TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/11/2022 08:27

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRONG CHĂN NUÔI GIA SÚC

Chăn nuôi là một nghề không thể thiếu đối với người nông dân Việt Nam, không những mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần giải quyết lao động tại chỗ và tận dụng nguồn thức ăn dư thừa hằng ngày từ nông nghiệp hoặc nghề phụ khác.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập hóa, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi và đặc biệt là việc chấp hành quy định trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh là vấn đề đáng quan tâm. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh động vật hiệu quả, Luật Thú y năm 2015 đã quy định cụ thể về các hoạt động kiểm dịch động vật. Qua đó, kịp thời phát hiện các bệnh truyền nhiễm, kí sinh trùng của động vật đã có hoặc chưa có ở trong nước; bệnh truyền nhiễm, kí sinh trùng của động vật nuôi thuộc diện kiểm dịch quốc tế; kiểm tra chất độc, chất nội tiết, chất kháng sinh gây hại cho người và động vật để bảo vệ sản xuất và sức khoẻ cộng đồng. Kiểm dịch động vật nhằm đảm bảo sự an toàn vệ sinh cho con người và vật nuôi nhằm ổn định xã hội và phát triển sản xuất, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Tiểu phẩm pháp luật “Phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc” giới thiệu đến quý bạn đọc một số quy định liên quan đến kiểm dịch động vật mà người dân cần đảm bảo trong hoạt động chăn nuôi của mình.

I. Nhân vật

- Ông Tuấn

- Bà Loan

- Bà Hường

- Đức: Nhân viên công ty

II. Nội dung tiểu phẩm

Tuần trước, cậu con trai nhà ông bà Loan gọi điện thông báo cho bố mẹ biết đã tìm được mối bán đàn lợn hơn trăm con của ông bà, anh dặn bố mẹ chú ý khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo đàn lợn không béo quá thì mới bán được trọn đàn. Còn vài hôm đến thời điểm giao hàng nên bà Loan chỉ quanh quẩn lo thức ăn cho đàn lợn. Đang lúi húi trong bếp trộn cám, nghe tiếng loa truyền thanh xã, bà Loan nghe câu được câu chăng loáng thoáng về việc đang có dịch bệnh truyền nhiễm ở lợn, bà vội vàng gọi với ông Tuấn đang ngồi uống trà cùng hai ông hàng xóm đến rủ đi họp về kế hoạch mua thóc giống gieo mạ vụ mùa.

Bà Loan: Ông ơi, để ý xem loa truyền thanh nói về cái gì đấy, tôi nghe không rõ, hình như ở lợn lại có bệnh gì lây nhiễm. Ông nghe ngóng xem tình hình ra sao đi.

Ông Tuấn: Được rồi, bà cứ bình tĩnh, tôi đi họp về sẽ báo cáo cụ thể với bà. Đi thôi hai ông, đến họp sớm để về sớm kẻo nắng. Vụ này nghe có giống lúa mới năng suất cao, ăn dẻo mà chưa về đến mình, nhưng tôi đã nhờ đứa cháu ở trại giống của huyện mua cho rồi, cũng đắt ghê đấy, mấy trăm nghìn một yến cơ đấy.

Gần đến ngày đàn lợn xuất chuồng, bà Loan lo đứng lo ngồi, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì công lao của gia đình bà đổ hết xuống sông, xuống biển. Đổ cám cho đàn lợn ăn xong, biết hôm nay thôn họp thế nào cũng thông báo luôn chuyện bệnh lạ ở lợn, nhưng sốt ruột nên bà Loan chạy ra ngõ nghe ngóng xem loa truyền thanh xã thông báo việc gì, chắc quan trọng lắm hay sao cứ nhắc đi nhắc lại, bây giờ bà nghe rõ mồn một: “Bệnh tai xanh là dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, khó khống chế, gây thiệt hại về chăn nuôi, nhất là đàn lợn giống…”. Đang chăm chú lắng nghe, bà Loan không để ý đến bà Hường đang đi từ phía sau trên vai đèo đôi quang gánh có mấy mớ rau muống.

Bà Hường: Ơ, bà Loan nghe ngóng gì mà tập trung thế?

Bà Loan: Bà Hường đi đâu về đấy, tôi đang nghe xã thông báo về bệnh tai xanh ở lợn bà ạ, nông dân bây giờ khổ thật, được mùa thóc lúa thì giá lại hạ rẻ, còn chăn nuôi cũng vất vả quá, hết cúm gia cầm đến dịch gia súc thế này, tôi cũng đang lo bệnh đó mà lan đến làng mình là nhà tôi toi đấy bà ạ!

Bà Hường: Nhà bà đợt này có chăn nuôi nhiều, khổ nhất là mấy trang trại lợn giống, lợn thịt ở làng bên kia kìa, tôi khuyên bà tốt nhất bán tống đi, được đồng nào hay đồng đấy, còn hơn mai kia họ đến đem hết lên xe đi tiêu hủy ấy chứ.

Bà Loan: Nhà tôi thật không gặp may, chả giấu gì bà thằng cu lớn cách đây vài hôm có gọi điện về nói đã có mối bán, mấy hôm nay tôi chỉ chăm chăm lo cám bèo cho lũ lợn nhắm bán hết đàn chứ bán tống đi thì chẳng có đồng lãi nào đâu.

Hai bà vừa to nhỏ nói chuyện vừa nghe loa truyền thanh tiếp tục thông báo dịch tai xanh. Thấy ông Tuấn đi họp về đầu ngõ, bà Loan vội vàng chào bà Hường, rồi chạy thẳng đến chuồng lợn, ngó nghiêng xem đàn lợn có gì bất thường không, vừa được ăn cám no các chú lợn duỗi thẳng khoe những chiếc bụng tròn vo thở phì phì. Lúc này, bà Loan mới yên tâm đi vào nhà, ngồi đợi ông Tuấn về để hỏi rõ ngọn ngành về bệnh dịch.

Bà Loan: Tôi thì sốt hết cả ruột gan lên, còn ông lại cứ đủng đỉnh như không có chuyện gì. Ông nói tôi nghe xem tình hình dịch bệnh như thế nào?

          Ông Tuấn: Bà lại lo chuyện đàn lợn chứ gì, lan đến tỉnh mình rồi nhưng huyện ta chưa thấy có ổ dịch nào, sáng nay loa truyền thanh thông báo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tai xanh, chỉ đạo các địa phương thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống, dịch bệnh.

Bà Loan: Ông ơi, đàn lợn nhà mình đến kỳ xuất chuồng người ta sắp đến bắt mà nghe tin này, tôi sợ họ trả giá thấp hoặc không mua nữa thì gay go đấy. Cái bệnh gì mà quái ác thế để bao nhiêu công sức của tôi rơi xuống sông xuống biển hết.

Ông Tuấn: Bà làm gì mà cứ lo quá lên như thế, trong cuộc họp vừa rồi,  xã cũng quán triệt hướng giải quyết đảm bảo lợi ích cho các hộ nuôi gia súc.

Bà Loan: Thế họ bảo thế nào? Bây giờ có dịch bệnh gì, gà, lợn cũng đem chôn, rồi tiêu hủy hết sạch, thấy lãng phí quá, mình giữ lại ăn được không ông?

Ông Tuấn: Bà không khoa học gì hết, sống ở thời đại được tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức mà còn lạc hậu như vậy, đã không biết thì thôi mà biết không làm theo là trái với chủ trương, chính sách đấy.

Bà Loan (hạ giọng): Ông thì nhiều lý sự, thôi tôi đành chịu ông. Nhưng như ông nói, làng mình được thông báo chưa bị lây lan dịch bệnh thì mình điện cho công ty nọ đến bắt nhanh.

Hai ông bà đang bàn luận thì có tiếng xe máy ở đầu ngõ, một anh thanh niên ăn mặc tươm tất đầu đội mũ bảo hiểm che kín nên ông Tuấn cứ nheo nheo mắt mà chưa phát hiện ra người quen hay người lạ, cho đến lúc anh ta tắt xe máy dựng ở sân, bỏ mũ bảo hiểm khỏi đầu thì ông mới biết là khách lạ. Anh thanh niên giới thiệu mình tên là Đức là người của công ty về thương thảo hợp đồng mua lợn nên ông, bà mừng rối rít vừa mời khách vừa đi pha trà. Được Đức giải thích và đề nghị gia đình cung cấp một số loại giấy tờ cần thiết để họ chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký kiểm dịch, ông Tuấn vội đi lấy chìa khóa mở chiếc tủ gỗ vừa tìm giấy tờ vừa hỏi Đức:

Ông Tuấn: Tôi đã bán nhiều lứa lợn rồi, nhưng không thấy họ yêu cầu giấy tờ gì đâu.

Đức: Có thể những lần bán trước hai bác chỉ bán cho những người giết mổ nhỏ lẻ trong huyện nên họ không có yêu cầu gì. Còn chúng cháu mua để xuất khẩu bác ạ, số lượng lớn mà vận chuyển xa, ra khỏi phạm vi huyện là phải làm một số thủ tục nữa.

Rồi ông Tuấn đưa ra một số giấy để Đức xem, được anh cho biết đàn lợn mặc dù đã tiêm phòng nhưng từ khi chúng còn nhỏ và chưa tiêm loại vắc xin tai xanh, nên anh đề nghị gia đình đăng ký tiêm phòng ngay và làm xét nghiệm bệnh động vật. Được Đức giải thích rõ ý nghĩa, mục đích của việc làm này không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn cho mọi người mà còn giúp việc thực hiện kiểm dịch của công ty được thuận lợi, không bị kéo dài thời gian, ông Tuấn và bà Loan đồng ý ngay. Vốn là người tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, biết được Đức là cán bộ kinh doanh của công ty cũng tỏ ra khá hiểu biết pháp luật liên quan đến vệ sinh thú y nên nhân tiện ông Tuấn dò hỏi:

Ông Tuấn: Chắc bây giờ phát sinh dịch bệnh lợn tai xanh nên nhà nước mình mới yêu cầu kiểm dịch chặt chẽ như thế, chứ trước đây có thấy làm thế đâu cháu nhỉ?

Đức cười: Bác không theo dõi đấy thôi, khoản 1 Điều 37 Luật Thú y năm 2015 đã quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn như sau:

“1. Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát đối với các trường hợp sau đây:

a) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh;

b) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở chăn nuôi chưa được giám sát dịch bệnh động vật;

c) Động vật chưa được phòng bệnh theo quy định hoặc đã được phòng bệnh bằng vắc-xin nhưng không còn miễn dịch bảo hộ;

d) Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh động vật;

đ) Sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chưa được định kỳ kiểm tra vệ sinh thú y;

e) Động vật, sản phẩm động vật không thuộc trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này khi có yêu cầu của chủ hàng”.

Như vậy, về nguyên tắc quan trọng là khi động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát.

Ông Tuấn (giọng đầy lo lắng): Nếu đàn lợn bị nhiễm virut tai xanh thì chắc chắn các anh không mua và coi như chúng tôi mất toi.

Đức: Cháu hiểu ý bác, nếu đàn lợn mắc bệnh mà phải tiêu hủy thì gia đình bác còn được hỗ trợ, còn công ty chúng cháu nếu mua phải lợn bệnh thì phải chịu toàn bộ rủi ro. Vì thế cháu mới về trực tiếp xem tình trạng đàn lợn và thỏa thuận với gia đình ta.

Ông Tuấn: Theo như anh nói, chúng tôi phải làm thủ tục kiểm dịch gì đó, vậy hồ sơ thế nào hả anh?

Đức: Không phải bác ạ, công ty cháu có trách nhiệm làm hồ sơ kiểm dịch, nhưng để thuận lợi cho công ty trong việc thực hiện trách nhiệm đăng ký kiểm dịch cũng như hạn chế một phần rủi ro, bác cấp cho chúng cháu bản sao giấy tờ chứng nhận đã tiêm phòng, xét nghiệm bệnh động vật để công ty nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch. Trước mắt ngày mai bác đi đăng ký tiêm phòng văcxin tai xanh tại cơ sở thú y, chúng cháu mua thì cũng yên tâm đàn lợn được miễn dịch, khi vận chuyển đảm bảo an toàn và thuận lợi cho việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của chúng cháu.

Ông Tuấn nhớ lại sáng nay họp thông báo hai hôm nữa cán bộ thú y huyện về xã đến từng hộ chăn nuôi kiểm tra vệ sinh thú y và tiêm phòng loại vắc xin mới gì đó nên tán thành ngay:

Ông Tuấn: Ngày mai tôi sẽ đăng ký đi tiêm phòng luôn, nhưng từ giờ đến sang tuần tôi cũng lo ngay ngáy anh ạ. Nhân tiện anh hướng dẫn luôn cái thủ tục kiểm dịch xem có phức tạp lắm không?

Đức: Cháu là cán bộ kinh doanh kiêm nhiệm công tác pháp chế của doanh nghiệp nên thủ tục này cũng làm thường xuyên, tùy từng trường hợp mà hồ sơ đăng ký kiểm dịch có những loại giấy tờ gì bác ạ. Theo nguyên tắc của pháp luật, động vật hay sản phẩm động vật khi vận chuyển ra khỏi phạm vi tỉnh là phải thực hiện kiểm dịch. Như trường hợp công ty cháu mua lợn của gia đình ta thì phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục thú y, hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm Giấy đăng ký kiểm dịch động vật vận chuyển theo mẫu quy định; Bản sao giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nơi xuất phát của động vật (nếu có); Bản sao giấy chứng nhận tiêm phòng, phiếu kết quả xét nghiệm bệnh động vật (nếu có).

Ông Tuấn: Nếu gia đình không có giấy tờ trên thì các anh có thực hiện được kiểm dịch không?

Đức: Nếu không có các giấy tờ thì việc kiểm dịch vẫn được tiến hành nhưng thời gian có thể kéo dài, cháu muốn đàn lợn được vận chuyển tập trung vào khu cách ly kiểm dịch thời gian càng ngắn càng tốt bác ạ.

Hơn nữa Điều 38 Luật Thú y năm 2015 quy định về yêu cầu đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh như sau:

“1. Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi xuất phát cấp;

b) Động vật phải khỏe mạnh, sản phẩm động vật bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

c) Không làm lây lan dịch bệnh động vật, không gây hại đến sức khỏe con người.

2. Động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển, vật dụng chứa đựng bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y quy định của Luật này”.

Do vậy kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật trên cạn là hoạt động bắt buộc bác ạ!

Hai bên nói chuyện thêm một lúc rồi Đức ra về, khi lên xe nổ máy anh còn động viên ông Tuấn cứ yên tâm do địa bàn này vẫn nằm trong vùng an toàn dịch bệnh. Đức đi rồi, ông Tuấn quay sang bà Loan.

Ông Tuấn: Nghe anh ấy nói cũng yên tâm một phần. Ngày mai tôi sẽ đi đăng ký tiêm phòng cho đàn lợn nhà mình. Mà bà cũng đừng lo lắng quá, mọi việc đâu sẽ vào đấy cả thôi. Trước mắt nhà mình đang ký tiêm phòng cho đàn lợn đã, phòng còn hơn chống bà ạ!

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn