TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 10/08/2021 07:59

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật: Cần có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp với đội ngũ cán bộ pháp chế

Vừa qua, tại phiên họp của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, cải cách, hoàn thiện thể chế, coi đó là một trong những mũi đột phá chiến lược.

Những thuận lợi và khó khăn

Tại phiên họp của Quốc hội, đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với quan điểm: Công tác làm luật phải hướng vào cải cách thể chế; Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế và Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình này. Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hiệu quả thi hành pháp luật. Yêu cầu về việc tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ đặt ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó đội ngũ pháp chế giữ vai trò quan trọng.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đổi mới, đầu tư cả về con người, kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay, đội ngũ pháp chế chuyên trách ở Trung ương có khoảng 1.400 người, trong đó làm chuyên trách pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ chiếm 1/3, chuyên trách pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoảng 450 người. Đội ngũ cán bộ pháp chế đã có nhiều đóng góp đối với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ này cũng còn tồn tại không ít những khó khăn, như: một số cơ quan mặc dù có biên chế dành cho vị trí “pháp chế” nhưng thực tế lại bố trí cán bộ làm công việc khác hoặc kiêm nhiệm; không ít cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện không có vị trí việc làm về pháp chế hoặc công chức pháp chế chưa có bằng cử nhân luật; số lượng cán bộ làm công tác pháp chế đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Có cơ chế thu hút, đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế

Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế tinh nhuệ, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện hiện nay, đó là tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật, trước hết cần hoàn thiện các văn bản pháp lý quy định về chức danh nghề nghiệp cho người làm công tác pháp chế chuyên trách; có chế độ, chính sách ưu đãi, thu hút đối với những người làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương nhằm động viên, hỗ trợ tinh thần và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ làm công tác này.

Hiện nay, đa số các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không còn Phòng Pháp chế. Một số nhiệm vụ, lĩnh vực công tác quan trọng như: rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bồi thường Nhà nước… vẫn do cơ quan tư pháp cấp tỉnh thực hiện nhưng không được bố trí biên chế. Trước yêu cầu công việc, cần nghiên cứu bổ sung biên chế chuyên trách đối với các cơ quan tư pháp.

 Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Quốc hội cần đưa nội dung tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp chế là một trong những yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và hàng năm báo cáo nội dung này trước Quốc hội để có sự xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Nguyên Thảo

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn