TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 03/06/2022 15:48

Một số tình huống về nuôi con nuôi trong nước

1. Xin hỏi độ tuổi tối đa của người nhận con nuôi là bao nhiêu? Người cao tuổi có được nhận con nuôi không?

Trả lời:

Hiện nay, pháp luật về nuôi con nuôi không quy định độ tuổi tối đa của người nhận con nuôi. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 của Luật Người cao tuổi thì, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Người cao tuổi phải được đảm bảo các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, được gia đình chăm sóc, phụng dưỡng. Do đó, việc người cao tuổi nhận con nuôi, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi để chăm sóc, nuôi dưỡng là không phù hợp, không bảo đảm cho việc cha, mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi đến độ tuổi trưởng thành. Hơn nữa, trên thực tế nếu khoảng cách độ tuổi giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi quá lớn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ em.

Nếu yêu cầu đăng ký việc nuôi con nuôi không bảo đảm mục đích của việc nuôi con nuôi và không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em theo quy định tại Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi thì UBND cấp xã có thể từ chối đăng ký việc nuôi con nuôi.

2. Người chồng hoặc người vợ hiện tại có thể nhận con nuôi của vợ hoặc chồng đã nhận trước khi kết hôn làm con nuôi hay không? Nếu được, trình tự thủ tục giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Trước khi kết hôn, người vợ hoặc người chồng hiện tại đã có một người con nuôi, trong trường hợp này bên chồng hoặc bên vợ còn lại có thể nhận con nuôi của vợ hoặc chồng làm con nuôi. Trình tự thủ tục được vận dụng thực hiện như đối với trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi.

Sau khi tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi, nếu có yêu cầu, công chức tư pháp - hộ tịch thay đổi họ, tên hoặc thay đổi phần khai về cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

3. Bác ruột muốn nhận cháu làm con nuôi thì có được miễn điều kiện về khoảng cách độ tuổi giữa người nhận con nuôi và con nuôi không?

Trả lời:

Theo phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của người Việt Nam, người chồng hoặc người vợ của cậu, cô, dì, chú, bác ruột cũng được coi là chú, cậu, cô, dì hoặc bác của trẻ em được nhận làm con nuôi. Để tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc theo thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, khoản 3 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi có thể được vận dụng để áp dụng đối với việc miễn điều kiện về khoảng cách độ tuổi trong trường hợp nêu trên.

4. Gia đình tôi đã có 2 con, xin hỏi có được nhận thêm trẻ em làm con nuôi không?

Trả lời: Pháp luật về nuôi con nuôi không cấm người đã có con đẻ nhận con nuôi, nếu người này đáp ứng đủ điều kiện nuôi con nuôi. Do đó, sau khi kiểm tra các điều kiện về nuôi con nuôi, đánh giá điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, chỗ ở của người nhận con nuôi, nếu công chức tư pháp - hộ tịch thấy rằng người nhận con nuôi có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng thêm một người con nữa thì có thể tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, trường hợp trẻ em là cháu ruột của người nhận con nuôi nếu có cơ sở để cho rằng các bên lợi dụng việc cho nhận con nuôi nhằm hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước thì sẽ bị cấm theo Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi, ví dụ như để hưởng chính sách của thương binh, bệnh binh hoặc người có công với cách mạng (con nuôi sẽ được cộng điểm ưu tiên khi thi đại học…). Trong trường hợp đó, công chức tư pháp - hộ tịch cần tư vấn, giải thích, thuyết phục người nhận con nuôi về hệ quả chấm dứt việc nuôi con nuôi nếu vi phạm Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi, từ chối đăng ký việc nuôi con nuôi.

5. Người đứng đầu một cơ sở trợ giúp xã hội có thể nhận một số lượng lớn trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở cơ sở làm con nuôi hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Luật Nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ, con lâu dài bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Việc người đứng đầu một cơ sở trợ giúp xã hội xin nhận một số lượng lớn trẻ em hiện đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở làm con nuôi là không phù hợp, không bảo đảm mục đích nuôi con nuôi. Trên thực tế, trẻ em vẫn sống tập trung ở cơ sở trợ giúp xã hội chứ không phải sống trong môi trường gia đình.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, nếu việc nuôi con nuôi được thực hiện theo đúng quy định pháp luật thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, một người không thể bảo đảm quyền và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý cho tất cả những trẻ em được làm con nuôi này.

6. Xin hỏi, hiện nay có 02 gia đình cùng muốn nhận 01 cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi, phải giải quyết thế nào ?

Trả lời:

Trường hợp đồng thời có nhiều người cùng hàng ưu tiên nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người nào có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt hơn. Tuy nhiên, để đánh giá người nào có điều kiện tốt hơn thì công chức tư pháp - hộ tịch phải kết hợp nhiều yếu tố như:

- Độ tuổi của người nhận con nuôi. Nếu người nhận con nuôi ở độ tuổi cao (ví dụ từ 60 tuổi trở lên) thì không phù hợp với việc nhận một trẻ em sơ sinh làm con nuôi.

- Điều kiện kinh tế: người nhận con nuôi có việc làm ổn định, thu nhập ổn định sẽ có điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn một cặp vợ chồng có công việc không ổn định, mức thu nhập không thường xuyên hoặc không có tài sản nào chứng minh bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi.

- Điều kiện sức khỏe của người nhận con nuôi.

- Đạo đức, lối sống lành mạnh của người nhận con nuôi; sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình người nhận con nuôi; kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em...

Trường hợp trẻ em đã được một trong số những gia đình nêu trên tạm thời chăm sóc nuôi dưỡng thì cũng là tiêu chí xem xét ưu tiên cho gia đình hiện đang tạm thời chăm sóc nuôi dưỡng vì trẻ em ở độ tuổi sơ sinh đã quen với sự chăm sóc của người đó nếu người này có nguyện vọng và đủ điều kiện nuôi con nuôi.

Công chức tư pháp - hộ tịch có thể tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã thành lập hội đồng xem xét, đánh giá điều kiện nuôi con nuôi trong trường hợp có ít nhất hai gia đình cùng đồng thời muốn nhận 01 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi.

7. UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trong khi một bên đang định cư ở nước ngoài không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thuộc trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Do đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc nuôi con nuôi là UBND cấp tỉnh nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi.

Trên thực tế đã xảy ra một số trường hợp đăng ký sai thẩm quyền do người nhận con nuôi xuất trình sổ hộ khẩu còn ghi họ, tên của người nhận con nuôi, giấy chứng minh nhân dân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, mà không thông báo trung thực việc họ đang định cư ở nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nơi người nhận con nuôi định cư sẽ không công nhận quyết định nuôi con nuôi được ban hành sai thẩm quyền.

Để tránh việc đăng ký sai thẩm quyền, UBND cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi phải tiến hành kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng hồ sơ, tìm hiểu thông tin về người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Trường hợp có thông tin về việc người nhận con nuôi sinh sống, làm việc lâu dài ở nước ngoài nhưng vẫn còn đăng ký hộ khẩu thường trú trong nước thì không được coi là công dân Việt Nam thường trú trong nước.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Cư trú, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Như vậy, nếu một người chỉ đăng ký thường trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại nơi đăng ký thường trú mà sinh sống thường xuyên ở nước ngoài thì không được coi là công dân Việt Nam thường trú trong nước.

8. Xin hỏi, trường hợp mẹ đẻ của trẻ em được cho làm con nuôi hiện đang chấp hành hình phạt tù. Vậy Công chức tư pháp - hộ tịch có phải tiến hành thủ tục lấy ý kiến đồng ý về việc cho con đẻ làm con nuôi không, hay chỉ cần lấy ý kiến của ông/bà nội (ngoại) của trẻ để thay thế cho ý kiến của mẹ đẻ?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 25 và Điều 39 của Bộ Luật Dân sự 2015, việc đồng ý cho con làm con nuôi là quyền của cha mẹ đẻ và là quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình, gắn liền với cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác được.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha, mẹ đẻ đều đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. Như vậy, trường hợp cha đẻ/mẹ đẻ hiện đang chấp hành án phạt tù không thuộc những trường hợp nêu trên. Do đó, công chức tư pháp - hộ tịch sẽ phải phối hợp với Ban quản lý trại giam để tiến hành lấy ý kiến đồng ý của cha đẻ/mẹ đẻ về việc cho con làm con nuôi. Ý kiến đồng ý của ông/ bà nội (ngoại) của trẻ em không thay thế được ý kiến đồng ý của cha đẻ/mẹ đẻ của trẻ em trong trường hợp xác định được cha đẻ/mẹ đẻ của trẻ.

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn