TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 02/06/2021 10:28

Lan tỏa văn hóa đọc ở Việt Nam

Sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Sách ẩn chứa trong đó một kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại, mang lại kiến thức và khai sáng cho trí tuệ con người. Thời đại mới cần có những con người mới; những con người có văn hoá cao, có kiến thức khoa học tiên tiến. Việc đọc sách để tiếp thu tri thức mới và làm giàu cho tri thức của mình là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghệ thông tin (đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, việc đọc sách cũng có nhiều đổi thay sâu sắc. Văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở việc đọc và thưởng thức các tác phẩm được in trên giấy mà còn được mở rộng ra việc đọc các tác phẩm online (đọc trực tuyến).

Người Việt Nam luôn cầu tiến trên con đường tri thức. Thế nhưng, văn hóa đọc của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hiện nay đã có phần giảm sút. Ngày càng có ít bạn trẻ thích đọc sách và càng có ít người viết sách. Họ thích giải trí trên các phương tiện nghe, nhìn hơn là cầm sách lên đọc. Các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… tưởng chừng như đã lấn át, không còn chỗ cho việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với những trang sách in. Việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online (trực tuyến) đang dần trở thành xu thế tất yếu. Sách điện tử sẽ là hình thức của sách trong tương lai. Từ sự thay đổi về phương tiện, con người cũng thay đổi về sở thích và thói quen đọc sách. Họ thích sự giản đơn, nhanh chóng và tiện lợi.

Luật Thư viện năm 2020 ra đời và đi vào đời sống đã góp phần lan tỏa tình yêu sách và nâng cao giá trị của văn hóa đọc. Sự ra đời của Luật Thư viện một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị của thư viện nói riêng, văn hóa đọc nói chung.

Luật Thư viện năm 2020 gồm 06 chương, 52 điều, đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, đó là: Quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Luật Thư viện đã bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số, đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện, định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động thư viện.

Nhân tố đột phá trong Luật Thư viện năm 2020 là xã hội hóa và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Xã hội hóa các hoạt động thư viện được xem là biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà công tác thư viện, nhất là thư viện cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang gặp khó khăn về kinh phí, chế độ chính sách đầu tư nhằm phát triển văn hóa đọc. Quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện, gồm: Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân; tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện; thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; thực hiện liên thông thư viện; tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Từ quy định này có thể nhận thấy, người sử dụng thư viện không chỉ là đối tượng phục vụ đơn thuần mà đã trở thành trung tâm của hoạt động thư viện.

Đối với những người khiếm thị, Luật Thư viện năm 2020 có quy định rõ: Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác. Các quy định của Luật Thư viện năm 2020 đã đảm bảo cho mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật được phục vụ và đáp ứng các nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí.

Để Luật Thư viện năm 2020 tiếp tục được áp dụng một cách hiệu quả trong đời sống đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến thư viện trên lãnh thổ Việt Nam phải có sự hiểu biết và thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật. Để có được điều đó, công tác phổ biến và triển khai thực hiện Luật Thư viện năm 2020 và các văn bản hướng dẫn như nghị định, thông tư… cần phải tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Có thể thấy, Luật Thư viện năm 2020 ra đời đã là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của một đất nước văn hóa, một đất nước hiện đại. Đây là điều kiện tốt để các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, phát triển văn hóa đọc tại các công sở, trường học, liên thông giữa các thư viện (công và tư), góp phần lan tỏa phong trào đọc sách tời từng gia đình, từng thôn xóm … Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi các phương tiện truyền thông mới đang làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận tri thức và đọc sách, dường như chúng ta quan tâm đến những mẩu tin ngắn, được quảng cáo hấp dẫn, bị động với thông tin và bị thông tin dẫn dắt nhiều hơn, thông tin nhanh đến rồi cũng nhanh đi hơn, vì thế, có thể chúng ta có nhiều thông tin hơn nhưng các thông tin cũng ít sâu sắc hơn. Rèn luyện thói quen đọc sách chủ động là một giải pháp vô vùng cần thiết để xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thói quen đọc sách giúp chúng ta trưởng thành hơn và mỗi cuốn sách hay chính là một chiếc chìa khóa đưa chúng ta đến thành công và thậm chí có thể thay đổi chính cả cuộc đời mình. Tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh thói quen đọc sách là cách chúng ta xây dựng một xã hội tri thức, hướng tới xây dựng con người phát triển toàn diện và một nền văn hóa dân tộc đậm chất nhân văn.

Tuấn Hưng

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn