TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 02/07/2021 14:51

Tội phạm về mại dâm, giải pháp phòng ngừa và hạn chế

Các tội phạm về mại dâm ở Việt Nam được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015)  bao gồm tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328) và tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Trong những năm qua, các tội phạm về mại dâm có xu hướng tăng lên cả về số vụ và tính chất, mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và gây bức xúc dư luận. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2009, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử khoảng 471 vụ với khoảng 612 người phạm các tội phạm về mại dâm. Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2020  đã tăng lên 523 vụ với khoảng 687 người phạm tội. Điều đó cho thấy, các tội phạm về mại dâm ở nước ta xảy ra ngày càng nhiều và có mức độ phổ biến hơn. Bên cạnh những tội phạm về mại dâm được đưa ra xét xử vẫn còn một số lượng lớn các vụ phạm tội và người phạm tội còn “ẩn”, chưa bị phát hiện, xử lý hình sự.

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tội phạm về mại dâm ở Việt Nam, có thể xác định các nguyên nhân phát sinh loại tội phạm này như sau:

Một là, nguyên nhân liên quan đến kinh tế - xã hội: Tội phạm về mại dâm ngày càng tăng trước hết xuất phát từ sự gia tăng các tệ nạn xã hội. Khi lượng người có nhu cầu mua dâm tăng, thì số lượng người phạm tội về mại dâm cũng tăng. Đây là kết quả tất yếu của quy luật cung - cầu. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định dẫn đến người dân không có thu nhập ổn định nên dễ bị cám dỗ trở thành tội phạm về mại dâm.

Hai là, Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa chú trọng đến địa bàn trọng điểm nổi cộm vấn đề này nên hiệu quả chưa cao. Môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội còn thiếu sự phối hợp, chưa thật sự được quan tâm đúng mức, dễ dẫn đến tình trạng các đối tượng bị rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội nói chung và tội phạm về mại dâm nói riêng.

Ba là, nguyên nhân liên quan đến hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội: Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu còn nhiều thiếu sót. Công tác giám sát, phát hiện người có hành vi bán dâm và quản lý các website có hình ảnh phản cảm, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh hay việc tuần tra, kiểm soát các tụ điểm cơ sở kinh doanh dịch vụ còn thiếu sát sao. Vì vậy, các tội phạm về mại dâm xảy ra trong thời gian dài khó bị phát hiện và xử lý.

Bốn là, nguyên nhân liên quan đến chính sách, pháp luật về mại dâm: Hiện nay, người bán dâm và người mua dâm (trừ trường hợp người mua dâm người dưới 18 tuổi) chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe trong khi họ lại là đối tượng cần phải xử lý nghiêm để góp phần hạn chế sự gia tăng tệ nạn mại dâm nói chung và các tội phạm về mại dâm nói riêng. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định về xử lý hình sự người tham gia vào hoạt động mại dâm. Nhiều hành vi mới phát sinh liên quan đến hoạt động mại dâm chưa có quy định điều chỉnh phù hợp như hành vi tổ chức mại dâm, “bảo kê” mại dâm, cưỡng bức mại dâm. Xử lý đối tượng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới còn nhiều lúng túng. Xuất phát là do khái niệm mại dâm hiện hành đã không bao quát được các hành vi mới như mua bán dâm giữa những người đồng tính… Các hành vi liên quan đến mại dâm như kích dục, khiêu dâm... chưa có chế tài xử lý nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Năm là, nguyên nhân từ phía người phạm tội: Người phạm các tội phạm về mại dâm có tâm lý coi thường pháp luật, hám lợi, lười lao động nhưng lại muốn kiếm tiền nhanh và dễ dàng. Vì vậy, họ sẵn sàng thực hiện tội phạm chứa mại dâm, môi giới mại dâm khi có cơ hội. Đối với người mua dâm người dưới 18 tuổi thì tâm lý người phạm tội hình thành qua sự tác động của môi trường xã hội làm phát sinh động cơ phạm tội.

Các giải pháp phòng ngừa tội phạm về mại dâm ở Việt Nam trong thời gian tới

Từ những đánh giá, xác định nguyên nhân của tội phạm về mại dâm nói trên, cần có các giải pháp phòng ngừa, hạn chế như sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế kết hợp định hướng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho người dân. Bên cạnh đó, cần giải quyết việc làm cho người lao động để giảm tỉ lệ người thất nghiệp, người có việc làm không ổn định. Muốn vậy, nhà nước ta cần có chính sách chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế vùng, ưu tiên phát triển kinh tế với các ngành nghề truyền thống, công nghiệp chế biến vì đây đều là những ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông. Ngoài ra, nhà nước ta cần phát triển thông tin thị trường lao động bằng cách thiết lập hệ thống thông tin tin, phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cần trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan truyền thông cũng như chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh nhiên cần thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền về tác hại của mại dâm, pháp luật về mại dâm... Bên cạnh đó, môi trường giáo dục trong từng gia đình phối hợp với nhà trường và xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bố mẹ cần quan tâm, giáo dục con cái, kịp thời uốn nắn, định hướng cho con vượt qua những cám dỗ không lành mạnh trong cuộc sống. Nhà trường chú trọng nhiều hơn đến giáo dục nhân cách, pháp luật, giới tính cho học sinh. Các cơ quan đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền để định hướng cho người dân tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần giảm việc phát sinh các tệ nạn xã hội, trong đó có các tội phạm về mại dâm.

Thứ ba, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể là, chính quyền địa phương và cơ quan công an cần có biện pháp quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trong đó có mại dâm như nhà hàng, quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, các cơ sở massage, tẩm quất... Các cơ quan công an, quản lý thị trường... cần thường xuyên tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh văn hóa, sử dụng các phần mềm ngăn chặn hiệu quả các website có hình ảnh phản cảm để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu cần được chú trọng thông qua việc thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra người dân đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và tăng cường lực lượng làm công tác quản lý nhân khẩu. Tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng là người bán dâm. Đồng thời, cần triển khai các dự án hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các hình thức xử phạt hành chính theo hướng nghiêm khắc hơn nhằm răn đe, giáo dục đối với người mua dâm và người bán dâm. Nâng mức xử phạt trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đối với người mua dâm, người bán dâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm chứa chấp hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm. Bên cạnh đó, hình sự hóa một số hành vi rất nguy hiểm như tổ chức, bảo kê, cưỡng bức mại dâm thành tội danh độc lập làm cơ sở cho việc xử lý, phòng ngừa những hành vi này.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn