TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/06/2022 11:20

Hợp đồng dân sự vô hiệu theo pháp luật Việt Nam

“Hợp đồng” là một trong những chế định quan trọng của pháp luật trên thế giới nói chung và pháp luật dân sự Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, không phải tất cả các hợp đồng giao kết đều có giá trị pháp lý và được thực hiện. Trên thực tế rất nhiều hợp đồng không đáp ứng các điều kiện của pháp luật và bị tuyên vô hiệu. Dưới đây là các quy định pháp luật xác định hợp đồng vô hiệu theo pháp luật Việt Nam hiện hành.

Căn cứ vào quy định tại Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng dân sự vô hiệu.” Theo đó, có thể xác định hợp đồng dân sự vô hiệu theo các trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm năng lực chủ thể

Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:“Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Năng lực hành vi dân sự là khả năng nhận thức hành vi, làm chủ hành vi của họ khi tham gia giao dịch dân sự. Năng lực hành vi của mỗi cá nhân lại phụ thuộc vào độ trưởng thành về thể chất và nhận thức của mỗi cá nhân.

Theo Khoản 2, Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) là người có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình một cách đầy đủ, có quyền tham gia độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do mình thực hiện trong các quan hệ pháp luật dân sự. Ngược lại, người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) là những người có năng lực hành vi dân sự một phần và chỉ có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong một giới hạn nhất định do pháp luật dân sự quy định. Trong đó, người có đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi tham gia các giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi, người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi được tự mình tham gia các giao dịch dân sự không cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và các giao dịch khác pháp luật yêu cầu cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Cụ thể vấn đề này, Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.” Như vậy, các chủ thể là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là những chủ thể không đáp ứng được yêu cầu về năng lực hành vi dân sự khi tham gia giao kết hợp đồng. Do đó, hợp đồng dân sự do các đối tượng trên xác lập sẽ có thể rơi vào một trong hai trường hợp:

Một là, hợp đồng dân sự vô hiệu khi người đại diện của người đó có yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu khi hợp đồng đó buộc phải có sự đồng ý của người đại diện khi họ xác lập, thực hiện thì Toà án tuyên bố hợp đồng dân sự đó vô hiệu. Tuy nhiên, nếu người đại diện của những người này đồng ý, hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Hai là, hợp đồng vẫn còn giá trị pháp lý nếu không thuộc trường hợp bắt buộc phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

2. Hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm ý chí của chủ thể

Thứ nhất, hợp đồng dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự sẽ được quyền tham gia giao kết hợp đồng dân sự với tư cách là chủ thể độc lập, tự chịu trách nhiệm về những hành vi do mình thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế một vài trường hợp tại một thời điểm nào đó, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lại không thể nhận thức và điều khiển được hành vi của chính họ. Ví dụ như: Bị say rượu hay bị tâm thần phân liệt…thì những hợp đồng được xác lập vào thời điểm này bị coi là hợp đồng  không đáp ứng được điều kiện tự do ý chí. Do một hoặc cả hai bên chủ thể đã không đủ điều kiện để thể hiện được ý chí đích thực của mình. Tuy nhiên, thực tế chứng minh đối với các hợp đồng trên vô cùng phức tạp.

Thứ hai, hợp đồng dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu”.

Sự nhầm lần này có thể xuất phát từ nhận thức của các bên hoặc phán đoán sai lầm về đối tượng sự việc. Bên có lỗi làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn thì phải bồi thường.

Thứ ba, hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo

Căn cứ Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015: “khi các bên xác lập giao xác lập giao dịch dân sự một các giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn còn hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”. thể hiểu giao dịch dân sự do giả tạo là giao dịch dân sự được xác lập hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng, nhưng sự bày tỏ ý chí bên trong với sự thể hiện ý chí ra bên ngoài của các bên lại không thống nhất dẫn đến hợp đồng dân sự vô hiệu.

Thứ tư, hợp đồng dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch dân sự đó.

Khi hợp đồng có yếu tố lừa dối, bên bị lừa dối không cần phải chứng minh điều kiện nào khác, mà có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu.

Theo Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

3. Hợp đồng dân sự vô hiệu do mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Như vậy, về nguyên tắc, trong bất kể trường hợp nào, hợp đồng dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Thông thường, những thoả thuận hợp đồng phù hợp với đạo đức xã hội thì cũng được pháp luật công nhận, bảo vệ và ngược lại những thoả thuận trái với đạo đức xã hội sẽ bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, trên thực tế pháp luật không thể dự liệu hết mọi trường hợp có thể xảy ra điều chỉnh. Do đó, có thể có những thoả thuận trong hợp đồng dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng mục đích và nội dung trái với những chuẩn mực đạo đức chung, trái với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc thì cũng đều vô hiệu

4. Hợp đồng vi phạm điều kiện bắt buộc về hình thức của hợp đồng.

Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận hình thức là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Khoản 2, Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về hình thức giao dịch dân sự với nội dung: “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Như vậy, có thể thấy về nguyên tắc hình thức không phải là điều kiện bắt buộc để cho hợp đồng có hiệu lực pháp lý. Tức là hợp đồng chỉ bị tuyên vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức nếu trong Bộ luật Dân sự hoặc luật khác quy định cụ thể về hình thức xác lập hợp đồng đó.

Ví dụ: Đối với hợp đồng về quyền sử dụng đất, Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật đất đai. Dẫn chiếu tới Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”. Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ có thể có hiệu lực khi được lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực.  

5. Hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

Khoản 1, Điều 408 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trong trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu”.

Đối tượng của hợp đồng có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện. Là tài sản thì tài sản đó phải có thực, trong một số trường hợp nhất định, pháp luật chấp nhận đối tượng của hợp đồng là vật chưa có trong hiện tại nhưng chắc chắn sẽ có trong tương lai (tài sản hình thành trong tương lai). Đối tượng là công việc thì công việc phải thực hiện được.

Đối tượng của hợp đồng không thực hiện được vì lý do khách quan có thể thuộc một trong các trường hợp: Đối tượng hợp đồng bị pháp luật cấm, trái đạo đức xã hội hoặc không có thực vượt quá khả năng thực tế của con người đặt ra trong một điều kiện hoàn cảnh nhất định. Trong trường hợp một bên biết hoặc phải biết về đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại nếu có, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng đó có đối tượng không thể thực hiện được.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn