TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 02/06/2021 10:31

​​​​​​​Vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên công nghệ số

  Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), không thể phủ nhận vai trò to lớn của lực lượng nữ giới đối với sự phát triển của nền kinh tế và những đóng góp tích cực đối với nhiều mặt của đời sống xã hội. Ngày nay, phụ nữ đang sống trong một kỷ nguyên mới - làm chủ vận mệnh mình cùng nam giới chung lo bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

1. Cơ hội của phụ nữ trong thời đại công nghệ số

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 97% tất cả các nghề nghiệp trên thế giới cần đến kĩ năng số. Phụ nữ không trang bị các kĩ năng công nghệ thông tin sẽ bị bỏ lại đằng sau. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến cơ hội lớn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiện đại để thúc đẩy tài năng, năng suất, việc làm và thu nhập cao. Nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra nhiều việc làm và cơ hội cho lao động nữ. Do đó, lao động nữ cần nỗ lực bắt kịp công nghệ mới, thay đổi cách thức làm việc, tập trung trí tuệ, để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới. Có ý kiến cho rằng, phụ nữ có rất nhiều thế mạnh và ưu điểm vượt trội hơn đàn ông trong các mảng về công nghệ thông tin và kĩ thuật số, tuy nhiên, con số thực tế về nữ lập trình viên vẫn còn rất ít. Nữ giới thường có suy nghĩ ngành công nghệ thông tin rất khó và vất vả, nên họ có xu hướng chọn ngành nghề khác để đỡ vất vả và công việc nhẹ nhàng hơn. Dù vậy, tính cẩn thận và tỉ mỉ của phụ nữ là một ưu điểm cần thiết trong ngành công nghệ thông tin. Ngày nay, phụ nữ đang không ngừng vươn lên để chuyển hóa những thách thức trong kỷ nguyên công nghệ số thành cơ hội cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

2. Thách thức của kỷ nguyên công nghệ số đối với phụ nữ

Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại những thách thức to lớn cho Việt Nam, đặc biệt là sự chuyển biến của nền kinh tế, trong đó, chịu áp lực nặng nề nhất là những ngành sử dụng lao động thủ công chủ yếu là phụ nữ như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán là sẽ khiến cho chị em phụ nữ là lao động trong các ngành này phải đối mặt với nguy cơ mất việc rất cao. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa. Cụ thể, 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

3. Giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên công nghệ số

Một là, Nhà nước cần xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách còn bất cập đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn; quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Ba là, phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số; cần tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ, tạo ra nhiều động lực mới để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy tài năng.

Bốn là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng về công nghệ số, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn