TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/04/2024 10:26

Sản phẩm OCOP - với mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm” ở Hải Phòng

Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Đây là cơ sở quan trọng để triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Mỗi xã, phường, thị trấn, căn cứ vào những nghề truyền thống tại địa phương mình để có các sản phẩm được sản xuất theo quy trình, yêu cầu về chất lượng, công nghệ, sở hữu trí tuệ… Các sản phẩm đặc thù tại địa phương được đảm bảo về chất lượng, sản xuất với quy trình và công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, có đánh giá, xếp hạng theo quy định, từ đó tạo thương hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.

 

Những kết quả đạt được ở Hải Phòng

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP; chỉ đạo Cơ quan thường trực (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố; t chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể tham gia OCOP; chỉ đạo các địa phương thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện theo quy định; rà soát các sản phẩm OCOP tiềm năng trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo công tác phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP. 

Theo chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dựa trên đặc thù tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Hải Phòng đã triển khai chương trình tại 14/15 quận, huyện trên địa bàn thành phố (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ). Số lượng sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP và xếp hạng 3 sao, 4 sao của thành phố có xu hướng gia tăng. OCOP Hải Phòng đã thu hút ngày càng nhiều các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia, đã tạo được những dấu ấn rõ nét khi cung cấp những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, tạo ra các giá trị kinh tế lớn cho các chủ thể kinh tế nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.

Đến hết năm 2023, Hải Phòng có 78 chủ thể tham gia Chương trình OCOP[1] (gồm 21 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 38 hộ sản xuất cá thể). Các sản phẩm tham gia chương trình khá đa dạng, phong phú về chủng loại (bao gồm nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm thủ công mỹ nghệ…). Sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP (từ năm 2021 đến hết tháng 12/2023), thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 214 sản phẩm; trong đó có 151 sản phẩm 3 sao;  63 sản phẩm 4 sao trở lên (đạt 63,88% so với mục tiêu Chương trình OCOP thành phố Hải Phòng) giai đoạn 2021-2025.

2. Chú trọng việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm

Thành phố đã tổ chức 55 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP cho cán bộ các sở, ngành có liên quan, cán bộ thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện và các địa phương, tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặc trưng, thế mạnh; các hội chợ xúc tiến thương mại, các chương trình tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thông qua các hoạt động này, đã kết nối được 146 sản phẩm tham gia Chương trình xúc tiến thương mại  các sản phẩm OCOP tại các tỉnh trên phạm vi toàn quốc; đưa 176 sản phẩm lên các trang thương mại điện tử.

3. Hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP 

Trước khi đánh giá, phân hạng sản phẩm, thành phố đã tổ chức 28 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặc trưng, thế mạnh; hướng dẫn các chủ thể xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP. 

Sau khi được cấp giấy chứng nhận, 30 chủ thể được hỗ trợ tham gia Chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm của các tỉnh, thành phố; đưa sản phẩm của các chủ thể lên các trang thương mại điện tử như: Shope, Nowfesh, Postmart... 

Nhiều sản phẩm sau khi tham gia chương trình đã được cải tiến, hoàn thiện về chất lượng, bao bì, nhãn mác, qua đó thị trường tiêu thụ được mở rộng, khối lượng sản phẩm hàng hóa giao dịch được tăng lên đáng kể và tạo được lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Chương trình đã tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng tại các địa phương, thu hút thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân (sản phẩm tinh bột củ sen, trà củ sen, nấm đông trùng hạ thảo...). 

Một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương trình OCOP

- Nhận thức về Chương trình OCOP của một số địa phương, chủ thể sản xuất chưa rõ ràng; hoạt động sản xuất kinh doanh còn đơn giản và hạn chế, có tư tưởng e ngại khi hoàn thiện các thủ tục, điều kiện tham gia. Bộ máy quản lý và triển khai thực hiện ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm. 

- Một số cán bộ thực hiện Chương trình OCOP còn chưa nắm bắt được đầy đủ các nội dung của Chương trình. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn nên còn những sản phẩm tiềm năng chưa phát triển thành sản phẩm OCOP. 

- Việc phát triển sản phẩm OCOP chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu, vẫn còn một số chủ thể sản xuất hàng hóa với quy mô manh mún, nhỏ lẻ; sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, chưa mang tính hệ thống; chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn người tiêu dùng.

- Nhiều chủ thể còn gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ tham gia Chương trình, đặc biệt là khó khăn trong việc lập phương án sản xuất kinh doanh hoặc viết câu chuyện sản phẩm (là nội dung bắt buộc của Chương trình) cũng như việc cung cấp các tài liệu minh chứng (phân tích chất lượng sản phẩm, các hợp đồng cung cấp nguyên liệu hoặc tiêu thụ sản phẩm)… 

- Công tác xúc tiến thương mại thiếu đồng bộ, chưa phản ánh rõ nét những ưu điểm nổi trội và nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm, gây ấn tượng đối với người mua; việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm với khách du lịch còn hạn chế; việc rà soát lựa chọn các sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, và điểm du lịch để tham gia chương trình gặp khó khăn (qua khảo sát tại huyện Cát Hải và huyện Kiến Thụy cho thấy, chưa có doanh nghiệp nào chú trọng đến việc kết hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với việc phát triển sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương). 

- Một số địa phương chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn, hiện nay vẫn chủ yếu lựa chọn các sản phẩm sẵn có tham gia Chương trình OCOP; việc phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng chưa rõ nét; số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; tính cạnh tranh của sản phẩm thấp; các sản phẩm của địa phương vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế, ít sản phẩm chế biến sâu. 

- Một số cơ sở sản xuất gặp khó khăn khi vay vốn tín dụng do không có tài sản thế chấp; cơ sở vật chất, mặt bằng sản xuất tương đối chật hẹp, không ổn định vì nằm trong vùng quy hoạch; không có quỹ đất để xây dựng trụ sở giao dịch, các khu bán hàng và giới thiệu sản phẩm; trình độ tay nghề của công nhân còn nhiều hạn chế, trình độ quản lý của cán bộ còn yếu; khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nhưng không được chấp nhận do tên của cơ sở không gắn với chỉ dẫn địa lý hoặc có tình trạng tranh chấp về tem nhãn bao bì sản phẩm… 

- Nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép và từ nội lực của chủ thể kinh tế; cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa sự tham gia gắn kết trong phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất; kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình còn rất hạn chế, chưa cụ thể, chưa phân cấp cho cấp huyện. 

- Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với xu thế phát triển, như: đất đai, thu hút đầu tư vào nông nghiệp; chủ thể còn có tâm lý e ngại, thờ ơ khi tiếp cận Chương trình do mất thời gian, chi phí đầu tư sản phẩm phải thực hiện tem nhãn, bao bì theo quy định… 

Một số giải pháp

 

- Tiếp tục hoàn thiện quy định về thể chế, chính sách. Hiện nay, có tình trạng tranh chấp về tem nhãn bao bì sản phẩm trong đó chỉ dẫn địa lý, do đó, Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét, sửa đổi khoản 22 Điều 4, khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ để đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp. 

- Các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành kịp thời các hướng dẫn, đặc biệt là các hướng dẫn khi Chương trình OCOP kết thúc giai đoạn 5 năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương căn cứ triển khai thực hiện; Ban hành các chính sách khung về đất đai, tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các hợp tác xã có sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản tham gia Chương trình OCOP, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với từng tỉnh, thành phố. 

- Ban hành hệ thống khung pháp lý đồng bộ, định mức hỗ trợ trong thực hiện Chương trình OCOP để các địa phương áp dụng; tiếp tục quan tâm phân cấp, phân bổ kinh phí hỗ trợ cho cấp huyện triển khai thực hiện chương trình. 

- Ban hành các quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận OCOP của các sản phẩm OCOP hết hiệu lực và các sản phẩm không còn đáp ứng các tiêu chí so với lúc đánh giá ban đầu, như: chủ thể ngừng hoạt động hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm… 

* Với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan 

- Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc xây dựng các cơ chế, chính sách, quan tâm bố trí các nguồn lực hàng năm để thực hiện Chương trình OCOP. 

- Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện, các sở, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ điểm bán hàng tại trung tâm thành phố, tại các quận huyện khác của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người dân và du khách. 

- Xem xét, bố trí quỹ đất bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật để các doanh nghiệp xây dựng trụ sở giao dịch, trạm thu mua nguyên liệu cho bà con ngư dân, khu trưng bày, quảng bá sản phẩm cho khách du lịch và nhân dân địa phương... 

- Có cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện xây dựng, hình thành phát triển sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm du lịch; đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới. 

- Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ kinh phí trông coi bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, tạo điều kiện phát triển sinh kế bền vững cho người dân ven biển nói chung và phát triển mô hình nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn, nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm OCOP Mật ong hoa rừng ngập mặn. 

- Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thành phố:

 * Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm và có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các chủ thể về hạ tầng, máy móc phục vụ cho phát triển sản xuất... đối với các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; tiếp tục quan tâm hỗ trợ để duy trì phát triển các sản phẩm đã được công nhận và đánh giá lại. 

- Tiếp tục hỗ trợ các địa phương tổ chức lớp tập huấn về Chương trình OCOP đối với Hội đồng đánh giá sản phẩm và tập huấn cho các chủ thể sản xuất về trình tự thủ tục đối với một bộ hồ sơ, quyền lợi của các chủ thể khi được công nhận để họ có động lực hơn và mạnh dạn đăng ký tham gia. 

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí, hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bằng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất; bằng nguồn ngân sách cho hoạt động Khoa học - Công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, ưu tiên sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; huy động các nguồn vốn ngân sách của thành phố và các nguồn khác cho Chương trình OCOP. 

- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình OCOP trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua. 

* Sở Du lịch hướng dẫn về hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thông qua khách du lịch để quảng bá tại các điểm du lịch sinh thái nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch về phát triển du lịch của các địa phương. 

*Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức (xây dựng pano, áp phích, khẩu hiệu về Chương trình OCOP; xây dựng các clip, phóng sự, quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP phát trên các phương tiện truyền thông...). 

- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý các cấp, chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn. 

Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của từng địa phương; phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP. 

- Hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận đạt sao. 

- Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa của địa phương. 

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm bán hàng OCOP, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP; tham gia các Hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; tham gia hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), nhất là đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. 

- Tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg; kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình và các sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá lại sản phẩm OCOP đã đạt hạng sao và quyết định công nhận lại theo quy định. 

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ dành riêng cho Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021-2025…

(Phạm Liên, trường Chính trị Tô Hiệu)

 

 

[1]. Nguồn: Báo cáo số 02/BC- ĐĐBQH ngày 22/01/2024 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn