TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/03/2021 16:22

Nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới gia tăng do đại dịch Covid-19: Làm thế nào để đẩy lùi?

Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu từ cuối năm 2019 đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Dịch bệnh không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người, gây suy thoái về kinh tế mà việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: hạn chế các hoạt động đi lại, áp dụng các biện pháp cách ly và nhiều hoạt động bị đình trệ…đã dẫn đến nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Những con số “biết nói”

Theo kết quả của Viện Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 người (chiếm 63%) đã từng bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực trong đời, bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tâm lý, bạo lực kinh tế, kiểm soát hành vi… Ước tính bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam gây thiệt hại 1.8% GDP của nền kinh tế quốc gia.

Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên hợp quốc: Những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% trẻ bị đánh. Còn theo khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều em nhỏ bị chính cha, mẹ có hành vi bạo hành trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do những áp lực về việc làm và kinh tế bị giảm sút...

ảnh minh họa

Cần phát huy trách nhiệm của cộng đồng

Để khắc phục tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng quy định về an toàn và bảo vệ trẻ em tại các cơ sở cách ly; phổ biến tài liệu truyền thông về an toàn phòng tránh bạo lực cho trẻ em tại gia đình; xây dựng tài liệu và chương trình kỹ năng làm cha mẹ, đồng thời đảm bảo ứng trực đường dây nóng 24/7 để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết. Từ tháng 6 năm 2020, Việt Nam đã chính thức tham gia Dự án hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Mục đích của dự án này nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, đặc biệt những đối tượng dễ bị tổn thương nhất không bị bạo lực…

Trong thời gian tới, để hạn chế những nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Khi phát hiện những vụ việc bạo lực, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật. Cần mở thêm nhiều lớp tập huấn cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phụ nữ và trẻ em nhằm ngăn ngừa bạo lực, xâm hại, cải thiện sức khỏe tâm thần và tâm lý của những người bị ảnh hưởng. Và hơn ai hết, mỗi người làm cha, làm mẹ cũng cần nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với con mình để có những ứng xử phù hợp, giảm thiểu nguy cơ bạo lực từ gia đình.

                                                                                Phạm Liên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn