TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2022 14:23

GẶP BẠN CŨ, NÓI CHUYỆN MỚI

Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động luôn phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Do đó, Nhà nước đóng vai trò trung gian quản lý trật tự xã hội đã có những chính sách nhằm cân bằng lợi ích trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Từ đó, hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động, tạo ra quan hệ lao động bình đẳng hơn giữa các bên tham gia quan hệ lao động.

Tuy nhiên, thực trạng vi phạm quyền của người lao động vẫn còn tồn tại, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa được bảo đảm, tính nghiêm minh của pháp luật chưa được tôn trọng. Do đó, để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình khi tham gia vào một quan hệ lao động, người lao động cần nắm rõ các quy định của pháp luật.

Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung nhiều chính sách mới theo hướng đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ngày 17/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Gặp bạn cũ, nói chuyện mới” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết về quyền lợi của người lao động hiện nay.

I. Nhân vật

- Phong

- Trung: Lớp trưởng

II. Nội dung tiểu phẩm

Thấm thoắt đã 05 năm ra trường, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tập thể lớp Đại học của Phong cùng hẹn nhau về thăm trường và tri ân thầy, cô. Sau khi thăm thầy, cô, chụp ảnh kỷ niệm xong, cả lớp Phong rủ nhau đến một nhà hàng gần trường ăn uống và gặp gỡ, hàn huyên. Trong lúc Phong đang rót bia cho các bạn, Trung - Lớp trưởng qua bàn khoác vai Phong hỏi han:

Trung: Chào ông bạn thân, lâu rồi bận bịu chẳng liên lạc với nhau, dạo này công việc, gia đình thế nào rồi?

Phong bỏ chai bia xuống bàn mỉm cười nhẹ và kéo Trung ngồi xuống ghế bên:

Phong: Tôi vẫn độc thân thôi bạn. Còn công việc thì… cũng đã “nhảy” mấy chỗ rồi mà vẫn chưa thấy ổn. Hazzz. Thôi, cụng ly nào!

Phong nâng ly bia lên mời Trung và các bạn xung quanh.

Phòng: Mà này, ban nãy thấy các bạn nói ông học thêm văn bằng 2 về luật và làm thêm mảng đó hả?

Trung: Ừ, nghề tay trái. Tôi trước khi chọn vào ngành y cũng đã đam mê  với ngành luật. Ra trường, có thời gian tôi tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

Mà này, nói chuyện củ ông đi, ông đang làm ở đâu? Sao lại không ổn? Nói tôi nghe xem.

Phong thở dài: Chuyện cũng tương đối phức tạp. Để tôi kể cho ông nghe rồi nhờ ông tư vấn giúp nhé. Mà này, tư vấn miễn phí hay có phí đây, để bạn còn biết?

Trung cười: Phí tư vấn của tôi thì cao đấy, nhưng bạn bè thì miễn. Đùa thôi, có chuyện gì nói tôi nghe xem có giúp được không?

Phong: Tôi đang làm bác sĩ nha khoa cho một phòng khám. Tôi và Phòng khám ký hợp đồng làm việc có thời hạn 01 năm, đến giờ tôi làm được 07 tháng rồi. Thời gian làm việc lúc tôi mới vào làm là 8 tiếng/ngày, sau họ lấy lý do khách đông phải tăng ca làm việc đến 14 giờ/ngày, tôi lúc nào cũng stress, mức lương thì không tương xứng với thời gian làm việc. Giờ tôi chỉ muốn về quê mở phòng khám riêng của mình nhưng phòng khám tôi đang làm họ lại không giải quyết cho tôi.

Mà ông biết không, họ còn muốn tôi bồi thường hết thời gian còn lại của hợp đồng mới được nghỉ. Lại còn vấn đề nữa là họ đang giữ bằng Đại học chính của tôi để dễ giữ chân tôi rồi.

Trung nghe xong nhíu mày lo lắng

Trung: Trường hợp của ông căng đấy, mới nghe thôi đã thấy nhiều vấn đề rồi.

Phong: Đấy, lúc đầu tôi còn nghĩ, thôi mới đi làm, cố gắng vậy. Nhưng cứ duy trì như thế thời gian dài, thực sự là không chịu nổi. Đi làm về hôm nào cũng uể oải, tôi chẳng còn thiết tha làm gì nữa, nói chi đến tìm hiểu, yêu đương.

Trung: Mệt mỏi là đúng rồi. Người chứ có phải cái máy đâu mà làm được với cường độ cao như thế. Theo như ông kể thì tôi thấy phòng khám đó đã vi phạm các quy định của pháp luật lao động, mà cụ thể là các quy định liên quan đến thời giờ làm việc, giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Để tôi phân tích ông nghe này, tôi mới tư vấn cho trường hợp tương tự như của ông nên nghiên cứu cụ thể các quy định pháp luật rồi.

Thứ nhất, về thời giờ làm việc: Theo Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.”

Như vậy, theo quy định trên, thời giờ làm việc bình thường không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Theo như ông nói, một ngày ông phải làm việc 14 giờ, hành vi này của chủ Phòng khám đã vi phạm quy định về thời giờ làm việc và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Phong ngạc nhiên: Xử phạt vi phạm hành chính cơ à?

Trung: Đúng rồi.

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bị xử phạt như sau:

 “1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Vấn đề thứ hai, về việc giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ

Theo Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”

 Như vậy, Phòng khám ông đang làm việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 3  Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022  như sau:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động được quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này”.

Phong chăm chú nghe Trung nói từng vấn đề một và hỏi Trung: Vậy theo ông giờ tôi phải làm gì?

Trung uống một ngụm nước và tiếp tục: Quan trọng nhất bây giờ đó là vấn đề bồi thường hợp đồng.

Khi nghỉ việc ông cần thông báo trước cho Phòng khám theo thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì không có nghĩa vụ bồi thường cho Phòng khám. Trong trường hợp ông không thông báo đúng theo quy định thì có nghĩa vụ bồi thường cho Phòng khám theo quy định pháp luật, tuy nhiên mức bồi thường không phải như bên phòng khám yêu cầu.

Phong: Ông nghiên cứu kỹ và bày cho tôi cách nào hiệu quả nhất đi, vấn đề này tôi không hiểu rõ, nhờ ông cả đấy!

Trung: Trong trường hợp này ông cần thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động của ông có thời hạn 01 năm, vì vậy, ông có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

“a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2019;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật lao động năm 2019;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Trường hợp của ông thuộc điểm a khoản 2 Điều 35 là chấm dứt hợp đồng khi không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận. Ông cần thông báo trước cho bên sử dụng lao động biết việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của ông. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng”

Về hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng lao động. Do ông chưa làm đủ 12 tháng nên sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Ngoài ra, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động theo Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019.

Tốt nhất là ông cứ báo trước cho bên sử dụng lao động, vì nếu ông không thông báo cho bên sử dụng lao động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của mình tức là ông đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Trong trường hợp này, ông sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của ông trong những ngày không báo trước.

Phong nghe bạn giải thích, hướng dẫn xong như trút được gánh nặng trong lòng, anh vỗ vai Trung.

Phong: Rất cảm ơn ông bạn, nhờ ông mà tôi hiểu ra vấn đề và biết cách làm sao để vừa đảm bảo được quyền lợi, vừa đúng quy định của pháp luật. Hôm nào ông bạn rảnh, tôi mời ông bạn một chầu lớn cảm ơn nhé. (Phong cười).

Trung: Nhất trí, ông bạn cứ cho cái hẹn. Bạn bè giúp nhau là đương nhiên mà, khách sáo gì. Ông cứ giải quyết cho xong công việc đi, có gì cần cứ alo, tôi rất sẵn lòng với ông bạn. Mà ý tưởng ông về quê mở phòng khám tại nhà cũng là một ý tưởng hay đấy. Đợt trước về thăm nhà ông, tôi thấy ở đấy cũng chưa phát triển nhiều phòng khám nha khoa đâu?

Thấy Trung tư vấn đầy đủ, cặn kẽ cho Phong, mọi người đều quay lại lắng nghe. Khi thấy vấn đề có hướng giải quyết, các bạn đều nâng ly chúc mừng Phong thuận lợi trong công việc và đặc biệt sớm thoát ế.

Phong rót bia và đứng lên: Nãy giờ tôi xin phép mượn lớp trưởng chút, giờ chuộc lỗi cốc đầy mời cả lớp nha!

Nói rồi, Phong uống một hơi hết cốc bia trong không khí reo hò ầm ĩ của cả lớp. Anh mỉm cười, thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ may có buổi họp lớp hôm nay gặp được Trung biết thêm về pháp luật lao động để tháo gỡ được vướng mắc mà anh băn khoăn bấy lâu nay.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn