TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/05/2021 15:58

Kiến tạo việc làm bền vững trong tình hình mới

Tạo đủ việc làm cho đội ngũ lao động là trụ cột thứ nhất của an sinh xã hội. Người lao động khi đã có việc làm, có thu nhập, bảo đảm được cuộc sống của mình thì chính là Nhà nước và xã hội đã thực thi đúng đắn chức năng đầu tiên của an sinh xã hội, đó là “ngăn ngừa, phòng vệ rủi ro từ trước, từ xa”.

Điều 55 Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”. Đến năm 1994, Quốc hội Khóa IX đã thảo luận, thông qua và ban hành Bộ luật Lao động (gồm 17 chương, 198 điều). Bộ luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007, 2012 và lần sửa đổi gần đây nhất vào năm 2019 lên tới 220 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trong đó dành hẳn một chương để quy định về việc làm.

Cùng với Bộ luật Lao động năm, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật gắn với lao động - việc làm, đó là các Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã, Luật Bảo hiểm xã hội... Đặc biệt năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Việc làm nhằm cụ thể hóa Điều 35 Hiến pháp năm 2013, “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Có thể coi đây là chính sách cơ bản, bao quát của Nhà nước về việc làm. Điều 4 Luật Việc làm đã quy định rõ các nguyên tắc về việc làm, “Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc. Bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập. Bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động”. Điều 5 Luật Việc làm quy định rõ các chính sách cơ bản của Nhà nước về việc làm như: có chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lao động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách về việc làm; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm và tự tạo việc làm có mức lương từ tối thiểu trở lên nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thị trường lao động; có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp; có chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; có chính sách ưu đãi đối với ngành, nghề sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc sử dụng nhiều lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số.

Với chính sách việc làm khá hoàn chỉnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và với trình độ của người lao động đã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, số lượng việc làm hàng năm được tạo ra tương đối đều đặn và ngày càng phát triển. Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ XI, Quốc hội Khóa XIV thì giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm đã tạo ra 1,6 triệu chỗ làm việc; 5 năm cả nước đã giải quyết được việc làm cho gần 8 triệu lao động, trong đó 7,3 triệu lao động có việc làm trong nước và 634 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 64,5%, trong đó số lao động có bằng, cấp chứng chỉ nghề đạt 24,5%.  Kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020.

Đại dịch Covid-19 mặc dù nước ta đã phòng chống rất hiệu quả nhưng vẫn có 101.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động và nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến tháng 12.2020, cả nước có đến 32,1 triệu lao động bị tác động, trong đó 39,9% số lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 14% buộc phải tạm nghỉ, tạm ngừng làm việc.

Tiếp tục cụ thể hóa 6 chính sách trong Luật Việc làm: Vấn đề cốt lõi của việc làm và việc làm bền vững là phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển, giữ được việc làm đã có, tạo ra nhiều việc làm mới; đào tạo, giáo dục lại nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đương đại. Công việc này đòi hỏi trách nhiệm cao của tất cả các bên, Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động. Ngay từ khi đại dịch mới bùng phát, Nhà nước ta đã ứng phó rất kịp thời nhằm hạn chế tác hại của đại dịch, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ vì nhiều điều kiện, thủ tục phải chứng minh, đánh giá mức độ thiệt hại do đại dịch... là những việc đột xuất, tức thời rất khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, đến tháng 10/2020 mới có khoảng 20% số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250.000 tỷ đồng. Tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh ý kiến của cử tri nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan khẩn trương rà soát, nhanh chóng sửa đổi những quy định, thủ tục chưa phù hợp để sớm tháo gỡ được những vướng mắc này. Về phía các doanh nghiệp cần chủ động rà soát, nắm lại tình hình, cố gắng đáp ứng tối đa các điều kiện thiết yếu của các chính sách. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn tiếp thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất của doanh nghiệp, các chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (hỗ trợ giá điện sản xuất cho doanh nghiệp, cho hộ kinh doanh...) giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa các chính sách trong Luật Việc làm. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động; chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gắn với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động... để người lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm và việc làm ổn định. Đó là cơ sở pháp lý cho hoạt động kiến tạo việc làm, phát triển lao động - việc làm bền vững.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn