TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/09/2021 15:18

Những bất cập về điều kiện hành nghề công chứng và một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật

Luật Công chứng năm 2014 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Qua quá trình triển khai, thực hiện khẳng định sự ra đời của Luật Công chứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đáp ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động công chứng.

Theo Luật Công chứng năm 2014, điều kiện hành nghề công chứng là những yêu cầu của Nhà nước đưa ra và buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ mới được thành lập, đăng ký hành nghề và tiến hành các hoạt động hành nghề công chứng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện những nội dung trên đã phát sinh những bất cập, cụ thể như sau:

1. Chưa quy định giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng

Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 quy định sáu tiêu chuẩn để xem xét, bổ nhiệm công chứng viên là: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng cử nhân luật; Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng; Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Đối chiếu các tiêu chuẩn nêu trên cho thấy Luật Công chứng hiện hành không quy định về độ tuổi hành nghề công chứng. Với quy định như hiện nay thì bất cứ ai đủ tiêu chuẩn theo Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 đều có thể làm hồ sơ để xin hành nghề công chứng, kể cả khi họ là người cao tuổi. Trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền cũng không có căn cứ để từ chối việc tiếp nhận hồ sơ xem xét, bổ nhiệm công chứng viên, trong khi đó hoạt động công chứng là lĩnh vực đòi hỏi công chứng viên phải là người có đủ sức khỏe, trí tuệ minh mẫn trong quá trình hành nghề.

Điều kiện về độ tuổi là điều kiện cần thiết đối với người hành nghề nói chung và hành nghề công chứng nói riêng. Thời gian hành nghề thiết nghĩ nên tương đồng với quy định về độ tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ là phù hợp với thông lệ chung, để vừa sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực công chứng viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng. Từ quan điểm này, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng quy định bổ sung tiêu chuẩn xem xét, bổ nhiệm công chứng viên là: “Không quá 60 tuổi đối với nữ, không quá 70 tuổi đối với nam và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”. Theo đó, trường hợp người quá tuổi nêu trên thì sẽ không được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên hoặc người đang là công chứng viên hành nghề thì khi họ đến ngưỡng tuổi nêu trên sẽ được cơ quan có thẩm quyền rà soát, thực hiện miễn nhiệm công chứng viên theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Công chứng.

2. Quy định về tiêu chuẩn công chứng viên phải có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật

Khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 quy định tiêu chuẩn công chứng viên phải “có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”.

Quy định này hướng tới việc bổ nhiệm công chứng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu pháp luật nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế có nhiều bất cập, vướng mắc do chưa làm rõ được nội hàm của khái niệm “công tác pháp luật”. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định rõ công tác pháp luật là làm những công việc gì và làm ở ngành nghề, cơ quan, tổ chức nào nên dẫn đến nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau. Tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng (Thông tư 01/2021/TT-BTP) đã có hướng dẫn cụ thể về giấy tờ chứng minh về thời gian làm công tác pháp luật đối với các đối tượng như: Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành luật; thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, thừa phát lại.

Tuy nhiên, Thông tư 01/2021/TT-BTP lại không đề cập tới nhiều trường hợp khác như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là những người làm công tác lập pháp, lập quy, giám sát việc thi hành pháp luật thì sau khi hết nhiệm kỳ 05 năm, có được tính đó là thời gian làm công tác pháp luật hay không? Bên cạnh đó, điểm b khoản 3 Điều 3 của Thông tư này còn quy định chung chung, chưa làm rõ được công tác pháp luật của các chủ thể khác là người lao động, người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế. Chẳng hạn “Quyết định tuyển dụng, quyết định luân chuyển, điều động, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với vị trí công tác pháp luật được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng”. có được coi là giấy tờ chứng minh thời gian làm công tác pháp luật hay không?

Như vậy, quy định của Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều chỉnh về điều kiện hành nghề công chứng vẫn chưa đầy đủ, toàn diện, quy định chưa rõ ràng nên khó thực hiện, có thể tạo ra sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Để khắc phục tình trạng này, cần phải có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác pháp luật, thời gian công tác pháp luật đối với từng chủ thể. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng bổ sung quy định về giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết điều khoản “có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”. Đồng thời, để nâng cao chất lượng bổ nhiệm công chứng viên bảo đảm có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu pháp luật, có thể nghiên cứu sửa đổi Luật Công chứng theo hướng quy định kéo dài thời gian đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng hơn so với quy định hiện nay.

3. Quy định về điều kiện đối với công chứng viên hướng dẫn tập sự

Tại khoản 3 Điều 11 Luật Công chứng năm 2014 quy định “công chứng viên bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng thì sau 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng”.  Nghiên cứu quy định này cho thấy có sự mâu thuẫn với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nên dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong trường hợp người hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng bị xử phạt cảnh cáo. Cụ thể là, theo khoản 1 Điều 7 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Do đó, việc quy định công chứng viên sau 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng là chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Để khắc phục sự mâu thuẫn giữa Luật Công chứng năm 2014 với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chứng nên được sửa lại theo hướng sau: Công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng thì sau khi hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng.

4. Quy định về những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên

 Khoản 3 Điều 13 Luật Công chứng quy định không bổ nhiệm đối với trường hợp “người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự” mà không đề cập đến trường hợp “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” là chưa phù hợp với Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể là, tại khoản 1 Điều 46 quy định việc giám hộ đối với “người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

Tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.  Như vậy, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không thể là đối tượng để xem xét, bổ nhiệm công chứng viên được.

Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng: Không bổ nhiệm công chứng viên đối với người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

5. Quy định về điều kiện miễn nhiệm công chứng viên

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Công chứng, công chứng viên “đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm” thì bị miễn nhiệm công chứng viên. Như vậy, bất kỳ trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mà vi phạm lần thứ ba trong hoạt động hành nghề công chứng là bị miễn nhiệm công chứng viên. Quy định này mâu thuẫn với khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm hoặc trong một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.

Để bảo đảm phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tăng cường tính thượng tôn pháp luật của các chủ thể trong quá trình hành nghề công chứng, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp công chứng viên vi phạm pháp luật. Do đó, cần sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 theo hướng quy định: Công chứng viên bị miễn nhiệm khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm.

6. Quy định về cấp lại thẻ công chứng viên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Công chứng năm 2014, công chứng viên được cấp lại thẻ trong trường hợp “thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng”. Quy định nêu trên chưa điều chỉnh hết quan hệ phát sinh trong hoạt động công chứng khi có yêu cầu cấp lại thẻ công chứng viên trong trường hợp tên gọi văn phòng công chứng thay đổi hoặc công chứng viên chuyển đổi làm việc sang tổ chức hành nghề công chứng khác.

Để khắc phục bất cập nêu trên, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 36 Luật Công chứng năm 2014 như sau: Công chứng viên được cấp lại thẻ công chứng viên trong trường hợp thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng hoặc tổ chức hành nghề công chứng nơi công chứng viên đang hành nghề thay đổi tên gọi hoặc công chứng viên chuyển đổi hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng khác.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn