứ đến mùng 5 hàng tháng lại được thông báo trên loa để cán bộ hưu trí, thương bệnh binh, gia đình chính sách đến lĩnh lương, tiền trợ cấp.

Ông Bằng (hỏi bâng quơ): Vừa rồi tôi đọc báo thấy có chính sách mới đối với người có công, không biết có ai tìm hiểu kỹ xem có thêm ưu đãi gì không?

Vừa lúc đó ông Thành là bộ đội đã nghỉ chế độ hưu trí được tín nhiệm phụ trách việc nhận và phát lương cho cán bộ hưu trí, gia đình chính sách của làng đến. Tay ông cầm cuốn sổ và một túi nhỏ, ông Thành cười vui vẻ:

Ông Thành: Chào các ông, các bà, các bác! Tôi có việc nên đến muộn một chút. Từ khi cái thằng cu Tý đi học mẫu giáo, bà ấy lại giao đưa đón nó đến trường, đâm ra sáng nào cũng vội vàng, giờ lại giống như người có con mọn ấy các ông, các bà ạ.

Ông Thành (đưa tay vuốt mồ hôi ở trán rồi nói tiếp): À, hình như ông Bằng vừa hỏi về chính sách mới đối với người có công. Tôi cũng có xem thời sự, rồi đọc thêm một số báo thì đúng như ông Bằng nói. Sắp tới có chính sách mới đấy!

Ông Bằng: Thế ông có nắm được cụ thể không thì giải thích cho mọi người ở đây biết?

Ông Thành: Sắp tới huyện tổ chức đợt tập huấn về nội dung này, chắc họ sẽ mời xã đi dự đấy! Qua tự tìm hiểu, tôi biết có một số chính sách, ưu đãi mới. Thôi để hôm sau đi hội nghị về, đến tháng phát lương tôi thông tin cụ thể để các bác hiểu thêm. (Rồi ông giở cuốn sổ và bắt đầu gọi tên từng người nhận tiền lương, tiền tuất hàng tháng).

Ông Quý: Nhân tiện đây cũng muốn nhờ ông, nếu ông có đi tập huấn thì hỏi xem trường hợp của ông Trúc làng mình nhé. Ông ấy cũng hoàn cảnh, đợt này sức khỏe yếu quá. Giờ ông ấy đang được hưởng chế độ bệnh binh, nếu được hưởng thêm chế độ mới thì tốt quá.

Ông Thành: Ông yên tâm, cùng là đồng chí, đồng đội, giúp được gì tôi nhất định sẽ cố gắng trường hợp của ông Trúc nhất định tôi sẽ hỏi cụ thể.

          Một tuần sau, ông Thành được mời đi dự hội nghị ở huyện để nghe tập huấn về chính sách, chế độ cho người có công. Hôm ấy, ông dậy sớm chuẩn bị tài liệu rồi dắt xe máy đi họp.

Tại hội nghị tập huấn của huyện, sau giờ giải lao, ông Thành tranh thủ hỏi anh Hòa - báo cáo viên pháp luật ở hội trường.

Ông Thành: Đồng chí báo cáo viên này, ở địa phương tôi có một trường hợp mà tôi muốn nhờ anh giải đáp giúp xem họ có được hưởng thêm chế độ gì hay không?

Anh Hòa - báo cáo viên tuổi còn trẻ nhưng phong thái đĩnh đạc, tươi cười:

Anh Hòa: Chú cứ hỏi, nếu đơn giản cháu sẽ trả lời ngay, còn phức tạp chú cứ viết ra giấy để cháu nghiên cứu và trả lời cụ thể sau.

Ông Thành (gật đầu rồi thong thả trình bày): Ông này đã đi bộ đội, trực tiếp phục vụ chiến đấu, ông bị sức ép của bom đạn, ông đã được công nhận là thương binh, tỷ lệ tổn thương cơ thể 21%. Tuy bị thương nhưng ông vẫn công tác trong quân đội, thời gian phục vụ trong quân đội ông đã bị sốt rét dẫn đến không đủ sức khỏe công tác phục vụ trong ngành quân đội, ông đã được cơ quan giám định tỷ lệ tổn thương 61% nên sức khoẻ không đủ để phục vụ chiến đấu nữa được cho về địa phương và được công nhận là bệnh binh. Hiện nay ông ấy đang hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh mà không được hưởng thêm chế đô trợ cấp thương binh vì trước đây ông ấy chưa có đủ thời gian công tác liên tục trong ngành quân đội từ đủ 15 năm trở lên. Thời gian gần đây, ông ấy ốm suốt, bị sốt rét và có biểu hiện như người tâm thần vậy. Gia đình vô cùng khó khăn, nghèo lắm. Theo anh, trường hợp này chính sách mới của nhà nước ta ông Trúc có được hưởng thêm chính sách gì không?

Anh Hòa: Theo quy định trước đây tại Điều 31 Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định thương binh đồng thời là bệnh binh:

a) Trường hợp đã giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật thì được hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh. Thời điểm hưởng thêm một chế độ trợ cấp được tính từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp.

b) Trường hợp đã giám định gộp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật:

Được hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh nếu có thời gian công tác liên tục trong quân đội, công an từ đủ 15 năm trở lên hoặc chưa đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm trở lên.

Được hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh nếu sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn từ 41% trở lên, mức trợ cấp được hưởng theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động đã trừ.

Được chọn hưởng một trong hai chế độ trợ cấp nếu sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn dưới 41%.

Thời điểm hưởng thêm một chế độ trợ cấp được tính từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp.

          Theo như bác nói, thì bác Trúc vừa là thương binh đồng thời là bệnh binh, tuy nhiên hiện nay bác Trúc chỉ hưởng chế độ bệnh binh vì lý do bác Trúc chưa có đủ thời gian công tác liên tục trong ngành quân đội từ đủ 15 năm trở lên.

          Theo như quy định mới của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ thì trường hợp của bác Trúc có thể giải quyết hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh đấy bác ạ.

Ông Thành: Vậy hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh được quy định như thế nào hả chú?

Anh Hòa: Điều 43 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh như sau:

1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 19 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đang thường trú.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ đang quản lý để ban hành quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 62 Phụ lục I Nghị định này. Trợ cấp, phụ cấp đối với thương binh được xác định theo biên bản giám định thương tật cuối cùng.

Trường hợp hồ sơ thương binh được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không còn giấy tờ thể hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật hoặc thất lạc thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng trong quân đội) hoặc thủ trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an) cấp bản trích lục hồ sơ thương binh làm căn cứ để giải quyết chế độ”. Tiện đây, tôi có cầm theo Pháp lệnh và toàn văn Nghị định số 131/2021/NĐ-CP gửi chú về nghiên cứu.

Ông Thành: Vậy thì tốt quá. Họp xong, về nhà tôi sẽ đem tài liệu đến nhà ông ấy ngay để thông tin cho ông ấy mừng. Tình đồng đội là thế đấy anh ạ, được Đảng và Nhà nước quan tâm, nếu ông Trúc được hưởng thêm chế độ thương binh thì tốt quá. 

Ông Thành đặt chén nước xuống bàn, bắt tay đồng chí báo cáo viên:

Ông Thành: Cảm ơn anh rất nhiều, tôi sẽ thông tin lại với anh về trường hợp này của làng tôi, có gì khúc mắc tôi sẽ liên hệ nhờ anh hướng dẫn tiếp!

Anh Hòa: Chú yên tâm, nếu có thể giúp gì được bác Trúc thì cháu rất sẵn lòng. Trong quá trình giúp bác ấy, nếu có gì vướng thì chú cứ gọi điện cho cháu để cùng trao đổi thêm.

Rồi hai người bắt tay, chuông báo giờ tiếp tục hội nghị vang lên.

Ra về, ông Thành liền đến nhà ông Trúc ngay. Nghe theo lời đồng chí báo cáo viên, ông hướng dẫn gia đình ông Trúc làm hồ sơ xin hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh. Sau 17 ngaỳ, xã thông báo kết quả, ông Trúc được hưởng thêm một chế độ. Ông Thành mừng lắm, có thêm một người đồng chí, đồng đội đã được đền đáp xứng đáng. Ông mỉm cười gật gù, chính sách mới của Nhà nước thật hợp lòng dân.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn