TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 09/06/2022 15:59

Phạt vi phạm trong hoạt động thương mại - một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật

Luật Thương mại năm 2005 ra đời đã góp phần tạo nên khung pháp lý vững chắc điều chỉnh các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, qua nhiều năm áp dụng, Luật Thương mại năm 2005 đã phát sinh những bất cập cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, trong đó có các quy định liên quan đến phạt vi phạm trong hoạt động thương mại.

Hiện nay, vấn đề phạt vi phạm được quy định chủ yếu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này...”. Như vậy, theo quy định trong cả hai văn bản pháp luật trên, phạt vi phạm là một chế tài, theo đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, các quy định này còn một số điểm chưa hợp lý và cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau:

Một là: Hiện tại chưa có cách hiểu thống nhất đối với quy định về phạt vi phạm trong Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Có quan điểm cho rằng, thỏa thuận phạt vi phạm cần có ngay trong hợp đồng từ thời điểm giao kết. Quan điểm khác lại cho rằng, thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và thỏa thuận này không nhất thiết phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra mà có thể thỏa thuận sau khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Như vậy có thể thấy hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề xác định thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm, điều này dẫn đến sự khó khăn và không thống nhất trong việc thực thi pháp luật trên thực tế.

Hai là: Về mức phạt vi phạm, hiện nay, đối với hợp đồng dân sự thông thường thì mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, còn đối với hợp đồng thương mại thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm… Có thể thấy rằng, việc Luật Thương mại năm 2005 vẫn giữ quy định về giới hạn mức phạt vi phạm 8% như trên có nhiều điểm chưa thật sự hợp lý và thuyết phục bởi hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, quy định trên phần nào hạn chế sự tự do thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng.

Mặt khác, các quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa đưa ra được cách thức giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Hiện nay, vẫn còn tồn tại hai quan điểm đối với vấn đề trên: Quan điểm thứ nhất cho rằng, phần vượt quá sẽ không được tính và mức phạt sẽ được xác định là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, điều khoản phạt vi phạm vẫn có hiệu lực; Quan điểm thứ hai cho rằng, điều khoản này sẽ bị vô hiệu, không được áp dụng và bên bị vi phạm không có căn cứ để yêu cầu phạt vi phạm. Từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại, các Tòa án thường chấp nhận quan điểm thứ nhất, nghĩa là nếu hai bên thỏa thuận vượt quá 8% thì sẽ áp dụng mức phạt từ 8% trở xuống để giải quyết yêu cầu bồi thường cho bên bị vi phạm.

Ba là: mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại vẫn có sự quy định không thống nhất giữa Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 lại quy định rằng, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Theo quy định này, có thể hiểu, các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại mà không cần phải thỏa thuận việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Sự chưa thống nhất trong các quy định trên đã gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

Một số giải pháp để khắc phục những bất cập trong quy định của pháp luật về phạt vi phạm

Một là, bổ sung quy định thống nhất cách hiểu về thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm. Thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và không nhất thiết phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Chế tài phạt vi phạm là một chế tài dựa trên thỏa thuận của các bên. Do đó, cần tôn trọng thỏa thuận và ý chí của các bên.

Hai là, không nên quy định giới hạn của mức phạt vi phạm mà nên để các bên tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, nên xem xét quy định về sự can thiệp nhất định của Tòa án trong trường hợp mức phạt quá cao hay quá thấp. Trong trường hợp vẫn giữ quy định về mức giới hạn như hiện nay thì cần có các quy định cụ thể để giải quyết trong trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm lớn hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.

Ba là, cần có sự thống nhất trong quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Việc nghiên cứu, đánh giá, xem xét và tiếp tục hoàn thiện các chế định pháp luật về phạt vi phạm trong hoạt động thương mại hiện nay là điều rất quan trọng và cấp thiết. Đặc biệt là việc hoàn thiện các quy định về vấn đề liên quan đến thời điểm tồn tại của điều khoản phạt vi phạm, mức phạt vi phạm, mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại giữa Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi các vấn đề này được hoàn thiện theo hướng đề xuất sẽ là điều kiện cần thiết để giúp hoạt động thương mại được diễn ra hiệu quả, đáp ứng với các yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.

(Theo Tạp chí dân chủ và pháp luật.

Trang điện tử: www.tcdcpl.moj.gov.vn)

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn