TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/09/2021 15:10

Cần có các giải pháp nhằm hạn chế việc quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là sự đụng chạm cơ thể, mà còn thể hiện qua những lời nói khiếm nhã. Việc phân định ranh giới giữa trêu đùa và quấy rối đôi khi khá mong manh và khó phân biệt. Từ năm 2016, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11 – 15/12), với sự tham gia của các cơ quan bộ ban ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Theo khảo sát của Tổ chức Plan International Việt Nam cho thấy, trong số gần 1.200 các em gái được hỏi, có 31% đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Điều đáng nói, có tới 45% số người được hỏi không làm gì khi nhìn thấy các em gái bị quấy rối ở nơi công cộng và 20% hành khách trên xe buýt không can thiệp khi chứng kiến những hành động sai trái đó.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, các chuyên gia về giới cho rằng yếu tố làm gia tăng tình trạng quấy rối tình dục và sự lầm tưởng giữa hành vi quấy rối với trêu đùa chủ yếu đến từ quan niệm, lối sống. Khi chúng ta coi việc hành động trêu ghẹo của nam giới là bình thường thì những hành vi quấy rối vẫn sẽ không ngừng tiếp diễn. Hệ quả, hệ lụy của sự tiếp diễn và tràn lan những hành vi quấy rối trẻ em gái và phụ nữ nơi công cộng sẽ gây ra vô cùng lớn với nạn nhân nói riêng và với xã hội nói chung. Còn nạn nhân là trẻ em bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Người lớn cũng có xu hướng khép mình ngại tham gia các hoạt động chung và cản trợ sự giao lưu, mở mang kiến thức, quan hệ với mọi người. Phụ huynh có con là nạn nhân thì ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của họ.

Để nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống quấy rối với phụ nữ và trẻ em gái. Lần đầu tiên Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã đưa ra khái niệm “quấy rối tình dục nơi công sở” và cách nhận diện, phòng chống. Trong những năm qua, Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thân thiện, an toàn hơn cho người dân và đường dây nóng hỗ trợ cộng đồng. Dẫu vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng quấy rối cần có giải pháp tổng thể của ngành chức năng cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành. Do đó, để có một kết quả bền vững và lan tỏa hơn, bên cạnh việc hoàn thiện và nâng cao quá trình thực thi luật pháp luật, ngành chức năng cần triển khai các giải pháp về phòng ngừa như giáo dục những kỹ năng chống quấy rối; nâng cao năng lực cho mạng lưới hỗ trợ để từ đó nạn nhân, người thân và cộng đồng tin tưởng các cơ sở/tổ chức hỗ trợ, để họ tìm tới chia sẻ, lên tiếng và lan tỏa thông điệp phòng chống các hành vi quấy rối tình dục.

Quang Huy

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn