TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/03/2021 16:22

Một số vấn đề về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội”

Tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) có quy định về việc “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Sở dĩ pháp luật hình sự quy định như vậy là do tính chất, mức độ nguy hiểm của việc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội cao hơn so với phạm tội trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi áp dụng tình tiết này còn một số khó khăn, vướng mắc.

Khái niệm về “thiên tai”, “dịch bệnh”

 “Thiên tai”, “dịch bệnh” là những hiện tượng khó khăn đặc biệt của xã hội. Pháp luật hình sự không có quy định giải thích cụ thể thế nào là “thiên tai”, “dịch bệnh” mà các khái niệm này được quy định tại các luật chuyên ngành.

Theo Luật Phòng chống thiên tai năm 2013,“thiên tai” là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Các hiện tượng thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. Như vậy, khái niệm thiên tai theo quy định pháp luật đã liệt kê cụ thể các hiện tượng tự nhiên bất thường. Tuy nhiên, việc xác định các hiện tượng này có phải là thiên tai hay không còn phụ thuộc vào mức độ, tính chất và thiệt hại gây ra trên thực tế.

Về khái niệm “dịch bệnh”, pháp luật hiện hành không có khái niệm cụ thể mà chỉ có các quy định về “dịch”, “bệnh truyền nhiễm” đối với người, động vật quy định trong Luật Thú y và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trên thực tế, thế giới đã trải qua các đại dịch để lại hậu quả nặng nề như dịch hạch, bệnh đậu mùa, dịch tả… và gần đây nhất là dịch Covid-19 đã và đang có diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu.

Sự cần thiết quy định hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Sở dĩ Bộ luật Hình sự quy định hành vi “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là bởi các lý do sau:

Một là, xuất phát từ đặc thù của thiên tai, dịch bệnh có tính nguy hiểm cao đối với con người và toàn xã hội mà trong đó chỉ một cá nhân vi phạm các biện pháp phòng, chống đã gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc làm mất đi sự bình ổn xã hội. Mặt khác, trong điều kiện có thiên tai, dịch bệnh, hậu quả do thiên tai, dịch bệnh là rất lớn. Việc người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang cho nhân dân.

Hai là, thiên tai, dịch bệnh là những sự kiện bất khả kháng đòi hỏi sự chung tay của tất cả người dân. Việc người lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội có khả năng gây hậu quả lớn, khó khắc phục hoặc phải mất nhiều nguồn lực của Nhà nước mới khắc phục được. Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh khiến ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế cơ hội việc làm, tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng dẫn đến các loại tội phạm xảy ra nhiều hơn.

Vì các lý do trên, pháp luật quy định người bị buộc tội lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là cần thiết thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội.

Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội”

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt. Tuy nhiên, khi áp dụng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” không cụ thể mà phụ thuộc nhiều vào nhận định, đánh giá và áp dụng của Tòa án khi xét xử. Do đó, Tòa án cần “lượng hóa” những thiệt hại mà người có hành vi lợi dụng tình trạng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội. Cần hiểu, người phạm tội chỉ cần “khai thác” hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra để tạo ra điều kiện có lợi cho mình khi thực hiện hành vi phạm tội mà không nhất thiết họ phải đang trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh đó.

Thực tế cho thấy, các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội có thể là lợi dụng tình hình thiên tai để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của Nhân dân, ví dụ như việc lợi dụng việc chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai để chở hàng cấm, hàng lậu; lợi dụng những khó khăn do bão lụt gây ra để đầu cơ hàng hoá rồi bán lại với giá cao nhằm trục lợi; phát tán thông tin dịch bệnh có chứa mã độc trên mạng xã hội để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản; đầu cơ, tích trữ vật tư y tế (khẩu trang, nước, dung dịch sát khuẩn)…

Tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” được áp dụng chủ yếu đối với người vi phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm sở hữu hoặc lợi dụng dịch bệnh để xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người khác. Đối với các tội xâm phạm sở hữu, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là tình tiết định khung tăng nặng. Theo đó, người phạm vào các tội xâm phạm sở hữu mà bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn so với phạm tội trong điều kiện bình thường.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp do sự biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng xuất hiện nhiều thiên tai, dịch bệnh. Do nhu cầu phát triển của xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm, Bộ luật Hình sự quy định tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội” là phù hợp. Tuy nhiên, để áp dụng tình tiết này thống nhất trên thực tế, cần phải có hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hành vi vi phạm.

                                                                              Phạm Liên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn