TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/06/2022 15:03

Cần sự chung tay của gia đình, các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật

        Trong thời gian qua tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói chung và phạm tội nói riêng đang trở thành vấn đề quan tâm, lo ngại của xã hội, với số lượng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp thể hiện ở loại tội mà các em vi phạm như cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, hiếp dâm… Đặc biệt trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố còn xảy ra các vụ việc gây rối trật tự công cộng với số lượng thanh, thiếu niên tham gia đặc biệt lớn, mang theo các công cụ phương tiện nguy hiểm như chai, giáo, kiếm… gây mất trật tự giao thông và an toàn xã hội, nhiều vụ còn gây nên các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người khác.

Ngày 19/5/2022, Tòa án nhân dân quận Kiến An đã xét xử vụ án gây rối trật tự công cộng đối với 29 bị cáo trong đó có 19 bị cáo là người dưới 18 tuổi, có nhiều bị cáo hiện vẫn còn đang là học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Các bị cáo hẹn đánh nhau trên mạng xã hội để rồi ngày 07/8/2021 các bị cáo tụ tập thành 2 nhóm có khoảng 80 người đi trên 30-40 xe mô tô điều khiển xe dàn hàng ngang, lạng lách, rú ga trên hàng loạt các tuyến đường từ đường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) theo đường Tô Hiệu, Hồ Sen, Võ Nguyên Giáp, Bùi Viện và các tuyến đường thuộc địa phận quận Kiến An. Sau đó, tụ tập tại khu đô thị Cựu Viên để đánh nhau nhưng bị lực lượng cảnh sát cơ động phát hiện nên một số bị cáo đã dùng chai thủy tinh ném về phía lực lượng chức năng rồi bỏ chạy. Trên đường chạy 2 nhóm tiếp tục ném chai về phía nhau gây mất trật tự công cộng ….

Trước đó, trong tháng 3/2022 Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng và Tòa án nhân dân thành phố cũng đưa ra xét xử công khai 2 vụ án gây rối trật tự công cộng trong đó có vụ 18 bị cáo (nhiều tuổi nhất chỉ 19 tuổi còn phần lớn là người dưới 18 tuổi) cũng với hành vi tụ tập điều khiển nhiều xe mô tô phân khối lớn, tụ tập, dàn hàng ngang gây rối trên các tuyến đường trung tâm thành phố và ném chai thủy tinh vào người đi đường hậu quả của vụ án một làm 1 người bị thương tích phải nhập viện làm giảm 25% sức khỏe; hậu quả của vụ án thứ hai giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo là 1 người tử vong. Thời gian tới, Tòa án nhân dân hai cấp của thành phố sẽ đưa các vụ án gây rối trật tự công cộng ra xét xử đối với các hành vi vừa xảy ra trên địa bàn, trong các vụ án đó có những vụ số các bị cáo là thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật lên đến hơn 30 người.

Tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo trong các vụ án này chúng tôi nhận thấy, hầu hết các em đều có đặc điểm chung là do tuổi đời còn rất trẻ nhưng lười học tập, thiếu ý thức rèn luyện, lười lao động, hay lang thang trong các quán điện tử. Nhận thức về pháp luật của các em rất hạn chế, nhiều em biết mục đích đi đánh nhau và đôi khi cho rằng đi theo xem cho biết, cho vui. Dù không tham gia trực tiếp đánh nhau nhưng sự có mặt của các em đã kích động, cổ vũ cho những bị can, bị cáo khác nên nhiều trường hợp hành vi ấy có thể là đồng phạm. Sau khi bị bắt, nhiều em đã khóc và nói với chúng tôi rằng: Các em không hề biết, không hề nghĩ việc làm của mình lại vi phạm pháp luật. Vì thế việc quản lý, giáo dục của gia đình đối với các em là rất cần thiết.

Bản thân các em đều chưa đến tuổi được sử dụng xe mô tô, nhưng chính sự dễ dãi, buông lỏng của gia đình trong việc quản lý các phương tiện này đã tạo cơ sở để các em có thể tụ tập và sử dụng xe mô tô là công cụ phương tiện để gây rối trật tự công cộng.

Chính vì thế, nhiều thanh, thiếu niên đã bị bắt, bị khởi tố hình sự và được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Sauk hi Tòa tuyên án, có những em phải chịu phạt tù, có những em được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Đối với các em được hưởng án treo còn phải áp dụng thời gian thử thách. Tuy nhiên, các em sẽ được cải tạo ngoài xã hội và chịu sự quản lý giám sát chặt chẽ của gia đình và UBND các xã, phường. Các em vẫn có thể đi học, đi làm và theo đuổi những ước mơ của mình. Nhưng nếu trong thời gian thử thách các em không chấp hành nghĩa vụ của người bị kết án tại nơi cư trú mà lại phạm tội mới hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì các em sẽ bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc hơn như tạm giam hoặc nếu hành vi mới bị đưa ra xét xử thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt của bản án trước đây thành phạt tù với hình phạt của bản án sắp tuyên. Theo đó, các em sẽ không còn cơ hội được cải tạo ngoài xã hội.

Chính vì vậy, gia đình của các em cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giáo dục con, em mình cần biết các em đi đâu, làm gì, chơi với ai để kiểm soát ngay từ đầu những lệch lạc trong nhận thức, suy nghĩ, hành vi của các em. Cùng với đó là vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát việc thi hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cần giải thích, nhắc nhở các em về việc bản thân đang phải chấp hành hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần đưa ra các kiến nghị, các biện pháp cụ thể đối với Công an các xã, phường trên địa bàn nơi các em cư trú, thực hiện giám sát chặt chẽ, mỗi tuần đều triệu tập các em đến làm việc, yêu cầu các em tường trình, viết kiểm điểm để nhắc nhở và định hướng cách thức lựa chọn hành vi phù hợp với quy định cho các em. Từ sự vào cuộc của gia đình, nhà trường, chính quyền sở tại cùng với các cơ quan tư pháp, sẽ sớm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật hiện nay.

 

                                

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TGVPL Nguyễn Thị Thu Thủy

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn