TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/09/2021 15:47

Di cư lao động Việt Nam, một số giải pháp về hậu di cư lao động

Ngày nay, trước xu thế phát triển và hội nhập sâu rộng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, vấn đề di cư lao động quốc tế đã và đang tiếp tục trở thành một xu thế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 2015, có khoảng 244 triệu người di cư trên toàn cầu. Đến năm 2019, có khoảng 290 triệu người di cư quốc tế.

Có thể nói, các yếu tố liên quan đến kinh tế như cải thiện thu nhập, tìm kiếm cơ hội việc làm và các lựa chọn mưu sinh được xem là động lực quan trọng trong quyết định di cư của người lao động. Dòng chảy lao động di cư thông thường sẽ di chuyển từ các nước đang phát triển đến những quốc gia phát triển nhằm tìm kiếm thu nhập cao hơn. Đây không chỉ là lợi ích cho bản thân, gia đình của người lao động di cư mà còn đóng góp cho nền kinh tế quốc gia và thế giới nói chung trong điều kiện toàn cầu hóa và tự do kinh tế, việc làm.

Tại Việt Nam, di cư lao động nước ngoài vẫn đang tiếp tục là một xu hướng phát triển nhằm giúp người lao động tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao kỹ năng, tay nghề trong một số lĩnh vực lao động nhất định. Điều này đặt ra đòi hỏi cần có những thay đổi cần thiết trong quy định pháp luật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho vấn đề hậu di cư lao động tại Việt Nam.

Quy định pháp luật Việt Nam về giải quyết hậu di cư lao động

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di cư lao động với mục đích tìm kiếm việc làm chủ yếu được điều chỉnh thông qua một số văn bản như: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (còn hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2021); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022); Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11/7/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Trong đó, chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động trở về nước được quy định tập trung tại Mục 4, Chương III Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thông báo cho người lao động về nước nhu cầu tuyển dụng lao động ở trong nước; hướng dẫn, giới thiệu người lao động đăng ký tìm việc làm phù hợp. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận và tuyển dụng người lao động về nước vào làm việc hoặc đưa đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác. Ngoài ra, đối với người lao động di cư trở về gặp khó khăn thì được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật để tạo việc làm.

Bên cạnh đó, đối với người lao động gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn so với hợp đồng lao động do những nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hoặc từ nguồn hợp pháp khác. Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg đã quy định trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nếu như người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật mà không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm việc và phải về nước trước thời hạn thì mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/trường hợp.

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài và cung cấp hỗ trợ pháp lý khác cho những người lao động phải trở về nước vì những trường hợp khẩn cấp, đối với người lao động ở các huyện nghèo từ nước ngoài trở về. Chẳng hạn, quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài để quản lý và trợ giúp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động phù hợp với ngành nghề, kinh nghiệm đã học hỏi và tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài; tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động và gia đình họ sử dụng nguồn thu từ xuất khẩu lao động đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại; tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp.

Nhìn chung, pháp luật nước ta trong những năm qua đã có những quy định nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho người lao động Việt Nam trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng hoặc vì các lý do bất khả kháng, đặc biệt là đối với người lao động thuộc những huyện nghèo. Tuy nhiên, một cách tổng quát, các quy định pháp lý như trên còn khá đơn giản, rời rạc, chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề việc làm là chính. Những cơ chế và thiết chế cụ thể để bảo đảm những nội dung mà Nhà nước khuyến khích còn chưa rõ ràng. Đặc biệt, để tái hòa nhập, người lao động trở về cần những quy định liên quan đến tư vấn tâm lý, các mối quan hệ, sức khỏe, nhất là lao động nữ.

Một số đề xuất, giải pháp

Có thể thấy, di cư lao động đang là vấn đề toàn cầu, không một quốc gia nào trên thế giới có thể đứng ngoài xu hướng chung ấy. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng như tạo điều kiện để họ có những đóng góp nhất định cho đất nước sau khi trở về, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Cần tiếp tục cụ thể quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng những chương trình, biện pháp phù hợp nhằm giúp họ có thể sớm tìm kiếm việc làm, phát huy được những kinh nghiệm đã được tích lũy sau quá trình làm việc tại nước ngoài. Bên cạnh đó, cần quy định các loại chính sách cụ thể liên quan đến vấn đề việc làm như đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp đối với người lao động có khả năng, phù hợp với ngành, nghề mà họ được học tập ở nước ngoài. Gắn việc đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước khi họ đi và trở về liên quan đến những kỹ năng như tích lũy và quản lý tài chính, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho việc làm trong tương lai khi về nước.

- Về vấn đề hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực: để người lao động hồi hương có thể tiếp cận và sử dụng tốt các nguồn lực này cần thực hiện tốt vấn đề truyền thông, giới thiệu nhằm giúp họ hiểu được những nguồn lực nào phù hợp với nhu cầu bản thân để có thể tiếp cận. Ngoài ra, quy trình, thủ tục để tiếp cận và sử dụng được các nguồn lực trên cũng cần đơn giản, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai, đặc biệt là những nguồn lực về tài chính.

- Về các vấn đề xã hội nảy sinh sau khi trở về: Khi người lao động hồi hương, những yếu tố liên quan đến quan hệ gia đình, cộng đồng, sức khỏe, tâm lý có thể phát sinh do những thay đổi về yếu tố văn hóa, truyền thống. Sau khoảng thời gian lao động ở nước ngoài trở về, tùy thuộc vào thời hạn lao động, những thay đổi về môi trường sống, môi trường làm việc sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đối với lao động di cư. Chính vì thế, sự nắm bắt những thay đổi đó để có những hỗ trợ kịp thời là điều vô cùng cần thiết. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò giúp đỡ từ các đoàn thể tại địa phương như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân...

- Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Công tác truyền thông, thu hút người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm qua đều được các địa phương thực hiện tốt, qua đó tạo động lực và thúc đẩy cho các dòng di cư lao động về sau. Do đó, cần thiết phải có một hệ thống dữ liệu thông tin liên quan về kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề, thời gian làm việc, quốc gia đến làm việc... của người lao động. Hệ thống thông tin này sẽ giúp cho cơ quan nhà nước thuận lợi trong triển khai các quy định về hỗ trợ cho người lao động di cư trở về. Mặt khác, nó còn là một kênh thông tin hữu ích cho các đơn vị tuyển dụng lao động nước ngoài khi có nhu cầu.

Hà Chi

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn