TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/08/2022 14:21

NIỀM TIN VÀO TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG

Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Thông qua Phiếu lý lịch tư pháp, mọi thông tin về cá nhân người bị kết án; tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí; ngày, tháng, năm tuyên án, Toà án đã tuyên bản án, số của bản án đã tuyên; tình trạng thi hành án được thể hiện đầy đủ.

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp gồm có Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố. Mỗi cơ quan có thẩm quyền riêng và thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trong từng trường hợp cụ thể. Có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau quy định về Phiếu Lý lịch tư pháp để đáp ứng yêu cầu của cá nhân cần chứng minh về nhân thân tư pháp của bản thân theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan khi tham gia các quan hệ pháp luật. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Niềm tin vào tương lai tươi sáng” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết về Phiếu lý lịch tư pháp.

I. Nhân vật

- Thành

- Vinh: Anh họ Thành là công chức tư pháp - hộ tịch của phường.

II. Nội dung tiểu phẩm

Từ ngày tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật nghề, Thành chưa tìm được việc làm phù hợp. Từ khi khu công nghiệp được xây dựng ở địa phương, các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động, nhất là lao động kỹ thuật như Thành. Thành đã nộp hồ sơ xin việc, đã được phỏng vấn và thử tay nghề. Hôm trước, bộ phận nhân sự của công ty thông báo đồng ý tuyển dụng Thành, yêu cầu Thành bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp vào hồ sơ xin việc làm là hai bên có thể tiến hành ký hợp đồng lao động. Thành chưa biết Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ như thế nào, hỏi bộ phận nhân sự thì họ trả lời đây là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân nhằm xác định người đó có hoặc không có tiền án và hướng dẫn Thành về Sở Tư pháp thành phố để làm thủ tục. Chưa kịp mừng vì mình sắp có việc làm, Thành đã cảm thấy lo lắng, có thể cơ hội việc làm sẽ tuột khỏi tầm tay chỉ vì cái Phiếu lý lịch tư pháp.

Mười năm trước, khi ấy Thành vừa tốt nghiệp cấp ba. Một lần nhóm bạn của Thành có xích mích với nhóm thanh niên làng bên. Trong lúc hai bên xô xát với nhau, do bản tính nóng nảy, hiếu thắng, Thành đã làm một người bên kia bị thương. Kết quả là Thành bị kết án 2 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Sau khi ra tù, quyết tâm làm lại cuộc đời, Thành đã đi học trung cấp kỹ thuật và ra trường với bằng tốt nghiệp loại giỏi. Thành mong muốn tìm được việc làm phù hợp, có điều kiện phát triển tay nghề, xây dựng gia đình và ổn định cuộc sống... Thành muốn xóa bỏ quá khứ đã từng phải ngồi tù của mình, không muốn mọi người biết Thành đã từng đi tù. Vậy mà bây giờ, nếu Phiếu lý lịch tư pháp ghi rõ về tiền án của Thành thì còn ai muốn nhận Thành vào làm việc nữa. Đang trầm tư suy nghĩ, Thành chợt giật mình vì có người vỗ mạnh lên vai.

Vinh: Này, chú nghĩ gì mà thần mặt ra thế, có khi trộm vào khuân hết đồ đi mà không biết ấy!

Thành: Ồ, anh Vinh. Anh đi đâu mà mang nhiều sách thế? Nhà em có gì đâu mà trộm nó vào.

Vinh: À, anh đến nhà bác Bí thư, tiện cầm cho bác một số sách pháp luật mới để bác giới thiệu cho bà con đọc. Tiện thể qua đây xem cậu đã sửa xong cái quạt cho anh chưa? Gớm, mới đầu hè mà đã nóng thế!

Thành: Ôi, anh nhắc em mới nhớ. Thế mai được không anh? Thú thực với anh, mấy hôm nay em không có tâm trạng để làm gì cả.

Anh Vinh: Lại tương tư cô nào à?

Thành (thở dài): Nếu được tương tư cô nào thì đã tốt anh à. Đằng này...

Vinh: Thế có chuyện gì vậy? Hôm trước, lúc mẹ em ra Ủy ban phường để sao Giấy khai sinh, Bằng tốt nghiệp cho em, anh thấy cô nói là để cho em xin việc làm. Hay là họ không nhận à?

Thành: Họ đồng ý tuyển dụng em rồi...nhưng...chắc họ sẽ không nhận em vào làm việc đâu.

Vinh: Này, cậu nói chuyện gì mà lạ vậy? Nhận rồi không nhận là sao? Nếu không phải là chuyện riêng tư bí mật thì cậu nói rõ xem anh có giúp được gì không?

Thành: Hôm trước, bên công ty yêu cầu em bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp vào hồ sơ xin việc rồi sẽ ký hợp đồng. Nhưng em...

Anh Vinh: Thế thì cậu làm ngay đi để kịp nộp cho công ty, còn nhưng nhị gì nữa. Nhìn chung bây giờ, các doanh nghiệp khi tuyển dụng đều yêu cầu người lao động phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ. Rồi công dân đi du học, xuất khẩu lao động, xuất cảnh... đều cần có phiếu này.

Thành: Có phải trong cái Phiếu ấy sẽ ghi rõ người nào có án hoặc không có án đúng không anh? Mà em như thế nào thì anh biết rồi đấy. Một thằng đã từng đi tù như em, anh bảo, ai người ta nhận em vào làm việc?

Anh Vinh: Thì ra đây là điều mà cậu lo lắng. Việc đó xảy ra cũng lâu rồi, cậu phải quên đi mà tự tin bước tiếp chứ. Sau khi cậu trở về, mọi người đều ghi nhận cậu đã thay đổi và phấn đấu, nỗ lực rất nhiều.

Thành: Anh ạ, vì ở đây mọi người biết em, hiểu về con người em, còn công ty đó, họ chỉ thấy em qua các giấy tờ thôi, họ chỉ thấy em kẻ đã có tiền án về tội cố ý gây thương tích. Một người đã từng ngồi tù thì ai nhận em vào làm việc cơ chứ. Chắc em chẳng có cơ hội gì đâu anh.

Vinh: Thế công ty họ có nói là cậu phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số mấy không?

Thành: Em thấy họ ghi rõ trong tờ hướng dẫn là Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 anh ạ! Mà Phiếu lý lịch tư pháp có mấy loại hả anh?

Vinh: Theo quy định tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Phiếu lý lịch tư pháp có hai loại gồm Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức là công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình và Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Nếu chỉ như vậy thì cậu không phải lo lắng nữa. Trong Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho cậu, người ta sẽ không ghi án tích của cậu đâu.

Thành: Thế là thế nào hả anh, tại sao trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 lại không ghi rõ án tích?

Vinh: Theo quy định tại Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 sẽ có các nội dung sau:

“1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Tình trạng án tích:

a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp”.

Thành: À ra thế, em hiểu rồi.

Anh Vinh: Cậu ra tù được mấy năm rồi?

Thành: 8 năm rồi anh ạ.

Anh Vinh: Từ ngày ra tù trở về địa phương, cậu chưa có vi phạm gì, luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại. Như vậy, cậu đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc đương nhiên được xóa án tích như sau:

"2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này".

Như vậy, cậu đã đủ điều kiện về mặt thời gian để được xóa án tích.

Thành: Làm thế nào để chứng minh mình đã được xóa án tích hả anh?

Vinh: Nếu theo quy định trước đây, người đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận thì người đó phải làm đơn kèm một số giấy tờ có liên quan gửi Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm vụ án để Tòa án xem xét cấp Giấy chứng nhận đã được xóa án tích cho họ.

Thành: Thế bây giờ thì quy định thế nào hả anh?

Vinh: Hiện nay, người có đủ điều kiện xóa án tích có quyền yêu cầu Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp xác nhận việc đương nhiên xóa án tích thông qua đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Luật lý lịch tư pháp năm 2009 đã giao cho các cơ quan này trách nhiệm chủ động xem xét việc xóa án tích đương nhiên cho người có đủ điều kiện, góp phần giảm bớt phiền hà cho người dân. Ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng là một trong các mục đích của việc quản lý lý lịch tư pháp mà.

Thành: Thế thì tốt quá anh ạ. Nhưng bây giờ em phải làm gì?

Anh Vinh: Việc cậu cần làm bây giờ là đến Sở Tư pháp thành phố mình để được hướng dẫn làm thủ tục xóa án tích và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Theo anh nhớ thì hồ sơ yêu cầu gồm tờ khai theo mẫu có sẵn kèm bản sao Chứng minh nhân dân, bản sao sổ hộ khẩu. Cậu cứ đến "Bộ phận một cửa"  của Sở Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể.

Thành: Vâng, sáng mai em sẽ đi ngay. Vậy Sở Tư pháp sẽ tự tìm hiểu về việc em được xóa án tích à?

Anh Vinh: Đúng. Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự và có đề nghị, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ động xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án. Nếu sau khi xác minh mà cậu đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì trong lý lịch tư pháp của cậu sẽ ghi là “Không có án tích”. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp:

“1. Trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật hình sự, nhưng chưa nhận được Giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện như sau:

a) Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh hoặc trực tiếp xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án;

b) Trong quá trình xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết, Sở Tư pháp thực hiện xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan về việc người bị kết án có đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay không.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Sở Tư pháp.

Cán bộ tư pháp - hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xác minh theo yêu cầu của Sở Tư pháp”.

Thành: Tức là trong Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho em sẽ ghi rõ như vậy, phải không anh?

Anh Vinh: Cậu cứ bình tĩnh nghe mình nói hết đã. Trong Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho cậu sẽ ghi không có án tích”. Cậu yên tâm chưa nào!

Thành: Vậy hả anh? Em mừng quá! Nhà nước mình quy định như vậy thì những người vào hoàn cảnh như em mới cảm nhận hết được tính nhân đạo trong những quy định pháp luật mà anh vừa nêu, thực sự tạo điều kiện cho người đã từng lầm bước như em hoà nhập cộng đồng dễ dàng hơn, không bị mặc cảm bởi quá khứ tội lỗi của mình và không sợ bị xã hội phân biệt đối xử.

Anh Vinh: Cậu phải chịu khó tìm hiểu các quy định pháp luật đi, nhất là những quy định gắn với cuộc sống của mình. Còn nếu có việc gì liên quan đến pháp luật mà không hiểu thì hỏi mọi người, hỏi anh chứ đừng có tự ngồi nghĩ vẩn vơ rồi dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.

Thành: Vâng, đúng quá! Nếu không gặp anh, nghe anh giải thích thì có khi em đã bỏ lỡ cơ hội việc làm rồi. Mà anh ơi, thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp có lâu không?

Anh Vinh: Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp như này: Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định thì thời hạn không quá 15 ngày. Trường hợp khẩn cấp theo quy định thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

Thành: Thế thì em vẫn còn kịp thời gian để nộp cho công ty. Thế để em phải đi làm thủ tục ngay anh ạ!

Cầm mấy quyển sách trên bàn, anh Vinh bước ra cửa, rồi nói thêm:

Vinh: Không còn phải lo nghĩ gì thì nhớ sửa cho anh cái quạt. Anh sang bên nhà bác bí thư đây.

Thành: Em sửa ngay. Có khi tối xong em xách sang cho anh. Em chào anh.

Thành nhìn theo bóng anh Vinh đi khuất con ngõ nhỏ, trong lòng thấy vui hơn nhiều. May mà anh Vinh giải đáp giúp những thắc mắc trong lòng, Thành thầm nghĩ, miệng lẩm nhẩm một điệu hát vui quen thuộc.

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn