TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 26/04/2021 16:41

Bảo đảm nguồn lực thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật: Yếu tố quan trọng để bảo đảm tính thực thi của pháp luật

        Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 được Bộ Tư pháp xác định là “Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính”… Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này, việc bảo đảm nguồn lực cho công tác theo dõi thi hành pháp luật giữ vai trò quan trọng.

Theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm

Trong những năm qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật nói chung và theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành ngày càng gắn bó hơn với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy; quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp… Qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, các đơn vị, địa phương đã có phản ứng chính sách kịp thời đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, Bộ Tư pháp đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật

Thực hiện Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về kinh phí bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật theo hướng bố trí toàn diện, đầy đủ các nội dung chi và mức chi phù hợp đối với các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Hiện nay, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có nội dung về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Đồng thời, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức pháp chế; bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổng biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng. Mặt khác, Luật Tổ chức thi hành pháp luật cũng đang được khẩn trương hoàn thiện, trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế về điều kiện bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm biên chế và kinh phí thực hiện. Với những biện pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó trọng tâm là việc bảo đảm nguồn lực thực hiện, công tác theo dõi thi hành pháp luật nói chung và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành nói riêng sẽ ngày càng thực chất hơn và phát huy vai trò, ý nghĩa trong đời sống xã hội. 

                                                             Thu Phương

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn