TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/05/2022 14:54

​​​​​​​Tìm hiểu một số quy định về giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

(Theo Nghị định 37/2018/NĐ-CP ngày 10-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự)

1. Việc phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 37/2018/NĐ-CP, các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, việc phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Công an cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục.

Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục phải gửi ngay cho người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục, người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Một người có thể được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục nhiều người nhưng không quá 03 người trong cùng một thời điểm.

2. Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát giáo dục được thực hiện như thế nào?

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định như sau: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập người được giám sát, giáo dục; mời cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục và Công an cấp xã để thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Nội dung thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục gồm:

- Thông báo quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục;

- Giới thiệu người trực tiếp giám sát, giáo dục; trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục;

- Trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục.

Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

3. Việc xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục được quy định như thế nào?

Điều 9 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định như sau: Ngay sau khi nhận Quyết định phân công trực tiếp giám sát, giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải tiến hành ngay các công việc sau đây để xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục:

- Gặp gỡ người được giám sát, giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ và những người khác để thu thập các thông tin liên quan đến nhân thân, sức khỏe, tâm lý, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống, quan hệ bạn bè và quá trình vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục;

- Phân tích các thông tin thu thập được để xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục; các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ để giúp họ phục hồi và phòng ngừa tái phạm.

- Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục được thực hiện theo quy định.

4. Anh C được giao nhận Quyết định phân công giám sát, giáo dục cháu A. Để việc giám sát, giáo dục cháu A thay đổi hành vi lệch chuẩn và nhận thức pháp luật theo chuẩn mực, đề nghị cho biết trách nhiệm của người giám sát, giáo dục sau khi được phân công?

Điều 10 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận quyết định phân công, người trực tiếp giám sát, giáo dục, căn cứ thời hạn giám sát, giáo dục và báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật theo quy định. Người trực tiếp giám sát, giáo dục xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát, giáo dục và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, người trực tiếp giám sát, giáo dục tham khảo ý kiến, nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó; chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp dịch vụ sẵn có ở địa phương, trao đổi với Trung tâm công tác xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo đảm tính phù hợp và khả thi của kế hoạch.

Kế hoạch giám sát, giáo dục bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

- Các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ cần thực hiện để khắc phục các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể; các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp;

- Thời điểm bắt đầu thực hiện, thời điểm kết thúc các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ;

- Các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức cấp huyện hoặc cấp tỉnh.

5. Pháp luật quy định như thế nào về lập, quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự?

Điều 11 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Công an cấp xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục đối với người được giám sát, giáo dục.

Hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục gồm các tài liệu sau đây:

- Các tài liệu trong hồ sơ ban đầu gồm các thông tin về lý lịch cá nhân của người được giám sát, giáo dục và bản sao quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền;

- Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục theo quy định;

- Biên bản thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định;

- Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục theo quy định;

- Kế hoạch giám sát, giáo dục;

- Cam kết của người được giám sát, giáo dục về việc chấp hành biện pháp giám sát, giáo dục;

- Sổ theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch giám sát, giáo dục;

- Báo cáo định kỳ hàng tháng của người trực tiếp giám sát, giáo dục về kết quả giám sát, giáo dục;

- Biên bản trình diện;

- Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục;

- Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng;

- Các tài liệu khác có liên quan.

Ngoài các tài liệu quy định nêu trên, hồ sơ thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn có thêm các tài liệu sau đây:

- Các tài liệu về việc vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định (nếu có);

- Quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định;

- Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định.

6. Đề nghị cho biết nội dung và hình thức giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng?

Theo quy định Điều 12 Nghị định 37/2018/NĐ-CP nội dung và hình thức giám sát, giáo dục được quy định như sau:

* Về nội dung giám sát, giáo dục:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;

- Trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm;

- Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;

- Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

* Hình thức giám sát, giáo dục:

- Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục;

- Hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề;

- Thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó;

- Yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.

7. K phạm tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do chưa đủ 18 tuổi và lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng. K được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Để giúp K nhận ra lỗi lầm, pháp luật quy định K phải thực hiện nghĩa vụ cam kết gì nhằm khắc phục sai phạm?

Để giúp K nhận ra lỗi lầm và khắc phục sai phạm, hướng thiện hòa nhập cộng đồng, Điều 13 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định: Người được giám sát, giáo dục phải làm bản cam kết về việc chấp hành các nghĩa vụ và gửi cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.

Nội dung cam kết gồm:

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nghiêm túc sửa chữa sai phạm;

- Tham gia Chương trình học văn hóa, dạy nghề hoặc lao động do địa phương tổ chức phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh của mình;

- Tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

- Trình diện khi được yêu cầu.

- Ngoài các nội dung cam kết nêu trên, người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng còn phải cam kết hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có).

Cam kết của người được giám sát, giáo dục phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

8. A 17 tuổi đang ở cùng gia đình và bị áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục tại xã B. Gia đình A chuyển đến tỉnh B sinh sống, đề nghị cho biết trong trường hợp nơi cư trú của A thay đổi, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Điều 19 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định việc thay đổi nơi cư trú của người được giám sát, giáo dục như sau:

Trường hợp A được giám sát, giáo dục thay đổi nơi đăng ký thường trú hoặc theo gia đình di chuyển đến địa phương khác thì phải làm đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, trong đó ghi rõ lý do, nơi đến thường trú hoặc tạm trú. Đơn phải có ý kiến của người trực tiếp giám sát, giáo dục.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của A, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, báo cáo và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục để làm các thủ tục tiếp tục thi hành biện pháp giám sát, giáo dục tại nơi thường trú hoặc tạm trú mới.

9. Chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn, được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 23 Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Khi nhận được đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Công an cùng cấp tổ chức cuộc họp xem xét việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giáo dục cho người được giám sát, giáo dục.

Thành phần tham gia cuộc họp gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; người trực tiếp giám sát, giáo dục; đại diện Công an cấp xã; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; người được giám sát, giáo dục; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục.

Tại cuộc họp, người trực tiếp giám sát, giáo dục nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; người tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận.

Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập hồ sơ đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gửi cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Hồ sơ đề nghị gồm có:

- Đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục;

- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục cho người được giám sát, giáo dục;

- Bản nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục.

10. K (16 tuổi) phạm tội hành hạ người khác nhưng được miễn trách nhiệm hình sự vì đây là tội ít nghiêm trọng và K bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn. Xin hỏi, sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, pháp luật quy định như thế nào về cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn?

Điều 24 Nghị định 37/2018/NĐ-CP, việc cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục hoặc khi nhận được Quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của cơ quan có thẩm quyền, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giám sát, giáo dục theo quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, K được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn