TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 01/06/2023 16:06

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Bảo hiểm xã hội là sự thay thế hoặc bù đắp một phần hoặc thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện. Bảo hiểm xã hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, có trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện, cố ý trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nêu trên. Hành vi trốn đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không những ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của người lao động sau này mà việc trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tiểu phẩm pháp luật “Bảo đảm quyền lợi của người lao động”giới thiệu đến bạn đọc những quy định pháp luật về xử phạt đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động.

  1. NHÂN VẬT

Ông Hải: Trưởng phòng nhân sự công ty H;

Chị Lan: Người lao động;

Anh Dương: Người lao động;

Anh Bình: Người lao động;

Chị Hằng: Người lao động.

  1. NỘI DUNG TIỂU PHẨM

Trước ca phòng nhân sự của công ty, một nhóm công nhân đang tập trung để chờ gặp trưởng phòng. Thấy tiếng ồn ào ở bên ngoài, ông Hải - trưởng phòng nhân sự mở cửa xem có chuyện gì thì nhóm công nhân cùng nhau tiến đến.

Ông Hải: Hôm nay có việc gì mà các anh chị em tập trung ở đây đông thế này?

Chị Lan: Chúng em chào anh! May quá, gặp được anh ở đây rồi. Anh ơi, chúng em đến hỏi về việc đóng bảo hiểm xã hội cho anh em trong công ty ạ!

Anh Bình, chị Hà (cùng nói): Dạ. Đúng rồi ạ!

Anh Dương: Anh Hải này, chúng em đến là muốn hỏi anh về việc đóng bao hiểm cho người lao động của công ty. Chúng em đã được ký hợp đồng lao động lâu rồi nhưng đến giờ công ty vẫn chưa đóng bảo hiểm xã hội cho chúng em là sao ạ?

Anh Bình:  Đúng rồi đấy ạ. Anh trai em làm ở đây đã được 03 năm. Giờ anh ấy ốm phải nằm viện cả tháng nay cũng chưa được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội.

Chị Hà: Còn em đang mang thai, công ty vẫn chưa đóng bảo hiểm xã hội cho em. Ít nữa em không làm được chế độ thai sản thì mẹ con em phải làm sao ạ? Quyền lợi của em không được đảm bảo.

Ông Hải: Thôi được rồi, thế này nhé, mọi người trật tự, giờ mọi người tập trung ở đây thế này gây ồn ào trong công ty, tôi cũng không giải quyết hết được tất cả mọi trường hợp. Bây giờ đang giờ làm việc, mọi người tạm thời giải tán đi. Về phân xưởng tiếp tục làm việc, rồi cử ai đại diện gặp tôi giải quyết, chúng ta cùng nói chuyện.

Chị Hà: Anh Hải đã nói vậy, thì anh em mình về làm việc thôi. Chúng em cử chị Lan và anh Dương ở lại làm đại diện cho chúng em làm việc với Trưởng phòng nhân sự. Anh chị phải đấu tranh cho quyền lợi của anh em đấy nhé. Em là em trông chờ vào anh, chị đấy.

Anh Bình: Anh chị cố gắng lên nhé. Vì quyền lợi của mọi người. Chúng em về trước đây ạ.

Chị Lan: Mọi người yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.

Nhóm công nhân giải tán về phân xưởng làm việc. Chỉ còn chị Lan và anh Dương ở lại. Hai người theo ông Hải vào phòng nhân sự.

Ông Hải (ngồi xuống bàn, vừa rót nước vừa nói): Tôi nhắc các anh, chị nhé phải tránh việc tụ tập đông người, bỏ việc. Các anh, chị định biểu tình ở đây à. Cứ như thế này đến cuối năm đừng có lương, thưởng gì nhé!

Chị Lan: Thực ra thì chúng em cũng không muốn tụ tập đông người gì đâu. Như thanh niên chúng em đã thiệt thòi rồi nhưng anh thấy đó, chị Hà mang thai cũng chỉ còn một vài tháng nữa là sinh con mà không có bảo hiểm xã hội thì quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Hải: Cũng phải chia sẻ thật với các anh, chị thế này. Tình hình công ty hiện nay đang rất khó khăn, không có điều kiện để đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Nói thật là công ty đã cố gắng trả lương cho công nhân hàng tháng, không nợ lương đã là may lắm rồi đấy.

Anh Dương: Làm gì có chuyện vô lý như thế ạ. Theo quy định của pháp luật, sau khi ký hợp đồng lao động, công ty phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hàng tháng công nhân chúng em vẫn phải trích lương ra để đóng bảo hiểm xã hội cơ mà.

Chị Lan: Anh Hải, anh nói như thế nào không đúng đâu ạ. Việc đóng bảo hiểm xã hội là quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như người lao động. Với lại cái này trong hạch toán tài chính kinh doanh của công ty. Bắt buộc phải nói đến chứ ạ.

Ông Hải: Ờ thì, đúng ra là có tính. Thế nhưng cũng phải nói thật là trong thời điểm kinh tế khó khăn như thế này, đặc biệt vừa trải qua đại dịch Covid – 19, Công ty khó khăn thế nào các anh, chị cũng đã biết đấy. Chúng tôi đã phải cắt giảm đi nhiều lao động.

Anh Dương: Làm sao mà như thế được, công ty làm như thế này là vi phạm pháp luật. Là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Chị Lan: Anh nói là công ty khó khăn cũng không đúng. Nếu mà khó khăn thì sao hàng năm vẫn xuất khẩu hàng chục tấn hàng ra nước ngoài và thu về cả chục tỷ đồng. Chúng em vào công ty cũng được mấy năm rồi công ty chưa hề đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Như thế là công ty vi phạm pháp luật.

Anh Dương: Đúng rồi.

Ông Hải: Thôi thế này. Ngày mai tôi sẽ đề xuất vấn đề này lên Ban Giám đốc, sẽ đóng bảo hiểm cho các bạn ngay tháng sau. Nhưng cũng chỉ mấy trường hợp hôm nay có mặt thôi đấy nhé.

Anh Dương: Không được. Một vài trường hợp là thế nào, anh phải có ý kiến với giám đốc công ty hoặc chủ doanh nghiệp đóng cho tất cả mọi người chứ ạ. Đây là quyền lợi của người lao động đấy.

Ông Hải: Cô cậu phải biết điều chứ, đừng có được voi đòi tiên.

Chị Lan: Anh Hải này, chúng em ở đây là đại diện cho anh, chị em công nhân đã tin tưởng, đòi quyền lợi chính đáng cho tất cả mọi người. Anh đừng nói thế?

Anh Dương: Trước khi đến đây gặp anh, chúng em cũng đã tìm hiểu các quy định của pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Lao động, sau khi ký hợp đồng với người lao động, công ty phải lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Công ty mà cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội hoặc nợ bảo hiểm xã hội thì chắc chắn kiểu gì công ty cũng bị thanh tra, kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí nặng hơn là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đấy ạ.

Ông Hải: Các anh, chị định dọa tôi đấy à?

Chị Lan (lấy trong túi sách một tập văn bản): Em không dọa ai đâu ạ, đấy là quy định pháp luật. Trước khi đến đây chúng em đã tìm hiểu rồi. Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;

d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

6. Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động có hành vi cung cấp Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động không đúng sự thật.

9. Hình thức xử phạt bổ sung

Đình chỉ hoạt động đánh giá an toàn, vệ sinh lao động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.

Như vậy, với quy định nêu trên, mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt dành cho cá nhân, do đó, Công ty sẽ bị phạt tiền từ 36% đến 40% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không quá 150.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng và buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định từ 30 ngày trở lên.

Anh Dương: Còn đây nữa. Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:

“1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng”.

Hôm nay, chúng tôi đại diện cho anh em đến đây kiến nghị với công ty. Hi vọng, anh báo cáo ngay cho Ban Giám đốc để giải quyết quyền lợi cho tất cả các anh em công nhân. Nếu công ty vẫn cố tình không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chúng tôi sẽ có đơn kiến nghị lên Thanh tra lao động để giải quyết.

Ông Hải: Ơ. Thôi được rồi. Các bạn đã nói vậy. Tôi hứa sẽ báo cáo lên Ban Giám đốc công ty để giải quyết triệt để vấn đề đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Giờ các bạn cứ về làm việc đi, tôi hứa Ban Giám đốc sẽ có phản hồi sớm nhất cho các bạn.

Chị Lan: Vâng. Chúng tôi mong nhận được phản hồi sớm của Ban Giám đốc. Chào anh, chúng tôi về.

Ông Hải gọi điện cho Giám đốc Công ty: Báo cáo Giám đốc, hiện nay đơn vị chúng ta chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho một lao động, điều này vừa vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, lại làm cho người lao động không yên tâm làm việc, họ vừa lên Phòng nhân sự phản ánh. Xin lịch Giám đốc, chiều nay tôi sẽ lên báo cáo Giám đốc về việc tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thực hiện lời hứa với công nhân lao động, ông Hải đã báo cáo Công ty và nhanh chóng thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong Công ty.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn